Đó là những phận người gắn kết, mưu sinh trên dòng sông Vàm Nao (tỉnh An Giang ). Vì những lý lẽ rất đỗi đời thường mà họ trở thành dị nhân, quái kiệt có một không ai…
Tuyệt chỉ sáo mũi
Chiều qua phà Thuận Giang, tiếng sáo khắc khoải của chàng trai cứ ám ảnh chúng tôi mãi. Âm thanh quen thuộc ấy với bà con đôi bờ Vàm Nao đã không còn xa lạ nữa, nhưng với khách đường xa thì nó là một bản tình buồn da diết của kẻ hành khất.
Mã Văn Tài (36 tuổi, Ấp Phú Hạ 1, xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) có thân hình khá đặc trưng. Tài kéo sự chú ý của thiên hạ ở tiếng sáo bằng mũi và giọng hát ngọt lịm ăm ắp nội lực. Những chuyến phà chiều về cù lao Ông Chưởng, Tài đứng đó, tiếng sáo trải dài nỗi buồn, nó như cắt xé vào tâm can người qua phà.
Người ta cho cậu một, hai ngàn đồng, hiếm lắm mới được tờ 5 ngàn. Qua chục lượt phà, Tài kiếm được năm bảy chục ngàn. Mỗi ngày như thế, Tài hài lòng với những gì mình có.
Căn nhà của mẹ con Tài nằm ven con rạch nhỏ trên cù lao Ông Chưởng đổ ra sông Hậu. Với bốn mặt sông nước bao quanh (sông Tiền, sông Hậu, sông Ông Chưởng và sông Vàm Nao), cù lao Ông Chưởng được ca dao xưa ca tụng “có nhiều cá tôm”. Tài ước mơ nếu là người lành lặn, sẽ sống bằng nghề chài lưới, nhưng tạo hóa đã không cho cậu thực hiện điều ước.
Tài sinh ra đã bị mù hai mắt. 15 tuổi, gia đình đưa cậu đi mổ nên một bên đã có thể nhìn thấp thoáng, chập chờn mờ ảo. Có chút ánh sáng, Tài sắm chiếc loa kéo ra đường hát rong. Thời của hát rong chợ quê nhanh chóng lụi tàn, Tài kéo loa về nhà đắp chiếu.
Người xưa từng nói “có tật có tài”, câu này nghiệm ứng với Mã Văn Tài. Dù không biết chữ, nhưng Tài có trí nhớ tuyệt vời. Cậu nghe nhạc qua đài rồi học theo.
Giọng hát của Tài khỏe khoắn, ngọt như mía lùi và đúng tông, chuẩn chỉ từng nốt nhạc. Có giọng hát thôi chưa đủ, cần phải có khả năng độc lạ khác người thì mới kiếm cơm được. Tài bắt đầu học thổi sáo bằng mũi. Cậu bền bỉ học hơn một năm trời.
Để cho ra được thanh âm của tiếng sáo từ lỗ mũi, trước tiên, người thổi phải có một lực hơi thật mạnh, sau đó phải biết cách giữ hơi và nén hơi từ bụng đưa lên mũi. Khi hơi đã đủ để bung thành tiếng sáo, người thổi bắt đầu học chỉnh âm thanh và giữ nhịp điệu.
Nhịp điệu của mỗi bài sáo phụ thuộc vào ca từ, điệu lý, tiết tấu và nhịp phách của bài hát. Tất cả những đặc tính này, người thổi sáo bằng mũi phải có đủ và cân bằng thì mới thực hiện thành công một bài sáo thuyết phục người nghe.
Nói thì dễ nhưng thổi sáo bằng một bên cánh mũi không dễ chút nào. Người thổi sáo bằng mũi được phong là quái kiệt kỳ tài và số lượng chỉ đếm bằng đầu ngón tay. Đó là một quá trình luyện tập miệt mài, đòi hỏi tâm huyết và tình yêu cháy bỏng với âm nhạc.
Ở Việt Nam, đã từng xuất hiện kỳ nhân thổi sáo mũi như nghệ sĩ Mai Đình Tới (TP. Hồ Chí Minh), nghệ nhân Đặng Nho Vượng (dân tộc Dao ở Yên Bái) và ông Phạm Văn Nâu (Hải Phòng). Họ là những người ít nhiều có tiếng tăm trong làng âm nhạc, học sáo mũi vì đam mê.
