Hà Lan nhập khẩu tới 440.000 tấn một mặt hàng giá rẻ từ Ấn Độ nhưng lại mang lại lợi ích to lớn về kinh tế.
Mặt hàng giá rẻ này chính là vỏ trấu. Đây là phần vỏ bao ở bên ngoài của hạt gạo, với tác dụng bảo vệ hạt gạo sinh trưởng và phát triển. Sau khi gạo được xay xát, lớp vỏ này sẽ tách ra. Vỏ trấu chiếm khoảng 20% trọng lượng của gạo và gồm các thành phần như xenlulo (50%), lignin (25 – 30%), silica (15% – 20%) và độ ẩm (10% – 15%).
Vỏ trấu có thể được dùng làm phân bón, vật liệu xây dựng, vật liệu cách nhiệt và nhiên liệu… trong công nghiệp.
Ấn Độ là nước sản xuất gạo lớn nhất trên thế giới với hơn 150 triệu tấn gạo mỗi năm, do đó, nước này có một lượng lớn vỏ trấu dư thừa. Vì có giá bán trấu của Ấn Độ rất thấp, số lượng dồi dào và chất lượng tương đối ổn định, nên mặt hàng này được các doanh nghiệp Hà Lan ưa chuộng.
Hiện nay, Hà Lan nhập khẩu khoảng 440.000 tấn vỏ trấu từ Ấn Độ mỗi năm để phục vụ cho lĩnh vực chăn nuôi, cải tạo đất và làm nhiên liệu cho nhà máy điện. Những lĩnh vực này có hiệu quả và lợi ích kinh tế rõ rệt nhờ giá vỏ trấu nhập khẩu thấp.
Ấn Độ vừa xuất khẩu được vỏ trấu với số lượng lớn và tần suất ổn định, trong khi Hà Lan cũng thu mua được mặt hàng giá rẻ mang lại nhiều lợi ích.
Hà Lan nhập khẩu trấu để làm gì?
Thứ nhất, cải tạo đất. Nông nghiệp rất phát triển ở Hà Lan. Tuy nhiên, nếu tiếp tục thâm canh nhiều, tình trạng mất chất dinh dưỡng trong đất sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng. Điều này đòi hỏi phải bổ sung những vật liệu hỗ trợ cải tiến như vỏ trấu.
Các nhà khoa học Hà Lan đã phát hiện ra rằng tro trấu bón vào đất có thể cải thiện đáng kể khả năng giữ nước, tạo ra các lỗ khí làm thông thoáng, tăng độ phì nhiêu của đất và giảm hiện tượng đất bị nén. Bởi vật liệu này có chứa hàm lượng carbon cao và giàu nguyên tố vi lượng. Việc dùng tro trấu giúp tăng năng suất và chất lượng của nhiều loại cây trồng, từ đó tăng giá bán trên thị trường nông sản.
Thứ hai, ứng dụng rộng rãi trong ngành chăn nuôi.
Hà Lan là nhà sản xuất gia súc và gia cầm lớn nổi tiếng trên thế giới. Quốc gia này cũng có nhu cầu thị trường lớn đối với các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng và sữa. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đòi hỏi phải cung cấp thức ăn đầy đủ và chất lượng cao cho vật nuôi.
Trong khi đó, trấu là phụ phẩm rất giàu xenlulo, protein và khoáng chất. Người Hà Lan thường trộn trấu với các loại ngũ cốc khác để làm thức ăn chăn nuôi cân bằng dinh dưỡng. Việc này không chỉ có thể làm tăng lượng thức ăn của vật nuôi mà còn thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thụ của chúng, tăng tốc độ tăng trưởng, đồng thời ngăn ngừa các bệnh về đường tiêu hóa.
Hơn nữa, việc dùng trấu không chỉ giúp giảm chi phí thức ăn chăn nuôi mà còn trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế đáng kể. Chính vì vậy, trấu được sử dụng rộng rãi trong ngành chăn nuôi ở Hà Lan.
Thứ ba, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho các nhà máy điện ở Hà Lan.
Hà Lan hiện là một trong những quốc gia đi đầu về xu hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Vì vậy, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp quan trọng của đất nước. Trên thực tế, nhiều nhà máy nhiệt điện đã bắt đầu sử dụng rơm, cành cây… để là một phần nhiên liệu thay thế. Điều này không chỉ là giảm việc tiêu thụ năng lượng hóa thạch truyền thống như dầu mỏ, than đá mà còn là giảm phát thải khí nhà kính như CO2 và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Lượng trấu nhập khẩu lên tới hàng trăm nghìn tấn từ Ấn Độ là một phần quan trọng trong cơ cấu năng lượng mới của Hà Lan. Sau khi đốt ở nhiệt độ cao, trấu có thể tạo ra năng lượng nhiệt đáng kể có thể chuyển hóa thành điện năng. Hơn nữa, tro trấu có thể được tái sử dụng để trở thành phân bón hữu cơ. Việc này vừa thực hiện tái chế năng lượng vừa giảm ô nhiễm.
Dự kiến trong 10 năm tới, Hà Lan sẽ tăng đáng kể tỷ lệ nhiên liệu sinh khối trong sản xuất điện đạt 14% vào năm 2035. Điều này có nghĩa là hàng triệu tấn rơm rạ sẽ được đốt thành năng lượng sạch mỗi năm. Vỏ trấu đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu này.
Việt Nam thì sao?
Tại Việt Nam, vỏ trấu cũng trở thành một trong những mặt hàng tiềm năng được xuất khẩu chủ yếu sang các nước Đông Nam Á và châu Á và tương lai là châu Âu. Cụ thể, mỗi khi vào vụ thu hoạch lúa, sau khi xay xát, người dân đưa vỏ trấu vào máy ép củi trấu hoặc máy làm viên nén trấu. Loại củi trấu này rất được ưa chuộng để làm nhiên liệu đốt và sưởi ấm vào mùa đông tại các quốc gia.
Đại diện một doanh nghiệp tại TP HCM chuyên thu gom củi trấu xuất khẩu cho biết, một tấn củi trấu xuất khẩu có giá khoảng 20 triệu đồng. Mỗi năm trung bình xuất khẩu được khoảng 40.000 tấn và chủ yếu đi sang các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Theo Tiền phong , ngoài xuất khẩu vỏ trấu, ngày 12/12 vừa qua, tại Hội nghị báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2023, Chủ tịch Lộc Trời Group Huỳnh Văn Thòn chia sẻ về “túi cao su”. Đây là sản phẩm được là tư polymer và có sử dụng vật liệu làm từ vỏ trấu.
Ông Huỳnh Văn Tròn cho biết: “Với 43 triệu tấn lúa sẽ thu được 5 triệu tấn vỏ trấu, là được hàng triệu tấn polymer sinh học, đem lại lợi nhuận từ 3 – 3,5 tỷ USD”.
Bài viết tham khảo các nguồn: Toutiao, Baidu-Theo Nhịp sống Thị trường