Với mong muốn cải thiện kinh tế gia đình, chị Bùi Thị Lình (SN 1976) ngụ ấp 2, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) đã chọn sản phẩm khô cá lóc để khởi nghiệp.
Chị Bùi Thị Lình cho biết, trước đây gia đình chị sinh sống bằng nghề nuôi cá lóc, cá điêu hồng. Tuy nhiên, việc nuôi cá của chị Lình gặp nhiều khó khăn như: chi phí nuôi tăng cao, có thời điểm giá cá giảm sâu, cá bị bệnh và chết nên không có lời. Trước thực tế đó, năm 2020, chị Lình nảy ra ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu cá có sẵn tại gia đình để khởi nghiệp với nghề làm khô cá lóc.
Chuẩn bị cho quá trình khởi nghiệp, chị Lình được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thường Phước 1 giới thiệu tham gia các lớp tập huấn khởi nghiệp do huyện, tỉnh tổ chức.
Chị Lình thường xuyên lên mạng cập nhật kiến thức, nghiên cứu công thức ướp khô cá lóc. Vào giữa năm 2020, chị Lình bắt tay vào sản xuất những mẻ khô cá lóc đầu tiên.
Ban đầu, gặp nhiều khó khăn như: khô không bảo quản được lâu, gia vị tẩm ướp chưa hợp khẩu vị của khách hàng, thị trường tiêu thụ chưa nhiều, số lượng khô làm ra còn ít, chỉ vài chục ký khô mỗi tháng.
Qua nhiều lần thất bại, chị tự mài mò, nghiên cứu tìm ra công thức ướp khô để tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm khô cá lóc. Những mẻ khô làm ra, chị đều gửi cho bạn bè, người thân dùng thử. Từ sự phản hồi của bạn bè, người thân về sản phẩm khô, chị rút kinh nghiệm trong quy trình chế biến khô.
Đồng thời xác định khô là mặt hàng có nhiều sự cạnh tranh, do đó, trong quá trình làm khô chị luôn lựa chọn kỹ nguyên liệu, cá làm khô phải đảm bảo tươi.
Đặc biệt, trong quá trình chế biến, chị Lình luôn chăm chút, tỉ mỉ từng công đoạn. Cá sau khi làm sạch, được tẩm ướp rồi đem đi phơi nắng từ 1 – 3 ngày. Khi kiểm tra khô cá đã đủ nắng, chị Lình đem vào đóng gói và hút chân không để bảo quản sản phẩm lâu hơn.
Tiếp sức cho chị Lình trong quá trình khởi nghiệp, năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thường Phước 1 đã giới thiệu cho chị vay vốn 50 triệu đồng.
Có vốn, chị Lình đầu tư mua máy đánh vảy cá, tủ đông để phát triển nghề làm khô cá lóc. Nhờ máy đánh vảy cá chị Lình sơ chế cá lóc nhanh hơn so với đánh vảy cá bằng tay; tủ đông giúp chị thuận tiện hơn khi bảo quản khô cá lóc, từ đó, số lượng khô cá lóc chị làm ra nhiều hơn trước.
Trải qua nhiều khó khăn, đến nay, sản phẩm khô cá lóc của chị Lình được người tiêu dùng ưa chuộng, đứng vững trên thị trường với thương hiệu Khô Cá lóc 5 Bình và được tỉnh công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Hiện tại, ngoài nguồn nguyên liệu cá lóc của gia đình nuôi, chị Lình mua thêm cá lóc để làm khô. Theo ước tính, hàng tháng, cơ sở của chị sản xuất, cung cấp cho thị trường khoảng 800kg khô cá lóc. Chị Lình còn sản xuất thêm khô cá điêu hồng, khô cá sặc bổi để đa dạng dòng sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Chị Bùi Thị Lình cho biết: “Từ khi tham gia khởi nghiệp, tôi có cơ hội đi nhiều nơi, học hỏi thêm nhiều điều mới. Nhờ khởi nghiệp với nghề làm khô cá lóc, tôi có thu nhập ổn định, khoảng 7 – 8 triệu đồng/tháng, cải thiện kinh tế gia đình và có cuộc sống tốt hơn. Bên cạnh đó, cơ sở khô còn giải quyết việc làm cho lao động nữ tại địa phương”.
Chị Huỳnh Thị Huỳnh Nhu – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, (tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Chị Bùi Thị Lình là một trong những hội viên tiêu biểu tham gia khởi nghiệp tại địa phương. Qua quá trình khởi nghiệp, chị đã góp phần lan tỏa tinh thần, ý chí khởi nghiệp đến phụ nữ trong xã. Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện để chị Lình phát triển, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế và tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nữ ở địa phương”.
Mỹ Xuyên (Báo Đồng Tháp)