Hơn 20 năm gắn bó với vùng đất xã xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, vợ chồng ông Hoàng nhận thấy, măng tre bốn mùa có thị trường ổn định, giá bán măng không bị xuống thấp so với các loại nông sản khác. Đặc biệt, cây tre bốn mùa phát triển trên nhiều loại đất, kể cả đất bô xít, đất nhiễm phèn…
Tìm đến cây tre khi đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, thế nhưng chưa ngày nào, vợ chồng ông Lê Minh Hoàng (bon B’Nơr, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) nghỉ tay để tận hưởng thành quả của mình. Ông bà ngày ngày vẫn gắn bó với vườn tre bốn mùa cùng bao ước vọng vươn lên.
Bén duyên với cây tre bốn mùa lấy măng
Đi qua Quốc lộ 28 đoạn bon B’Nơr, nhiều người không khỏi trầm trồ trước một đoạn đường dài được trồng kín những rặng tre. Số tre này được vợ chồng ông Lê Minh Hoàng (72 tuổi) và bà Nguyễn Thị Sang (71 tuổi) trồng hơn 6 năm trước, trở thành vườn tre “độc nhất vô nhị” tại Đắk Nông.
Đứng trên đỉnh đồi, đưa mắt về phía những ngọn tre đang vươn mình đón nắng, ông Hoàng tâm sự, hơn nửa cuộc đời rong ruổi từ rừng đến biển, vợ chồng ông chọn vùng đất cao nguyên Đắk Nông là “bến đỗ” cuối cùng.
Dốc hết tâm sức và của cải, vườn tre dọc Quốc lộ 28 cũng là tài sản quý giá nhất được vợ chồng ông gây dựng nên để “con cháu sau này có vốn liếng làm ăn”.
Ông Hoàng nở nụ cười hãnh diện: “Vợ chồng tôi từ Bình Định đến đây làm ăn từ năm 1996. Khi ấy vùng đất này còn là một huyện của tỉnh Đắk Lắk. Trồng cây công nghiệp rồi đến cây ăn trái, nói là không hiệu quả thì không đúng, nhưng hiệu quả không cao. Chỉ đến năm 2015, khi vợ chồng tôi biết về giống măng tre 4 mùa thì mới thực sự thành công trên mảnh đất này”.
Cứ đến mùa mưa, vợ chồng ông Hoàng lại thu mua măng rừng của người dân địa phương, sơ chế rồi bán cho các thương lái. Tuy nhiên, số lượng măng không ổn định do chỉ thu hoạch được khoảng 3 tháng mùa mưa nên việc kinh doanh cũng không phát triển.
Sau này, khi được một người quen giới thiệu, ông bà cho người con trai đi nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm trồng tre lấy măng rồi đưa giống tre 4 mùa vào trồng, từ đó việc “đứt gãy” nguồn cung măng mới được giải quyết.
“Măng rừng hoặc măng nhà có một đặc điểm là khi thu hoạch về, nếu không sơ chế sớm sẽ bị đắng. Thế nhưng, giống măng tre 4 mùa này lại rất ngọt, giòn và chịu được đất nhiễm phèn, đất bô xít… nên khi đưa về xã Đắk Som này trồng, chỉ sau 10 tháng đã phát huy hiệu quả kinh tế”, ông Hoàng chia sẻ.
Tiếp lời chồng, bà Nguyễn Thị Sang nói rằng, khởi nghiệp từ tre lấy măng không phải dễ dàng. Sự thành công của hiện tại là cả mồ hôi, nước mắt và máu trong quá khứ. Đã có thời điểm, cả hai vợ chồng thất bại, số tiền cả tỷ đồng mất trắng trong gang tấc, nhưng ý chí, khát vọng và quyết tâm mãnh liệt khiến ông bà quyết định một lần nữa gắn bó với cây tre.
