Đó là câu chuyện thực tế của anh Vũ Ngọc Đồng, nông dân trồng hoa hồng ở thôn 5, xã Phù Vân, TP. Phủ Lý (Hà Nam)…
Khởi nghiệp năm 2003, anh Vũ Ngọc Đồng thuê lại 1 sào ruộng sản xuất 2 vụ lúa kém hiệu quả của người địa phương để trồng hoa cúc, hoa hồng.
Để thực hiện kế hoạch “lấy ngắn nuôi dài”, ban ngày anh Đồng đi làm thợ xây để tích cóp vốn, tối về lại cặm cụi chăm bẵm những vườn hoa.
Không phụ lại sự vất vả một nắng hai sương của người nông dân, sau một thời gian được chăm sóc tốt, hoa hồng đơm nụ bung sắc, anh Đồng cắt bông bán cho các tiểu thương.
tính toán anh Đồng nhận thấy nghề trồng hoa cho thu nhập khá hơn rất nhiều so với nghề thợ xây và một số nghề khác anh từng kinh qua.
Hạ quyết tâm làm lớn với nghề hoa, anh Đồng đã mạnh dạn thuê đất, mở rộng diện tích sản xuất kết hợp trồng thêm đào, cây quất để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Để đảo đất, sau vài năm anh Đồng lại chuyển sang chuyên trồng các loài hoa khác luân phiên, rồi sản xuất cây giống cung ứng cho hộ trồng hoa khác trong làng.
Đến năm 2009, thị trường hoa hồng cổ Sa Pa bỗng dưng “nổi” như cồn, khuấy đảo cộng đồng chơi hoa. Bởi dòng hoa hồng này nở rất đẹp, trổ hoa quanh năm, bông lâu tàn, hương thơm nhẹ nhàng.
Với sự nhạy bén của người trẻ, anh Đồng đã kịp thời nắm bắt được thị hiếu của người chơi hoa, sẵn trong vườn đang có 1 cây hoa hồng cổ Sa Pa vài năm tuổi, anh Đồng bắt đầu chiết cành, nhân giống vừa thử nghiệm chất đất, thổ nhưỡng khí hậu, vừa để phục vụ thị trường.
Để phong phú cho sản phẩm hoa, anh Đồng còn mua thêm các giống hoa hồng ngoại, hồng nhung cổ, hồng bạch cổ, hồng đào cổ… và nhiều dòng hoa hồng khác về trồng nhằm mở rộng đối tượng chơi.
Anh Đồng ước tính, thời kỳ cao điểm, trong vườn có khoảng 200 loại hồng khác nhau, thoải mái cho khách hàng lựa chọn mua. Khách đến vườn hồng của anh ít người phải về không…
Tuy nhiên, sau một số năm canh tác, nhận thấy việc chăm sóc hoa hồng ngoại đòi hỏi kỹ thuật cao, tốn nhiều thời gian, công sức, không phù hợp với khí hậu địa phương, nên anh Đồng quyết định “xóa sổ” những cây hồng ngoại, chỉ giữ lại những cây hồng cổ đã thuần với khí hậu nước ta.
Hiện tại, anh Đồng đang trồng và sản xuất 4 loại cây hoa hồng chính, gồm hồng cổ Sa Pa, hồng nhung cổ, hồng đào cổ, hồng bạch cổ.
“Từ diện tích nhỏ ban đầu, đến nay gia đình tôi đã mở rộng diện tích vườn lên đến hơn 4.000 m2, từ những diện tích ruộng sản xuất kém hiệu quả ở địa phương, tôi mạnh dạn thuê thầu lại và biến thành những vườn hoa hồng tươi đẹp cho hiệu quả kinh tế cao, đây cũng chính là động lực giúp tôi kiên định với đam mê nghề để tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất ra quy mô lớn” – anh Đồng chia sẻ.
Với phương châm “chậm, chắc, không chạy theo phong trào”, do đó anh nông dân sinh năm 1977, tuổi Đinh Tỵ mới bám trụ thành công nghề trồng hoa từ khi khởi nghiệp cho đến nay.
