Cụ thể là xẩy ra ở huyện Đắk R’Lấp và người bị thi hành án là bà Võ Thị Lý, một người chỉ với tư cách là người bảo lãnh cho một vụ mua bán đã xẩy ra cách đây 14 năm.
“Ách giữa đàng mang vào cổ”.
Theo nội dung đơn khiếu nại của bà Võ Thị Lý (thôn Quảng Thuận, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’Lấp), để giúp cho việc giao dịch mua bán cà phê giữa vợ chồng ông Võ Văn Hưởng ( khu phố 5, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp) và bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (thôn Quảng Chánh, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’Lấp) được diễn ra thuận lợi, bà đứng ra bảo lãnh cho vụ mua bán này. Theo đó, ngày 07/8/2009, trước mặt bà Lý, bà Thúy nhận đủ 202 triệu đồng từ vợ chồng ông Hưởng, đồng thời cam kết tới ngày 08/12/2009 sẽ giao đủ 10 tấn cà phê cho ông Hưởng
.Do không nhận được số cà phê đúng hẹn, vợ chồng ông Hưởng, thay vì khởi kiện bà Thúy ra tòa để đòi nợ, lại làm đơn kiện bà Lý tại TAND huyện Đắk R’Lấp, yêu cầu Tòa tuyên buộc bà Lý trả 10 tấn cà phê mà bà Lý đã đứng ra bảo lãnh!
Biết rõ là sai vì trong vụ kiện này bà Lý chỉ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, Tòa Đắk R’Lấp lại hành xử theo kiểu…ban hòa giải xóm. Tòa khuyên bà Lý chấp nhận thanh toán 10 tấn cà phê cho nhà ông Hưởng, đồng thời hứa giúp bà khởi kiện bà Thúy tại vụ án khác.
Rõ là “ách giữa đàng mang vào cổ”, nhưng vì quen biết cả 2 bên và vợ chồng ông Hưởng, bà Oanh lại là chị em chú bác ruột nên bà Lý đồng ý. Ngày 17/6/2010, TAND huyện Đắk R’Lấp ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, ghi rõ: Bà Lý có nghĩa vụ trả cho bà Oanh 10 tấn cà phê, chia làm 02 đợt vào các ngày 30/12/2010 và ngày 30/12/2011.
Chưa tới ngày phải thực hiện nghĩa vụ theo quyết định của Tòa, nhưng, như gần đây bà Lý thổ lộ: “Đối với Hưởng tôi là vai chị nên tôi đã thanh toán cho nó 2 đợt vào các ngày 12/11/2010 và 14/11/2010 với tổng khối lượng hơn 10 tấn. Tại Biên bản Giải quyết việc thi hành án ngày 20/12/2011 giữa Chi cục thi hành án dân sự với tôi và bà Oanh, tôi cũng đã cung cấp chứng cứ này”. Việc khiếu kiện, nợ nần giữa bà Lý và vợ chồng ông Hưởng, bà Oanh coi như khép lại. Riêng vụ bà Lý kiện bà Thúy sau đó, ngày 11/8/2010 TAND huyện Đắk R’Lấp cũng ra Quyết định với nội dung buộc bà Thúy phải trả cho bà Lý số tiền 250 triệu đồng do sự biến động tăng của giá cà phê.
Vụ THA “từ trên trời rơi xuống”.
Như chúng tôi vừa đề cập, sau Biên bản Giải quyết việc thi hành án ngày 20/12/2011 kể trên, việc khiếu kiện, nợ nần giữa bà Lý và vợ chồng ông Hưởng, bà Oanh coi như khép lại. Chúng tôi dùng từ COI NHƯ bởi theo nội dung biên bản kể trên, bà Lý có giấy tờ xác nhận đã trả hơn 10 tấn cà phê cho nhà bà Oanh nhưng bà Oanh bảo rằng số cà phê này chồng bà mua của bà Lý chứ không phải cà phê thi hành án. Chấp hành viên thi hành án Hà Văn Thảo cùng chỉ ghi vào biên bản là “không có căn cứ để ghi nhận kết quả thi hành án”.
Không có căn cứ nhưng không thể phản bác bởi muốn phản bác, phía bà Oanh phải trưng ra được giấy trả tiền mua cà phê từ phía bà Lý. Không có chứng lý này mọi việc phải dừng lại, trừ khi có kết luận rõ ràng từ một cuộc điều tra nào đó của chính quyền.
Và quả thật mọi việc phải dừng lại từ đó cho tới một ngày của…12 năm sau. Như một vụ thi hành án “từ trên trời rơi xuống”. Ngày 05/9/2023, dù không đưa ra được bất kỳ một kết luận nào chứng minh bà Lý chưa thi hành án, Chi cục THA huyện vẫn ra Thông báo số 472/TB-THADS gửi cho bà Lý với nội dung trong vòng 30 ngày bà Lý phải thi hành án tự nguyện THA, nếu không thực hiện thì Chi cục THA tiến hành kê biên tài sản. Ngày 19/02/2024, Chi cục THA ra Quyết định số 26/QĐ-CCTHADS về việc cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, trong đó khẳng định bà Lý “…có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành án”.
Không đủ cơ sở pháp lý để chứng minh bà Lý chưa thi hành án, Chi cục THA huyện Đắk R’Lấp vẫn tiến hành kê biên tài sản của bà, trong khi vụ nợ nần giữa bà và bà Thúy mà bà là chủ nợ, Chi cục này không chịu thi hành. Với số nợ 250 triệu, theo yêu cầu của bà, ngày 17/8/2010, Chi cục THA ra Quyết định số 417/QĐ-THA về việc THA. Thế nhưng mãi đến 10 tháng sau, ngày 08/6/2011 Chi cục THA mới trả lời rằng, họ đã kê biên tài sản của bà Thúy, nhưng sẽ ưu tiến cho những người có đơn yêu cầu trước, nếu còn dư mới thanh toán cho bà. Trả lời thì vậy, nhưng theo Thông báo số 116/TB ngày 04/01/2013 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk R’Lấp, tổng tài sản kê biên của bà Thúy là 1.649.137.000 đồng, Chi cục THA đã thanh toán cho những người được thi hành án là 619.859.960 đồng, số tiền còn lại là 1.029.277.040, Chi cục vẫn không chịu thanh toán cho bà Lý.
Vay phải trả, nợ phải đòi, đó là lẽ đời. Việc nhà nước sinh ra tổ chức thi hành án cũng là để thực hiện đạo lý này. Tuy nhiên, là một tổ chức của chính quyền, mọi việc phải được diễn ra đúng luật. Hy vọng, Chi cục THA huyện Đắk R’Lấp xem xét lại tất cả những việc đã và đang làm kể trên, tránh oan sai cho người vô tội
NHÓM PVPL