Đó là cơn bão khủng khiếp nhất của ngành kinh doanh yến sào, kéo giá của sản phẩm này xuống 3, 4 lần không phải ai cũng biết. Giữa cơn bão đó, một người phụ nữ lao mình vào tâm bão để tìm đến thành công
Đỗ Tú Quân là một cái tên không xa lạ trong làng yến sào những năm gần đây. Chị là người đã đứng ra tập hợp 100 chủ nhà yến lớn trên khắp Việt Nam nhằm chung tay làm chiến lược cho thương hiệu yến sào Việt Nam, tìm hướng đi cho yến sào Việt trên thị trường quốc tế. Chị trở thành chi hội trưởng Chi hội nhà yến Việt Nam (trực thuộc Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam). Chị là chủ doanh nghiệp, là Giám đốc Công ty yến sào Yến Quân. Chị giữ chức Chủ tịch Trung tâm Triển lãm yến sào Việt Nam (VBEC)… Tất cả những điều đó đến sau “cơn bão” yến huyết giả ở Trung Quốc dẫn đến làn sóng tẩy chay gây chấn động thị trường yến sào toàn cầu hồi năm 2011. Đó là thời điểm chị Quân vừa hoàn tất 2 nhà yến của riêng mình với quy mô lớn ở Cần Giờ. Tất cả gia tài của chị đổ vào đó.
Trước “bão”, một nhà yến khác của chị đã đưa vào khai thác từ nhiều năm đều đặn là điểm hẹn của thương lái Trung Quốc. Họ tranh nhau chuyển tiền trước cho chị để đặt hàng với giá 2.500 – 3.000 USD/kg. “Bão” đến, yến ế chỏng chơ, thương lái thờ ơ ra giá 700 USD/kg. Sốt ruột, chị mang yến sang Hồng Kông – trung tâm giao dịch yến toàn cầu nhưng giá không nhỉnh lên chút nào. Chán nản trở về và mở cửa hàng ở TP.HCM với thương hiệu Yến Quân, mỗi tháng chị lỗ 50 triệu.
Gặp “phao” giữa bão
Quá căng thẳng, chị Quân đăng ký chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) để… giảm stress. Đây là lần thứ ba chị đăng ký học MBA. Cả 2 lần trước, chị đều bỏ ngang vì mê kiếm tiền hơn và không tìm thấy động cơ học. Lần này, chị chọn chương thạc sĩ quản trị kinh doanh chuyên ngành tư vấn quản lý quốc tế và đổi mới sáng tạo (EMBA-MCI) của Đại học Bách khoa TP.HCM hợp tác với Đại học Khoa học ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ. Đây hóa ra lại là một liều thuốc giảm stress hiệu quả.
Ngay từ một môn học đầu tiên là Chiến lược do giáo sư đầy kinh nghiệm quản lý ở các hãng đa quốc gia Friedrich Bock đảm trách, chị Quân đã như chụp được một cái phao giữa cơn bão. Quyết tâm làm chiến lược cho thương hiệu Yến Quân và cả thương hiệu yến Việt Nam mà chị biết rõ là vừa hiếm vừa được ngành đông dược đánh giá cao hơn hẳn đã định hình từ đó.
“Học xong môn Chiến lược, tôi như được tiếp tràn sinh lực, cảm giác thỏa thuê đến độ cảm thấy dường như tất cả học phí của trọn khóa học này dành cho một môn đã là quá đủ, tất cả các môn còn lại đều là ‘phần lãi’ mà thôi” – chị Quân chia sẻ.
Mở cánh cửa bí mật
Với hầu hết các “phần lãi”, bà chủ doanh nghiệp đã “lận lưng” kha khá kinh nghiệm trên thương trường vẫn cứ tiếp tục vỡ òa, tiếp tục mê mẩn và tiếp tục thêm lòng quyết tâm. Tuy thế, chị Quân vẫn chưa tìm được con đường thích hợp nhất cho tới khi vô tình biết đến cuộc thi đổi mới sáng tạo do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ mang tên Swiss Innovation Challenge. Chính EMBA-MCI đã được Thụy Sĩ chọn lựa để triển khai Swiss Innovation Challenge tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2015.
Bước vào cuộc thi với quyết tâm tìm lối ra cho Yến Quân nói riêng và yến sào Việt Nam nói chung, sau 3 vòng loại để bước vào vòng chung kết, được các chuyên gia quốc tế hàng đầu tôi luyện, thử thách và tư vấn, chị Quân cầm trong tay một chiến lược kinh doanh mỹ mãn mà sau đó chị đã biến nó thành hiện thực: Trung tâm triển lãm yến sào Việt Nam (VBEC) ở Cần Giờ với chi phí đầu tư lên đến 2 triệu USD.
Dẫu không đoạt giải ở vòng chung kết nhưng chị Quân cảm thấy mình may mắn còn hơn trúng số. Chị nhớ lại: “Suốt các vòng thi, các huấn luyện viên quốc tế liên tục ‘quay’ tôi với hàng loạt câu hỏi, trong đó luôn chú trọng kế hoạch của tôi đổi mới sáng tạo ở chỗ nào và mang lại giá trị gì cho cộng đồng. Với sự hỗ trợ cực kỳ chuyên nghiệp của các huấn luyện viên quốc tế, tôi đã tự tay làm được một kế hoạch kinh doanh, mở ra một con đường hoàn toàn mới trước mắt giữa lúc cơn bão yến sào vẫn làm tôi bế tắc. Trước đó, tôi từng thuê tư vấn chuyên nghiệp viết kế hoạch kinh doanh với giá 25.000 USD nhưng vẫn chưa hài lòng“. Chính vì thế, dẫu không đoạt giải ở vòng chung kết nhưng chị Quân cho rằng chị đã “rinh” giải thưởng lớn nhất: biến ý tưởng thành hiện thực.
Việc trình bày ý tưởng bằng tiếng Anh và lại bị “quay” đủ kiểu bởi các giáo sư, chuyên gia đẳng cấp quốc tế và trước lãnh đạo các ngân hàng trở thành cơ hội thực tập tuyệt vời cho chị và các bạn thi để gọi vốn đầu tư sau này, dẫu kế hoạch của họ có được đầu tư vốn ngay sau cuộc thi hay không.
Với VBEC, thay vì bán yến sào giá rẻ không thương hiệu cho thương lái nước ngoài, chị tìm được cách xuất khẩu tại chỗ giá cao (cho sản phẩm của mình và cả các chủ nhà yến tham gia) khi du khách nước ngoài đến VBEC để mua yến sào mang về. Tuy nhiên, đó chưa phải là giá trị lớn nhất của VBEC, chị Quân cho biết. VBEC đã mở toang bí mật ngành khai thác, sản xuất yến sào, biến đây thành một trải nghiệm du lịch hoàn toàn mới và đầy thú vị cho du khách. Tại VBEC, khách tham quan được vào nhà yến, được nhìn thấy quy trình sản xuất yến, được hướng dẫn dùng thử các món yến hợp với cơ địa của mình, được ngắm cảnh bầy yến ríu rít về tổ mỗi chiều… Một sản phẩm du lịch hoàn toàn mới của Cần Giờ đã hình thành như thế sau cơn bão khủng khiếp nhất của ngành kinh doanh yến sào.
PV (t/h)