Thu tiền tỷ từ trồng tre lấy măng
Hơn 20 năm gắn bó với vùng đất này, vợ chồng ông Hoàng nhận thấy, măng tre có thị trường ổn định và giá cả không bị xuống thấp so với các loại nông sản khác. Đặc biệt, cây tre phát triển trên nhiều loại đất, kể cả đất bô xít, đất nhiễm phèn nên đến nay gia đình ông đã mở rộng diện tích sản xuất, trong đó khoảng 17 ha trồng tre để lấy măng.
Cũng nhờ đặc tính có thể cho thu hoạch quanh năm nên tre được ông Hoàng chăm sóc cho măng ra trái mùa, từ đó cho thu nhập cao hơn và không phải cạnh tranh với măng rừng của người dân địa phương. “Vào mùa mưa, khi người dân vào rừng hái măng và bán cho các thương lái thì chúng tôi để măng phát triển thành cây tre nhằm cung cấp nguồn giống cho những năm tới.
Đến mùa khô, chúng tôi sẽ sử dụng nước tưới, kích thích tre ra măng để có măng trái mùa. Trung bình, mỗi ngày chúng tôi thu hoạch khoảng 3 tấn măng tươi, với giá bán khoảng 10.000 đồng/kg”, ông Hoàng nói.
Đối với măng ra trái vụ, trung bình mỗi tháng, nếu thu hoạch đủ cả 30 ngày, sau khi trừ các chi phí đầu tư và thuê nhân công sơ chế, đóng gói, gia đình ông Hoàng có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Hiện tại, các công ty, trang trại ở Gia Lai, Quảng Ngãi, Đắk Lắk đều đặt hàng cây giống của gia đình ông Hoàng với số lượng khoảng 100.000 gốc/năm, với giá bán dao động khoảng 80.000 – 100.000 đồng/cây giống. Ngoài ra, những cây tre già cỗi thì được nhiều đơn vị thu mua số lượng lớn để sản xuất đồ mỹ nghệ.
Điều đặc biệt, bên cạnh hiệu quả kinh tế, cây tre còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc của khu vực Đắk Som.
Thêm sinh kế cho người nghèo
Mặt trời bắt đầu xuống núi, một nhóm người đi từ vườn tre trở về, chở theo những bó cành tre để phục vụ việc nhân giống. Bà Sang cho biết, ngày thường gia đình bà thuê khoảng 9 nhân công để cắt cành và ươm giống. Tuy nhiên, đến mùa thu hoạch, sơ chế, số lượng nhân công có thể lên đến 30 người, tất cả đều là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Chị H’Tuyết ở bon B’Nơr cho biết, những ngày này khi công việc gia đình đã xong, chị được ông Hoàng nhận vào làm công. Công việc là đóng cành tre vào bầu giống, khoán sản lượng 500 đồng/bịch, giúp chị có thêm thu nhập khoảng 450.000 đồng/ngày.
So với công việc nương rẫy hằng ngày, việc đóng bầu tre giống nhàn nhã và thu nhập cao hơn. “Bà con ở đây nhiều người có công ăn việc làm là nhờ vườn tre của gia đình ông Hoàng.
Không những có thu nhập, chúng tôi còn được hỗ trợ giống tre để trồng nếu có nhu cầu. Trong thời gian tới, khi cuộc sống gia đình ổn định, tôi sẽ tính tới chuyện đầu tư vốn để trồng tre lấy măng”, chị H’Tuyết nói.
Nói về ước vọng của mình, ông Hoàng tâm sự: “Trong điều kiện biến đổi khí hậu, nguồn nước ngày càng khan hiếm, trồng tre lấy măng còn bảo vệ đất, chống xói mòn, chắn gió, cải thiện môi trường, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Với nhiều năm gắn bó, tôi thấy đầu tư vào cây tre không lớn, nhưng hiệu quả mang lại thì lâu dài và có tiềm năng giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu”.
Mạnh Phong (Báo Đắk Lắk)