Còn Mã Văn Tài thì khác, cậu quyết tâm theo đuổi sáo mũi vì miếng cơm manh áo, vì không còn con đường nào khác.
Trời phú cho Mã Văn Tài năng khiếu bẩm sinh về cách cảm nhạc. Nhìn Tài thổi sáo bằng mũi, mới thấu cảm được nỗi nhọc nhằn, gian khổ hiện trên khuôn mặt, đôi mắt, bờ môi, hàm răng của Tài. Mỗi chuyến phà, Tài thực hiện một bài sáo kèm một bài hát. Dùng hết sức bình sinh phục vụ “khán giả” nhưng không phải ai cũng khoái và ai cũng cho tiền.
Tài nói vui rằng, ở đây chỉ cá tôm sông Vàm Nao mới hiểu được nỗi lòng của anh ta. Ai qua phà đều vội vã cho những chuyến đi, những cuộc kiếm tìm cuộc sống của riêng mình, đôi khi tiếng sáo, giọng hát của Tài lạc lõng, lẻ loi giữa sông nước hữu tình.
Cách đây hơn một năm có đoàn lô tô về ngang Chợ Mới. Người dân giới thiệu Mã Văn Tài ứng thí, hy vọng họ nhận Tài vào đoàn rồi đưa đi biểu diễn.
Trong màn casting (thử vai), Tài dồn hết sức biểu diễn tất cả những gì có thể nhằm khoa trương tài năng âm nhạc miệt vườn của mình. Đại diện đoàn lô tô ngồi xem, gật gù tấm tắc nhưng rồi họ lạnh lùng trả lời: “Ở đây không có đất cho cậu dụng võ”.
Tài khờ khạo, hồn nhiên nhe răng cười. Nụ cười méo mó, nhăn nhó đầy tuyệt vọng và khổ đau. Ngôn ngữ không đủ để Mã Văn Tài chia sẻ cũng như thuyết phục người khác về khả năng của chính mình. Đó chính là hạn chế, là yếu điểm đã “đánh chìm” cuộc đời Mã Văn Tài mãi mãi lưu lạc ở bến phà Thuận Giang này.
“Vua” mò cá đáy sông
Cũng trên con sông Vàm Nao huyền thoại, ở bến đò Phú Tân nối huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) và huyện Phú Tân (An Giang), xuất hiện một cao thủ được dân trong vùng tôn là “vua” mò cá bằng tay không. Đó là anh Nguyễn Văn Hiếu (45 tuổi, Phú Tân, An Giang).
Chúng tôi đã diện kiến rất nhiều thợ lặn giỏi ở miệt Cửu Long, cũng như gặp gỡ tiếp xúc với dân “bà cậu” (vạn chài) trên Vàm Nao. Khi được hỏi về chuyện bắt cá bằng tay không dưới đáy sông, tất cả họ đều lắc đầu, nói rằng, khó lắm. Họ khẳng định, trên đất nước này, người có biệt tài mò cá bằng tay chỉ có thể là anh Hiếu, không tìm ra người thứ hai.
Vào thời điểm nước sông Vàm Nao ròng (thủy triều rút xuống), là lúc cá nhiều nhất. Nắm rõ được quy luật này nên việc đón lõng bắt cá trở nên dễ dàng với anh Hiếu. Tuy nhiên, bắt cá như thế nào, bằng công cụ gì mới là điều đáng nói.
Từ xưa đến nay, dân “bà cậu” có truyền thống đặt lợp, đáy, quăng chài, giăng lưới bắt cá. Anh Hiếu là người đầu tiên và duy nhất phá vỡ mọi quy tắc của nghề sông nước. Hỏi anh làm cách nào mà bắt cá bằng tay không được?
Anh Hiếu cười phá lên, trả lời rất thật: “Chỉ vì nghèo thôi. Tôi không có điều kiện sắm lưới cụ. Hơn nữa, giăng lưới thấy lâu được cá, vậy là tôi đánh liều nhảy xuống bắt luôn cho lẹ”.
Anh Hiếu trở thành kỳ nhân Vàm Nao từ lý lẽ bình dị như thế. Mới đầu nghe kể không ai tin, bởi đó là việc không thể. Mọi người đã kéo nhau tới tận nơi để xem màn mò cá kinh điển của anh Hiếu.
