Lương trung bình của ngành này cách đây 2 năm đã được ghi nhận ở mức 30,6 triệu/tháng – mức thu nhập rất cao.
Tỷ phú Mark Zuckerberg mới đây đã chia sẻ bức ảnh con gái đầu lòng Maxima (5 tuổi) bên chiếc máy tính với dòng chữ: “Kano khá tuyệt cho việc dạy trẻ em học code”.
Mark viết trong phần bình luận: “Dạy một đứa trẻ đánh máy là một trong những bài kiểm tra tính kiên nhẫn lớn nhất mà tôi từng trải qua. Con bé đánh máy với tốc độ 1 – 2 từ/phút theo đúng nghĩa đen. Tôi gần như mất hết kiên nhẫn khi con bé ghép vài chữ cái vào một từ nhưng sai rồi nhấn xóa ba lần thay vì một lần, sau đó lại gõ lại từ đầu”.
Có rất nhiều bình luận ngợi khen Mark Zuckerberg sớm dạy con công cụ chinh phục công nghệ.
Dân mạng tấm tắc ngợi khen Mark Zuckerberg sớm dạy con công cụ chinh phục công nghệ ngay từ bé. Việc Mark Zuckerberg muốn hướng cho con gái mình sớm tiếp cận với lập trình không đáng ngạc nhiên khi bản thân anh chính là một cao thủ code.
Code (lập trình) tiềm năng ra sao?
Trước xu thế phát triển và hội nhập cùng với các nước trên thế giới như hiện nay, công nghệ thông tin có vai trò rất quan trọng ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống. Lập trình viên vì thế, là một chuyên ngành hot trong thị trường công nghiệp hiện nay.
Lập trình là một trong những phần việc chiếm đa số tầm quan trọng trong lĩnh vực CNTT. Không phải ai học CNTT cũng có thể lập trình và ngược lại, không phải ai lập trình được cũng là lập trình viên.
Nói một cách dễ hiểu, “lập trình viên” là người xây dựng, viết các đoạn mã và phát triển lên một chương trình phần mềm dành cho máy tính hay một ứng dụng cho các thiết bị di động liên quan với nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Tùy thuộc vào vai trò công việc cụ thể và loại phần mềm được phát triển, lập trình viên sẽ bao gồm nhiều vị trí khác nhau như lập trình phần mềm, lập trình ứng dụng, lập trình di động hay lập trình web, thiết kế hoặc kiến trúc phần mềm tổng thể, tài liệu phần mềm và các quy trình phát triển phần mềm liên quan khác.
Lập trình viên sẽ bao gồm nhiều vị trí khác nhau như lập trình phần mềm, lập trình ứng dụng, lập trình di động hay lập trình web…
Môi trường làm việc cho các bạn lập trình viên cũng khá đa dạng, các bạn có thể ứng tuyển làm việc tại các công ty/start-up về công nghệ, công ty gia công phần mềm, công ty games, công ty đa quốc gia,…
Học Lập trình có dễ tìm việc?
Hiện tại, lập trình viên luôn khan hiếm nhân sự có năng lực cao vì thế bạn sẽ ít lo lắng chuyện thất nghiệp. Đây cũng là lý do mà các khoa đào tạo Lập trình viên tại các trường đại học luôn được đông đảo các thí sinh đăng ký.
Nếu chịu khó nghiên cứu, phát triển ra các ứng dụng phần mềm thông minh, bạn có thể kiếm được rất nhiều lợi nhuận từ việc bán nó. Không những thế, học lập trình giúp bạn phát triển khả năng tư duy nhạy bén, rèn luyện trí nhớ tốt hơn. Các mối quan hệ, khả năng teamwork cũng được nâng cao.
