Hiện thông tin về các vấn đề xảy ra với mẫu tiêm kích gốc Trung Quốc đang lan truyền rộng khắp trên mạng xã hội Ấn Độ.
Nếu thông tin từ truyền thông Ấn Độ là chính xác thì khoảng 40% tiêm kích JF-17 có nguồn gốc từ Trung Quốc tại 2 căn cứ không quân của Pakistan đang phải “đắp chiếu” vì nhiều lý do khác nhau.
Dẫn “các nguồn tin chính phủ”, tờ Times Now của Ấn Độ cho hay, đã có những vấn đề phát sinh với phần thân các tiêm kích JF-17 Pakistan, nhiều vết nứt được phát hiện thấy ở lớp vỏ bên dưới – khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các áp lực do trọng lực.
JF-17 vốn là dấu ấn cho sự đổi mới trong quốc phòng của Pakistan và được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều khách hàng quốc tế. Tuy nhiên, theo Times Now, không chỉ phần thân mà hệ thống điện trên vòm kính che buồng lái của JF-17 cũng đang trục trặc. Đây là lỗi có thể khiến phi công khó phóng thoát ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích quốc phòng tại Islamabad Shahid Raza đã bác bỏ các cáo buộc trên, đồng thời cho biết truyền thông Ấn Độ đã đăng thông tin xuyên tạc.
“Theo như những gì tôi biết thì Không quân Pakistan (PAF) vẫn duy trì trạng thái ‘Cảnh báo đỏ’ 365 ngày trong năm. Điều đó có nghĩa PAF luôn tự đặt mình trong tâm thế thời chiến” – ông Shahid Raza nói với tờ EurAsian Times.
Vị chuyên gia cho hay, khả năng sẵn sàng bay của PAF rất cao, do PAF duy trì tỷ lệ phi công/buồng lái cao hơn và thời gian quay vòng tốt hơn IAF.
“Không thể đạt được cả 2 yếu tố sẵn sàng này nếu phi đoàn không có tỷ lệ sẵn sàng cao” – Ông Raza nhận định.
JF-17 là sản phẩm hợp tác giữa Pakistan và Trung Quốc, ban đầu được khởi xướng bởi Tập đoàn máy bay Thành Đô (CAC) trong những năm 1990 với tên gọi FC-1, sau đó Pakistan tham gia với tư cách đối tác toàn phần.
Trung Quốc hỗ trợ cung cấp radar và hệ thống điện tử hàng không cùng nhiều công nghệ quan trọng khác, trong khi Pakistan sản xuất 58% khung máy bay và các hệ thống phụ, gồm cánh, đuôi, các phần thân trước. Khâu lắp ráp được tiến hành tại Pakistan.
Việc sản xuất các mẫu máy bay nội địa mang lại một lợi thế quan trọng, đó là không cần phải phụ thuộc vào các bộ phận, phụ tùng từ nước ngoài hoặc khi cần nâng cấp máy bay.
Đây cũng chính là lý do giúp PAF thiết lập trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao hơn so với Ấn Độ, bởi các tiêm kích tiền tuyến của New Delhi hiện nay chủ yếu có nguồn gốc từ nước khác và cần tới sự hỗ trợ từ bên ngoài.
“Một lý do quan trọng khác cần nắm được là PAF đã thiết lập các nhà máy nhằm cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, đại tu (MRO) cho mỗi chiếc máy bay trong biên chế, kể cả UAV. Thậm chí, các chiến đấu cơ F-16 của Pakistan cũng hiếm khi phải gửi ra nước ngoài bảo dưỡng” – Ông Raza cho biết thêm.
Hiện tờ EurAsian Times đã liên hệ với các nhà chức trách tại Pakistan nhưng họ từ chối bình luận. Tin tức về những trục trặc phát sinh với tiêm kích JF-17 Pakistan đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Ấn Độ.
Theo EurAsian Times, cho tới nay, JF-17 mới được xuất khẩu sang Nigeria và Myanmar. Ngoài ra, trong những năm gần đây, có thêm một số cuộc thảo luận với những khách hàng tiềm năng như Sri Lanka, Sudan, Malaysia, Zimbabwe.
Không quân Pakistan hiện vẫn là khách hàng lớn nhất của JF-17 khi đã đưa khoảng 150 chiếc loại này vào biên chế.
JF-17 đang sử dụng động cơ RD-93, một số nguồn tin cho biết Pakistan có thể sẽ sử dụng phiên bản nâng cấp của mẫu động cơ này từ Nga – RD-93MA , với lực đẩy lớn hơn.
Pakistan và Trung Quốc hiện đang sản xuất phiên bản mới của JF-17, định danh là Block 3, trong đó tập trung nâng cấp hệ thống vũ khí và năng lực tác chiến dựa trên nền tảng thông tin. Phiên bản nâng cấp này đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/2019.
Theo EurAsian Times, phiên bản mới nhất của JF-17 ứng dụng một số công nghệ trên tiêm kích thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc nhằm nâng cao hiệu quả chiến đấu. Radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) cũng là một nâng cấp chủ đạo so với phiên bản cũ.
Theo Trí Thức Trẻ