Với nhân viên, cách khích lệ hiệu quả nhất chính là phần thưởng. Tuy nhiên, trao thưởng cũng không phải dễ. Nếu sử dụng không đúng, nó không những không khích lệ được nhân viên, thậm chí còn ảnh hưởng đến cả tính tích cực của họ.
Dưới đây là câu chuyện “Làm thế nào để sói chăm chỉ” sẽ giúp bạn hiểu thêm về điều đó.
Ở một khu rừng nọ, có một bầy sói được cai trị bởi vua sư tử. Sư tử làm nhiệm vụ lãnh đạo bầy sói đi săn, sau đó cả bầy cùng chia nhau chiến lợi phẩm.
Trong một lần đi săn, sư tử thấy một con sói đuổi mãi mà không bắt được một chú thỏ, liền chê cười: “cậu thật là vô dụng, có một con thỏ mà cũng không đuổi được”. Chó sói giải thích “Tại anh không biết đấy chứ, không phải là tôi bất tài, mà là mục tiêu của tôi và con thỏ khác nhau. Tôi chạy vì một bữa ăn, còn nó chạy để bảo tồn tính mạng, đương nhiên là nó sẽ chạy nhanh hơn”.
Sư tử ngẫm nghĩ: “Con sói này nói cũng đúng, nếu mình muốn có thêm nhiều thỏ, cần phải tìm cách để khắc phục tinh thần “bình quân chủ nghĩa” ở bọn sói này, bắt bọn chúng phải truy đuổi con mồi vì cả sinh mạng của mình”. Sau đó sư tử quyết định thực hiện chính sách bình xét công lao để ban thưởng. Nó tuyên bố với bầy sói: “Nếu ai bắt được một con thỏ sẽ được thưởng một cái đùi thỏ, còn kẻ không bắt được thì sẽ không có gì để ăn”.
Sau đó, tình hình cải thiện rất rõ, số lượng thỏ bắt được ngày càng nhiều, bởi chẳng có con sói nào muốn thấy con khác no nê, trong khi mình lại đứng nhìn.
Nhưng sau một thời gian, sư tử lại thấy một vấn đề khác: Số thỏ bắt được ngày càng nhiều, nhưng những con thỏ bắt được ngày càng nhỏ. Nó mới hỏi bọn sói: “Sao những con thỏ dạo này lại nhỏ như vậy”? Chó sói trả lời: “Các con thỏ lớn chạy rất nhanh, trong khi thỏ bé thì chạy chậm. Chính vì vậy bắt thỏ bé sẽ dễ hơn thỏ to. Hơn nữa ông lại qui định dù thỏ to hay nhỏ thì đều có thưởng cả, vậy chúng tôi cần gì phí công bắt thỏ to cơ chứ!”
Sau khi suy nghĩ, sư tử tuyên bố: Từ nay trở đi, số lượng phần thưởng nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào trọng lượng của số thỏ bắt được, chứ không phụ thuộc vào số thỏ nữa. Tuyên bố này lại một lần nữa kích thích tính tích cực của bầy sói. Số lượng và trọng lượng của số thỏ bắt được ngày càng tăng, khiến sư tử thấy rất hài lòng. Từng con sói cũng rất hài lòng vì bản thân có nhiều thức ăn hơn.
Ngẫm từ câu chuyện cũng như thực tế trong hoạt động doanh nghiệp, nếu như chỉ chấp hành mệnh lệnh của người khác một cách bị động, không biết làm việc chủ động, sáng tạo, thì những nhân viên chỉ phát huy được từ 20-40% khả năng của mình. Nhưng nếu được khích lệ một cách thích đáng, khả năng mà họ phát huy được sẽ lên tới con số 80-90%.
Cách khích lệ hiệu quả nhất chính là phần thưởng. Trao phần thưởng cũng phải được tính toán cho kỹ. Nếu phần thưởng được sử dụng không đúng, nó không những không khích lệ được nhân viên, thậm chí còn ảnh hưởng đến cả tính tích cực của họ. Đó là vấn đề mà những nhà quản lý cần phải suy nghĩ kỹ, đặc biệt khi xem xét phần thưởng cuối năm cho nhân viên.
PV – Theo Trí Thức Trẻ/Sưu tầm