Thuế thừa kế tại Mỹ có thể lên đến 40% và việc thừa hưởng di sản để trở thành nữ tỷ phú giàu nhất thế giới không phải điều dễ. Thế nhưng gia tộc Walton sở hữu Walmart lại có một quyết định để đời khiến con cháu sống sung sướng.
Tờ Business Insider (BI) cho hay người thừa kế tập đoàn Walmart, bà Alice Walton đã vượt qua người thừa kế của L’Oreal để trở thành nữ nhân giàu nhất thế giới với tổng tài sản hơn 95 tỷ USD.
Nguyên nhân chính của đà tăng này đến từ giá cổ phiếu Walmart tăng 44% từ đầu năm đến nay lên mức cao kỷ lục, khiến tài sản của bà Walton được cộng thêm 25 tỷ USD. Trái lại, cổ phiếu của L’Oreal giảm 12% khiến Francoise Bettencourt Meyers mất 9 tỷ USD xuống còn 91 tỷ USD tài sản.
Nếu xếp trong tổng bảng chung của Bloomberg Billionaires Index, bà Meyers đứng thứ 20 trong số những tỷ phú giàu nhất thế giới còn Walton đứng thứ 18, sau 2 người anh em trai của mình là Jim (98 tỷ USD) và Rob (95,8 tỷ USD).
Trong trường hợp tài sản của Walton vượt 100 tỷ USD thì người phụ nữ này sẽ tham gia câu lạc bộ trăm tỷ USD của Elon Musk, Bill Gates và Warren Buffett.
Tuy nhiên, việc cổ phiếu tăng chỉ là phần ngọn của tảng băng chìm khi tờ BI cho rằng chính một hành động của người cha, nhà sáng lập Sam Walton vào năm 1953 mới là lý do khiến gia tộc sở hữu Walmart này giàu có đến như vậy.
Quyết định để đời
Xin được nhắc rằng tại Mỹ, thuế thừa kế tài sản (Federal Estate Tax và Inheritance Tax) có thể lên đến 40% nên việc duy trì mô hình gia tộc hay chuyện “cậu ấm cô chiêu” ngồi hưởng thừa kế như ở Châu Á là không hề dễ dàng.
Mặc dù hiện đã có những chiêu trò lách luật như thiên đường thuế, dùng các quỹ từ thiện hay rửa tiền bằng tài sản nghệ thuật vô hình nhưng Cục thuế liên bang Mỹ (IRS) cũng không phải ngồi chơi và luật pháp của nền kinh tế lớn nhất cho tội trốn thuế cũng không hề nhẹ.
Bởi vậy, nhà sáng lập Sam Walton đã có một nước đi để đời vào năm 1953 khi quyết định cổ phần hóa cơ ngơi của mình theo mô hình gia đình trị, nghĩa là chia cổ phần công ty cho con cái. Ý tưởng này được người cha vợ của Sam đưa ra nhằm tránh được thuế thừa kế sau này.
Cả 4 người con của Sam lúc đó là Jim, Rob, Alice và John mỗi người có 20% cổ phần, trong khi vợ chồng Sam lẫn Helen cầm 20% còn lại.
Lúc này, Walmart mới chỉ là một chuỗi cửa hàng bán lẻ nhỏ với một số chi nhánh nên tiền thuế thừa kế không cao. Đợi đến khi phát triển thành một tập đoàn lớn thì số cổ phần nắm giữ của những người con đã có giá trị cao nhưng không cần phải chịu tiền thuế thừa kế nữa.
“Việc chuyển đổi mô hình sở hữu từ sớm đã giúp chúng tôi không phải trả khoản thuế thừa kế quá lớn trong quá trình chuyển giao. Quy tắc ở đây khá đơn giản, cách giảm thuế thừa kế tốt nhất ở Mỹ là hãy chia tách chúng trước khi chúng tăng giá sau này”, nhà sáng lập Sam Walton nhắc lại trong cuốn hồi ký “Sam Walton: Made in America”.