Lương cao và… ngày càng cao
Bạn có từng biết tới câu chuyện khiến cư dân mạng xôn xao 5 tháng trước? Một cô gái sinh năm 1992 tại Cầu Giấy, Hà Nội có thu nhập 330 tỷ đồng/năm nhờ viết phần mềm cho Google Play và App Store. Theo thông tin từ VTV, cô gái này đã phải nộp số tiền thuế lên tới 23 tỷ đồng.
Lập trình viên thu nhập cao và cũng chịu áp lực cao không kém.
Tất nhiên đây là một trường hợp khá hiếm nhưng trên thực tế, lương ngành này cũng không phải dạng vừa. Về tổng thể thì lương của lập trình viên rất cạnh tranh, phụ thuộc vào từng vị trí lập trình viên bạn đảm nhiệm và kinh nghiệm làm việc
Vào năm 2019, lương trung bình của lập trình viên được ghi nhận ở mức 30,6 triệu/tháng – mức thu nhập rất cao.
Thông thường, sinh viên mới ra trường thì lương từ 8-12 triệu đồng/tháng. Hội Junior (làm 2-3 năm) sẽ có lương tầm 15-20 triệu/tháng. Khi đạt được tới Senior (trên 3 năm kinh nghiệm trở lên) thì lương càng tịnh tiến hơn rất nhiều. Lúc này, bạn đã đủ khả năng để nhận việc làm thêm ở ngoài, ký các hợp đồng giá cao hơn nên thu nhập tất nhiên sẽ khủng. Kiếm 40 – 60 triệu/tháng là chuyện bình thường.
Để đạt mức lương mơ ước, bạn cần gì?
Tuy nhiên, không phải cứ học lập trình viên là ra trường có việc làm với mức thu nhập cao. Giỏi về chuyên môn nhưng cần trau dồi thêm cả những kỹ năng mềm. Điều này đôi khi nó còn quan trọng hơn cả những kiến thức chuyên môn mà bạn đã có.
Cần giỏi tiếng Anh: Để học và làm trong ngành CNTT, mà cụ thể hơn là lập trình viên, bạn sẽ phải thường xuyên đọc và tìm hiểu các công nghệ, nền tảng, kiến thức ở trên mạng và bằng tiếng Anh. Khi đi làm, bạn sẽ thường xuyên có cơ hội phải giao tiếp với khách hàng, nhóm làm việc nước ngoài.
Nếu giỏi tiếng Anh, bạn có cơ hội kiếm việc ở các công ty nước ngoài hoặc ít nhất là làm việc với khách hàng nước ngoài, với thu nhập cao hơn.
Cần cố gắng và phấn đấu: Học lập trình, làm lập trình viên, bạn cần tối đa hoá sự chủ động bản thân. Công nghệ thay đổi từng ngày và nếu ở vị trí lập trình viên, bạn không thể đứng ngoài sự thay đổi đó. Vì vậy, nếu đã xác định theo ngành lập trình viên thì hãy không ngừng phấn đấu và chắc chắn thành công sẽ theo đuổi bạn.
Dám đương đầu với thử thách và khó khăn: Lựa chọn ngành lập trình viên, bạn sẽ phải đối mặt với việc deadline đến dồn dập, yêu cầu công việc thay đổi không ngừng, bạn buộc phải có sự tập trung và tinh thần thép.
Ngoài ra, những kỹ năng cơ bản như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng chủ động trong công việc không chỉ cần thiết cho một chuyên viên công nghệ thông tin, mà trong mất cứ ngành nghề nào cũng cần phải có.
Thống kê của Viện Chiến lược CNTT cho thấy hiện nay, 72% sinh viên ngành lập trình không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 90% không biết về lĩnh vực mình hành nghề…
Một số trường học sinh có thể tham khảo:
Đại học Bách Khoa Hà Nội
Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia TP.HCM
Đại học Bách khoa TP.HCM
Đại học FPT
Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
Học viện Kỹ thuật Quân sự (Đại học Lê Quý Đôn)
HIỂU ĐAN-Theo PHÁP LUẬT VÀ BẠN ĐỌC