Hiện tại, với diện tích hơn 4.000m2, trung bình mỗi năm, nhà vườn Đồng Mơ do anh Vũ Ngọc Đồng làm chủ cung ứng ra thị trường khoảng 2.000 cành chiết hoa hồng các loại, trên 40 cây có độ tuổi 7 năm trở lên, gần 100 cây từ 1 – 2 tuổi và trên dưới 500 chậu cây giống khoảng 1 năm tuổi.
Thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong và ngoài tỉnh. Trong đó, 60% thị trường là khách hàng đến tận vườn tham quan và mua; còn 40% là khách hàng trao đổi, mua bán qua không gian mạng (gồm mạng xã hội facebook, zalo).
Giá bán dao động từ 40.000 – 150.000 đồng/cành chiết, tùy theo cành; 100.000 – 150.000 đồng/chậu cây giống, tùy theo dáng cây; 700.000 – 2 triệu đồng/cây có độ tuổi gần 2 năm, tùy theo dáng, độ cao; và hơn 5 triệu/cây có độ tuổi 7 năm trở lên.
“Khách hàng mua cây trực tiếp tại vườn và gián tiếp qua không gian mạng. Với giá bán như trên, mỗi năm vườn cây hoa hồng của gia đình tôi cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng, sau khi đã trừ tất cả các loại chi phí”, anh Vũ Ngọc Đồng bật mí.
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn trồng và sản xuất cây hoa hồng cổ của gia đình, anh Đồng chia sẻ, vườn hoa của gia đình anh đã được công nhận là nhà vườn kiểu mẫu; trở thành điểm tham quan, chụp ảnh check-in của nhiều du khách trong và ngoài địa phương.
Du khách đến tham quan, chụp ảnh hoàn toàn miễn phí. Thậm chí, nhiều du khách ở xa về tham quan, có ngỏ ý mua 1 – 2 cành chiết hoặc cây giống nhỏ, anh Đồng sẵn sàng biếu tặng làm kỉ niệm, không lấy tiền.
Hiện nay, trong vườn hồng của gia đình anh, có cây hồng cổ trên chục năm tuổi, gốc to, thẳng, tán rộng, giá bán khoảng 80 triệu đồng.
Anh Đồng bộc bạch: “Vào thời điểm cuối năm hoặc đầu năm, lúc hoa hồng nở rộ, vườn hoa của gia đình tôi tấp nập người ra – vào vườn tham quan, chụp ảnh; cao điểm, có ngày lên đến khoảng 80 lượt khách…”.
Theo anh Đồng, trên cùng 1 diện tích, nếu trồng hoa hồng cổ cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với trồng các loài cây trồng khác. Hơn nữa, trồng hoa hồng cổ không tốn nhiều công chăm sóc; chi phí vật tư sản xuất cũng ít hơn.
Thời gian tới, anh Đồng dự định quy hoạch lại 1 số khu trong vườn để tạo điểm nhấn, thu hút du khách đến tham quan, chụp ảnh, thưởng lãm cảnh đẹp trong vườn kiểu mẫu. Đồng thời đây cũng được xe là mô hình trình chiếu trực quan cho bất cứ ai muốn tham khảo thực hiện mô hình trồng hoa, phát triển kinh tế.
Nhận xét về nông dân Vũ Ngọc Đồng, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch UBND xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) cho biết: Anh Đồng là người hiền lành, có tính kiên trì, nhanh nhạy, trong công việc cũng như cuộc sống luôn chan hòa nên được nhiều người dân địa phương quý mến.
Ngoài công việc gia đình, anh Đồng luôn tận tình giúp đỡ, hỗ trợ các hộ dân trồng hoa trên địa bàn cũng như người ở địa phương khác đến tham quan, học hỏi kỹ thuật chăm sóc hoa, nhất là hoa hồng cổ.
Xuất phát từ một hộ dân có thu nhập trung bình, nay gia đình anh Đồng đã trở nên khá giả, là tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liên tiếp để người dân địa phương học hỏi làm theo…
Trần Chiến (Báo điện tử Đảng Cộng sản)