Nói đơn giản hơn, Sam đã truyền 80% tài sản của mình cho con cái khi Walmart chưa có nhiều giá trị, qua đó chịu thuế thừa kế thấp. Nếu không làm vậy thì khi tập đoàn có giá trị hàng tỷ USD này sẽ phải chịu khoản thuế thừa kế rất nhiều tiền theo tỷ lệ 40% vào thời điểm Sam qua đời năm 1992.
Cũng theo những gì nhà sáng lập Sam viết trong hồi ký, việc chia cổ phần từ sớm giúp gắn kết gia đình hơn trong công việc kinh doanh chung, đồng thời giữ được lối sống đơn giản thay vì hoang phí của mọi người trong gia đình.
“Đây không phải quyết định bốc đồng, đó là một phần kế hoạch để giữ gia đình chúng tôi gắn kết và có sự cân bằng với tiêu chuẩn sống tiết kiệm”, ông Sam viết trong hồi ký.
Ngoài ra, nhà sáng lập quá cố này cũng cho rằng việc chia tài sản từ sớm khiến gia tộc Walton giữ được quyền kiểm soát Walmart thay vì dễ bị thu mua và bán đi như nhiều trường hợp khác.
“Đây là cách bảo vệ tốt nhất trước những kẻ săn mồi ngoài kia”, nhà sáng lập Sam viết.
Dạy con
Một yếu tố cực kỳ quan trọng nữa là việc chia tài sản sớm sẽ giúp đào tạo những người con trong gia tộc Walton hiểu biết sớm về tiền bạc và tài chính.
Sam Walton đã chia gia sản khi các con chưa đến 9 tuổi nhằm dạy chúng về tiền bạc, để chúng hiểu của cải trong gia đình đến từ đâu và thúc đẩy tinh thần bảo vệ di sản gia đình, có sự thận trọng về tài chính.
“Đây là cách tuyệt vời để dạy về tiền bạc, nhưng ở khía cạnh khác thì chúng thiết lập được một mối quan hệ giữa những đứa trẻ với công việc của gia đình. Điều này phát triển được ý thức trách nhiệm của lũ trẻ từ khi còn bé”, người vợ Helen Walton viết trong cuốn hồi ký.
Đã hơn 70 năm kể từ khi Sam Walton mở cửa hàng siêu thị đầu tiên của mình ở Arkansas và người đàn ông này cũng không thể tưởng tượng được Walmart sẽ trở thành đế chế có doanh thu ròng khoảng 600 tỷ USD mỗi năm, tuyển dụng đến 1,6 triệu lao động Mỹ, tương đương 11% tổng nhân lực toàn quốc, đồng thời trở thành một trong những công ty giá trị nhất thế giới với tổng vốn hóa 600 tỷ USD.
Ngoài ra, Sam cũng không thể lường trước được rằng những người con của mình cuối cùng sẽ nắm giữ khối tài sản ròng gần 100 tỷ USD mỗi người, nhưng chắc chắn người cha này sẽ rất vui khi biết lũ trẻ vẫn giữ tài sản trong cổ phiếu Walmart.
Nổi tiếng với lối sống khiêm tốn dù là tỷ phú, Sam Walton thừa hiểu nguy cơ thế hệ con cháu sẽ phung phí tài sản gia đình vào những thú vui xa xỉ như mua hòn đảo riêng, chuyên cơ, xe sang, biệt thự…Bởi vậy nhà sáng lập này đã ghi rõ trong cuốn tiểu sử của mình nhằm nhắc nhở con cháu.
“Một trong những lý do thực sự khiến tôi viết cuốn sách này là để con cháu tôi sẽ đọc nó nhiều năm sau và hiểu rằng: Nếu chúng làm bất cứ điều gì ngu ngốc thì tôi sẽ hiện hồn về ám ảnh chúng. Vì vậy đừng có mà suy nghĩ vớ vẩn”, Sam Walton viết.
*Nguồn: BI-Băng Băng–Theo An ninh Tiền tệ