Tâm thái quyết định cảnh giới và đỉnh cao mà một người có thể đạt được. Một người có tâm thái bình hòa, thì dẫu rơi vào nghịch cảnh, họ cũng có thể trầm tĩnh phân tích, không tự ti, ứng phó một cách thong dong. Người có tâm thái không tốt, hễ gặp phải nghịch cảnh thì suy sụp.
Mọi người đều nói, tiêu chí trưởng thành của một người là xem dũng khí và giải pháp khi họ đối mặt với khó khăn. Cũng có người cho rằng, kỳ thực chỉ cần xem thái độ họ đối đãi với những người xung quanh.
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp một số người, hễ gặp chút phiền toái, trở ngại là không vui và trút giận lên những người thân yêu nhất.
Người như vậy, dẫu tỏ ra thân thiết với người ngoài như thế nào, thì cũng đều là giả dối. Nếu không giải quyết vấn đề tâm thái, họ sẽ rất dễ suy sụp, tự giam cầm bản thân, chẳng thể đột phá. Vòng luẩn quẩn ấy càng thu càng nhỏ, cảnh giới càng hạn hẹp, chỉ một chút khó khăn thôi, nhưng trong ánh mắt họ chúng lại được phóng đại tới vô tỷ, cuộc sống u ám, ngột ngạt, chớp mắt quay đầu đã tới con dốc bên kia của cuộc đời.
Tâm thái khác nhau, cuộc sống cũng khác biệt
Một nghiên cứu của Trường Đại học Harvard cho thấy, một người liệu có thể thành công trong công việc hay không, 85% quyết định ở tâm thái của họ, chỉ có 15% quyết định ở trí thông minh và kinh nghiệm công việc.
Một người có tâm thái tích cực sẽ coi khó khăn như một cơ hội và thách thức, coi trắc trở thành kinh nghiệm tích lũy cho thành công, họ vẫn bước đều chân, sẵn sàng đối mặt với khó khăn.
Người có tâm thái tiêu cực lại coi khó khăn như ma nạn khó vượt qua, họ cảm thấy số phận thật bất công, cuối cùng họ lựa chọn bỏ cuộc.
Khi đối mặt với thất bại, theo bản năng chúng ta thường tìm kiếm nguyên nhân từ bên ngoài, như bối cảnh gia đình không tốt, học lực yếu, không gặp thời, không được người khác giúp đỡ… Nhưng lại không hề xét lại xem liệu tâm thái của bản thân có vấn đề gì không.
Vì tâm thái tiêu cực nên do dự chẳng quyết, vì do dự chẳng quyết mà bỏ lỡ thời cơ, vì bỏ lỡ thời cơ mà cuối cùng thất bại, vì thất bại lại sa vào tâm thái bi quan…
Một vòng tuần hoàn ác tính đã bao trùm mọi giai đoạn trong cuộc đời họ, chỉ vì tâm thái không tốt mà khiến cả cuộc đời rơi vào vực thẳm.
Đừng bao giờ coi nhẹ tầm ảnh hưởng của tâm thái, bởi lẽ nó vô hình kiểm soát hướng đi trong cuộc đời bạn.
Thất bại không đáng sợ, điều đáng sợ là tâm thái thất bại
Ai cũng muốn có được thành công, đồng thời ai nấy cũng đều sợ hãi thất bại. Nhưng một người muốn thành công, lại chẳng thể tránh khỏi thất bại.
Công ty Procter & Gamble nằm trong danh sách 500 công ty lớn mạnh nhất thế giới, có một quy định như sau: Nếu nhân viên 3 tháng không phạm sai sót sẽ được coi là người không đạt tiêu chuẩn. Bởi vì chỉ có những người không làm gì mới không phạm sai lầm.
Công ty khích lệ nhân viên đừng sợ thất bại, hãy đột phá lời nguyền của tâm thái thất bại, vậy nên Procter & Gamble mới có thể đạt được thành công rực rỡ về quản lý như vậy.
Shiv Khera, một nhà văn người Ấn Độ nói rằng chỉ khi số lần chiến thắng thất bại của một người đủ nhiều, thì tỷ lệ thành công của họ mới càng lớn.
Cuộc đời của Abraham Lincoln, một trong những tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ, cũng minh chứng cho điều này. Chúng ta chỉ nhìn thấy phía thành công rạng rỡ sau khi ông làm tổng thống, nhưng rất ít người biết được trong cuộc đời mình, rốt cuộc ông đã phải trải qua bao nhiêu lần thất bại.
-Năm 9 tuổi ông mất mẹ;
-Năm 21 tuổi ông kinh doanh thất bát;
-Năm 22 tuổi ông từ bỏ kinh doanh, theo đuổi chính trị, kết quả ông không đắc cử đại biểu quốc hội của bang;
-Năm 24 tuổi một lần nữa ông lựa chọn kinh doanh và một lần nữa thất bại. Ông còn mang theo một món nợ khổng lồ.
-Năm 26 tuổi vợ ông qua đời, ông nằm liệt giường 6 tháng mới có thể bước ra khỏi nỗi bi thương;
-Năm 34 tuổi ông tham gia tranh cử đại biểu quốc hội thất bại;
-Năm 45 tuổi một lần nữa ông tranh cử thượng nghị sỹ thất bại.
-Năm 46 tuổi ông tranh cử phó tổng thống thất bại;
-Năm 49 tuổi một lần nữa ông tranh cử thượng nghị sỹ và lại tiếp tục thất bại.
Nỗ lực vô số lần, thất bại vô số lần, ông chính là một kẻ “càng nỗ lực, càng thất bại”. Tới năm 52 tuổi cuối cùng ông đã trúng cử tổng thống Mỹ.
Mọi người thường cho rằng thành công như một chiếc thang máy thẳng tiến, chỉ cần phương hướng đúng đắn, thành công sẽ cận kề trong gang tấc. Nhưng thực tế, thành công là một con đường nhỏ hẹp quanh co, chỉ khi số lần trải nghiệm ngày càng nhiều, thất bại càng nhiều, bạn mới càng tiệm cận tới thành công.
Khi đối mặt với khó khăn, rất nhiều người bước tiếp, bước tiếp và cuối cùng chọn từ bỏ. Nhưng người có tâm thái tích cực sẽ học được từ những thất bại của mình, suy ngẫm xem mình thực sự muốn gì, không muốn gì, cần hành động như thế nào mới có thể biến thất bại thành thành công.
Thành công thực sự chỉ có một kiểu, đó là giữ gìn một tâm thái tốt. Có một hiện tượng thú vị trong tâm lý học là nếu một người tin vào vận may, cuộc sống của họ sẽ không vì vậy mà trở nên tốt hơn hay tệ đi. Ngược lại, nếu một người cảm thấy mình là một người đen đủi, vậy thì cuộc sống của họ chắc chắn vì vậy mà trở nên tồi tệ hơn.
Dẫu rằng con người chẳng thể lạc quan một cách mù quáng trước cuộc sống, nhưng nhất định chớ bi quan, tiêu cực. Ai cũng đều hiểu rằng cuộc sống chẳng thể thuận buồm xuôi gió, nhưng khi thực sự phải đối mặt với khó khăn, nên đối diện với tâm thái nào, thì mỗi người lại có một lựa chọn khác nhau.
Tâm thái tích cực khi đối mặt với khó khăn chồng chất còn đáng quý hơn niềm hứng khởi khi đối mặt với thành công. Một tâm thái tốt sẽ giúp bạn có thể trầm tĩnh trước khó khăn trong cuộc đời và giành được cơ hội chiến thắng.
Lê Minh