Nhà đầu tư đã không còn mặn mà với những startup chỉ biết đốt tiền mà không tạo ra lợi nhuận.
Nguồn tin của tờ Financial Times cho biết, công ty công nghệ tài chính thanh toán Klarna được cho là đang thiết lập vòng huy động vốn mới ở mức giá trị chỉ khoảng 6,5 tỷ USD, một con số rất nhỏ so với mức 46 tỷ USD mà họ được định giá chỉ từ 1 năm trước.
Thỏa thuận 600 triệu USD hiện đang được hoàn tất, sẽ có liên quan tới những nhà đầu tư gồm Sequoia Capital và Abu Dhabi’s Mubadala.
Sự sụt giảm giá trị sốc này với công ty từng là công ty tư nhân giá trị nhất châu Âu cho thấy sự đảo ngược tâm lý rõ ràng của các nhà đầu tư với những startup chỉ biết đốt tiền và theo đuổi tốc độ tăng trưởng mà không hề có lợi nhuận.
Điều này cũng cho thấy cách các nhà đầu tư đang cảm giác rất tệ với những công ty “buy now – pay later” (mua trước, trả sau) như Klarna – vốn cung cấp dịch vụ có hình thức như tín dụng ngắn hạn.
Chỉ 1 năm trước, Klarna đã tăng gấp đôi giá trị lên 46 tỷ USD sau vòng huy động vốn 639 triệu USD giữa bối cảnh bùng nổ thương mại điện tử trong đại dịch. Vòng huy động vốn đó được dẫn đầu bởi Softbank – nhà đầu tư đứng sau sự sụp đổ của WeWork.
Klarna hiện từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này. Công ty được thành lập vào năm 2005 và là đơn vị tiên phong trong mảng mua trước, trả sau. Nhờ Klarna, nhiều người đã được sở hữu thứ mà họ mong muốn ngay cả khi không có đủ tiền ở tại thời điểm mua.
Cách thức hoạt động của Klarna khá đơn giản, đó là cho người tiêu dùng mua hàng trước và thanh toán sau từ 14 tới 30 ngày, tùy vào công ty bán lẻ cung cấp dịch vụ trên ứng dụng. Điều này có nghĩa là khách hàng có thể sử dụng trước sản phẩm, trả lại nếu không thích và chỉ cần thanh toán cho những gì họ giữ lại.
Giá trị mới là mức thấp nhất mà Klarna đạt được kể từ tháng 8/2019 khi họ chỉ trị giá 5,5 tỷ USD. Một nguồn tin cho biết, năm nay, công ty này cũng chật vật với việc huy động tiền.
Hồi tháng 5, công ty này đã tiếp cận các nhà đầu tư gồm cả các công ty đầu tư tổ chức và văn phòng gia đình với mức định giá 25 tỷ USD. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều thất bại.
Klarna cũng cắt giảm 10% trong số hơn 7.000 người lao động. CEO Sebastian Siemiatkowski thì mô tả năm 2022 là “năm ồn ào”.
Nguồn tin tiết lộ, một tháng sau, một vài nhà đầu tư đã được tiếp cận với cơ hội đầu tư vào Klarna tại mức giá trị dưới 20 tỷ USD.
Sự sụt giảm giá trị ảnh hưởng rộng hơn tới thị trường tài chính công nghệ. Lạm phát tăng đã khiến các nhà đầu tư cảnh giác hơn, hạn chế dòng tiền rẻ vốn trước đây đã là động lực chính thúc đẩy ngành công nghệ.
Dịch vụ của Klarna chịu ảnh hưởng đặc biệt tồi tệ khi chi tiêu giảm và lãi suất tăng.
Kết quả quý đầu tiên trong năm nay của công ty, Klarna báo cáo lỗ ròng 254 triệu USD, tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm trước.
Các công ty “mua trước, trả sau” ở Mỹ như Affirm cũng chứng kiến cổ phiếu giảm tới 90% từ mức đỉnh vào tháng 11 năm ngoái. Cổ phiếu hãng Zip của Australia cũng giảm 95% kể từ đỉnh từ tháng 2/2021.
Họ cũng đối mặt với áp lực từ các đối thủ cạnh tranh như Apple – công ty đã tự cho ra mắt dịch vụ Apple Pay Later tại Mỹ và đang nghiên cứu mở rộng thêm.
Nguồn: Financial Times-Phương Linh–Theo Nhịp Sống Kinh Tế