Chỉ sau một cú lặn, anh Hiếu tóm gọn chục con cá tươi sống, cánh bạn chài lúc ấy mới tâm phục khẩu phục, nghiêng mình kính nể biệt tài của anh. Trung bình mỗi ngày, anh Hiếu kiếm được từ 400.000- 500.000 đồng tiền bán cá, hôm nào nhiều có thể được tiền triệu. Nhưng rồi khi ráo nước trên người cũng là khi tiền đội nón ra đi hết.
Nghề “bà cậu” gian nan và hiểm nguy, thì đời lặn sông kiếm cá còn gian truân gấp nhiều lần. Muốn có cá phải lặn xuống đáy sông sâu từ 5 đến 7 mét. Ngày trước anh Hiếu lặn vo, không có bất cứ công cụ hỗ trợ nào, mỗi lần ngụp xuống anh cầm cự được 30 đến 45 giây.
Bạn chài của anh thấy quá nguy hiểm đã hỗ trợ một chiếc máy bơm khí để anh có thể lặn sâu và lâu hơn, với mức độ nguy hiểm ít đi. Mỗi lần ngụp lặn, anh Hiếu ngậm dây hơi dài gần chục mét. Phải ngậm quen, có kỹ thuật mới không bị phình bụng. Ngậm lâu quá thì lưỡi bị tưa, tai bị nổ khi lên bờ sẽ bị ù không nghe được.
Những năm gần đây, nhiều người dùng lưới điện đánh cá nên mỗi lần đi lặn, người vợ chính là tai mắt trên bờ. Chị sẽ quan sát và canh chừng không cho họ tới gần để tránh việc anh Hiếu bị điện giật vào người.
Quá quen thuộc với dòng Vàm Nao, anh Hiếu biết rõ nơi nào có nhiều cá tôm và hiểu cả đặc tính của từng loài. Tôm thì búng đi lui, cá rô lạng rất nhanh, cá trắng ở tầng lửng…Để bắt được một chú cá bằng tay, anh Hiếu phải ép chúng vào gốc cây hoặc dí đuổi khi nào chúng mệt mới tóm được. Vì vậy, mỗi con cá bắt được đã nhuộm trắng mồ hôi, đôi khi thấm cả máu của người thợ lặn.
Năm ngoái, anh Hiếu lặn mò được con cá ngát to, chưa kịp mừng thì vây của cá đâm toác ngón tay cái, găm xương vào thịt. Máu chảy rất nhiều, ngón tay sưng húp. Anh Hiếu chạy qua trạm xá nhưng nhân viên y tế không dám mổ, yêu cầu anh chuyển viện. Anh Hiếu về nhà tự dùng kìm gắp xương ra. Vết thương phải mất hơn một tháng mời lành.
Ngoài tài mò cá, anh Hiếu còn kiêm luôn việc… vớt xác trôi sông. Không biết tiếng tăm lan tỏa từ đâu mà hễ có người đuối nước là dân làng gọi cho anh, ở bất cứ đâu anh đều không nề hà mà luôn sẵn sàng lên đường.
Đời thợ lặn, vớt xác người trôi sông giống như bắt con cá, làm riết rồi quen thuộc, anh Hiếu chưa bao giờ thấy sợ hãi.
Nếu ở gần, anh chạy bằng chiếc xuồng ba lá của mình, ở xa thì anh mang theo chiếc bánh xe căng hơi làm phương tiện vớt xác. “Mỗi cái xác vớt lên giao về cho gia đình, tôi cảm thấy lòng mình thanh thản bình yên. Nhà nào giàu thì cho vài trăm, còn nghèo thì thôi, tôi giúp lấy phước cho mình”, anh Hiếu chia sẻ.
Khi nhắc tới sông Vàm Nao, dân sông nước đều hiểu rõ, đó là con sông hung dữ với đầy rẫy hiểm nguy. Vào tháng 7 trở đi, mưa bão, sóng gió nhiều, anh Hiếu khuyên các xuồng ghe nhỏ không nên chạy sông.
Nếu phải đi thì bắt buộc mang áo phao hoặc can nhựa lớn phòng trường hợp xấu xảy ra. Nhưng với anh, dù mùa nào thì con sông này vẫn là nơi anh mưu sinh.
Ngọc Thiện-Cát Tường (Báo Công an nhân dân)