Chuyên gia khẳng định, ung thư không ở đâu xa. Nó có thể hình thành từ những thói quen tưởng vô hại, giống như thói quen chế biến thịt dưới đây…
Ăn thịt rang cháy cạnh đến mức chuyển màu nâu sẫm, cháy sém đen tiềm ẩn nguy cơ ung thư
Thịt lợn là loại thịt được ăn thường xuyên nhất trên mâm cơm của người Việt. Nhất là vào mùa đông, món thịt rang cháy cạnh thơm nức mũi rất được người Việt rất chuộng.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), món thịt rang cháy cạnh cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ bởi những lý do sau:
Một là, lượng mỡ tiết ra từ thịt (hoặc người nấu cho thêm vào) nếu đun ở nhiệt độ cao kéo dài để tạo cháy cạnh sẽ xảy ra các phản ứng hóa học, dễ sinh ra các chất aldehyde, rất có hại cho sức khỏe. Khi rang thịt ở nhiệt độ càng cao thì dầu mỡ càng nóng, chất độc hại trong dầu mỡ càng tích tụ nhiều, tiềm ẩn nguy cơ ung thư càng cao.
Hai là, nếu món thịt bị cháy sém đen xung quanh thì dễ sinh ra chất gây ung thư. Những miếng cháy càng nhiều thì nguy cơ càng cao.
“Thịt rang cháy sém đen, thậm chí cháy khét rất dễ hình thành acrylamide. Đây là chất gây ung thư. Nếu thường xuyên ăn những miếng thịt cháy như vậy thì nguy cơ ung thư hoàn toàn có thể xảy ra”, chuyên gia nhận định.
Nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Cancer cũng cho thấy, phương pháp nấu ăn ở nhiệt độ cao có thể làm tăng nguy cơ ung thư thận. Các nghiên cứu khác phát hiện, tiêu thụ nhiều thịt được nấu kỹ khi thịt rang bị cháy, thịt chiên hoặc nướng có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tụy và tuyến tiền liệt.
Trong khi đó, acrylamide được Chương trình Chất độc Quốc gia Hoa Kỳ, Tổ chức Y tế Thế giới coi là mối lo ngại lớn đối với sức khỏe con người.
Ngoài ra, khi chế biến món thịt rang cháy cạnh, nhiều người cho thêm hành là vào để tăng hương vị thơm ngon, hấp dẫn. Thế nhưng, nếu không chú ý thì chỗ hành này cũng có thể bị cháy sém. Vì khoái khẩu mà vẫn ăn thì cũng gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
Lưu ý khi nấu ăn tránh hại sức khỏe
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, tốt nhất chị em không nên lạm dụng cách chế biến thịt kiểu này. Tốt nhất chỉ nên rang thịt ở mức vừa phải. Khi thịt chuyển sang màu vàng hơi nâu thì nên dừng lại. Tuyệt đối không để thịt chuyển sang màu nâu sẫm, cháy sém. Với hành, chị em cũng nên căn thời gian hợp lý để cho vào thịt vừa đảm bảo thơm ngon vừa không bị cháy, tránh hại sức khỏe.
Chuyên gia cho biết thêm, không chỉ thịt rang cháy cạnh, trong cuộc sống hàng ngày có nhiều món ăn bắt buộc phải áp dụng phương pháp nấu ăn ở nhiệt độ cao. Để giảm thiểu nguy cơ ung thư tối đa, chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình, chị em cần tuân thủ một số nguyên tắc:
– Khi nấu bất cứ món nào ở nhiệt độ cao, điều quan trọng nhất cần ghi nhớ là nấu thức ăn cho đến khi chuyển sang màu vàng nâu. Tuyệt đối tránh để đến lúc có màu nâu sẫm, cháy sém.
– Luộc chín thịt, sau đó mới chế biến thành các món ăn mình muốn. Điều này giúp rút ngắn thời gian nấu một số loại thịt và rau, giảm nguy cơ ung thư trong nấu nướng.
– Trong chế độ ăn uống có những món này cần chú ý kết hợp nhiều trái cây, rau xanh giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ. Chúng là giải pháp giảm thiểu nguy cơ ung thư, đồng thời không thể thiếu trong xây dựng chế độ ăn lành mạnh.
– Ăn thực phẩm ở dạng hấp, luộc nhiều hơn, hạn chế dạng chiên, rán, xào, nướng…
– Ăn thịt cá nạc là chính, hạn chế những món nhiều dầu mỡ, đặc biệt là chất béo bão hòa.
– Ăn nhiều các loại rau họ cải vào mùa đông. Đây là giai đoạn chính vụ của nhiều loại rau cải như bông cải xanh, cải xoăn, cải thảo, bắp cải, cải bó xôi… Chúng rất giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa có tác dụng phòng chống ung thư.
– Trong các bữa ăn hàng ngày nên bổ sung thêm gia vị như gừng, tỏi, hạt tiêu… Những loại gia vị này có mùi đặc trưng, kích thích vị giác đồng thời chứa chất làm giảm khả năng sinh ra tế bào ung thư nên rất tốt cho sức khỏe.
Theo Tuấn Minh-Phụ nữ số