Những năm qua, ông Đặng Văn Phúc, ở ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) miệt mài đeo đuổi, đã thành công trong việc nuôi rắn ri cá – một loài động vật hoang dã hiện nay không còn nhiều trong môi trường tự nhiên.
Ông Đặng Văn Phúc, ở ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) đã tìm tòi, nghiên cứu cho rắn sinh sản để bán giống, mô hình nuôi rắn ri cá cho sinh sản mang lại hiệu quả cao. Mô hình nuôi loài động vật hoang dã là rắn ri cá của ông Đặng Văn Phúc đang mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình ở địa phương.
Tháng 6 năm 2021, ông Đặng Văn Phúc mua 300 con rắn ri cá giống về nuôi nhằm kiếm thêm thu nhập. Dự định ban đầu của ông là nuôi rắn thịt để bán, nhưng sau khi thấy rắn ri cá có giá trị kinh tế cao nên ông đã mạnh dạn đầu tư nuôi rắn sinh sản để bán rắn giống.
Rắn ri cá nuôi đến tháng 6 năm 2024 thì cho sinh sản được lứa thứ 2. Mỗi con rắn giống có giá bán dao động từ 70.000 – 100.000 đồng.
Ông Đặng Văn Phúc xuất bán hơn 700 con rắn giống, cho thu nhập gần 70 triệu đồng/năm.
Hiện ông Phúc đang có 1 hồ xi măng khoảng 5m2 nuôi rắn bố mẹ với 240 con (trong đó có 120 con rắn cái trọng lượng từ 2,0 – 3,0 kg/con và 120 con rắn đực trọng lượng từ 0,8 – 1,0 kg/con) và 2 hồ xi măng khoảng 10m2 nuôi 160 con rắn hậu bị.
Ông Đặng Văn Phúc, ở ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) đã thành công với mô hình nuôi rắn ri cá-một loài động vật hoang dã đã khan hiếm dần trong môi trường tự nhiên. Ông Phúc bán rắn ri cá giống với giá từ 70.000-100.000 đồng/con.
Chia sẻ về mô hình nuôi con động vật hoang dã, con đặc sản này, ông Đặng Văn Phúc cho biết: Rắn ri cá rất dễ nuôi, ít tốn công và ít nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, lúc thời tiết chuyển mùa rắn đặc sản này dễ bị sốc nhiệt dẫn đến ăn không tiêu. Khi đó, người nuôi chỉ cần pha men tiêu hóa trộn vào thức ăn và cho rắn ăn, bệnh sẽ khỏi sau vài ba ngày.
Rắn ri cá rất dễ chăm sóc, rắn mới đẻ trong 10 ngày đầu cho ăn cá nhỏ như: cá bạt đầu, cá bảy trầu, cá phi con… trung bình rắn nhỏ từ 3 – 4 ngày cho ăn một lần, rắn lớn từ 7 – 10 ngày cho ăn một lần.
Thức ăn của loài rắn ri cá chủ yếu là cá tạp (cá rô phi nguyên con) được phân loại ra cho vừa miệng rắn, không cần phải qua chế biến hay băm nhỏ.
Mật độ thả nuôi đối với rắn bố mẹ là 50 con/m2, không cần phải thay nước thường xuyên, về nguồn nước, có thể sử dụng nguồn nước ngầm để nuôi.
Nuôi rắn ri cá sinh sản cũng không khó, rắn khi nuôi được 18 tháng sẽ bắt đầu sinh sản.
Loài rắn ri cá bắt đầu giao phối từ tháng 9 – 10 âm lịch và sinh sản bắt đầu từ tháng 3 – 4 âm lịch hàng năm.
Ông Đặng Văn Phúc lưu ý vào thời điểm rắn mẹ mang thai không nên bắt rắn mẹ vì dễ bị sẩy thai.
Rắn tự giao phối và sinh sản, mỗi con rắn cái có thể sinh sản từ 5 – 8 rắn con, sau đó vớt rắn con ra bể nuôi riêng. Sau thời gian chăm sóc 1 tháng có thể bắt rắn con bán rắn giống.
Với những đặc tính trên, rắn ri cá hiện tại đang được rất nhiều người chọn để nuôi giúp tăng thêm thu nhập.
Mô hình nuôi rắn ri cá sinh sản rất phù hợp với hộ nông dân ít vốn, ít đất sản xuất. Tuy nhiên, người nuôi phải nắm vững quy trình kỹ thuật, biết chọn giống tốt, hồ nuôi được xây dựng chắc chắn, cho ăn đầy đủ… để rắn khỏe mạnh, mau lớn và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Phan Minh Trí-TTKN Cà Mau