Cũng như nhiều quốc gia châu Phi khác, Ghana hiện đang sử dụng tiền thu được từ tài nguyên thiên nhiên để thanh toán các khoản nợ cho Trung Quốc.
Khai thác bô-xít
Một ngày nắng ấm cuối mùa mưa, Viva Dede, một nông dân trồng ca cao, bận rộn làm việc trên Khu bảo tồn rừng rậm Ghana Atewa. Nơi đây nằm trên một con đường đồi xuyên qua khu rừng rậm rạp sát thị trấn Sagyimase, cách thủ đô Accra hai giờ lái xe về phía bắc.
Theo SCMP, khung cảnh nguyên sơ tại khu vực này đang gặp đe dọa vì những kẻ khai thác vàng bất hợp pháp.
“Họ không hỏi ý kiến ai và tự ý chặt hạ cây rừng,” cô Dede nói.
Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) cho biết, Ghana là quốc gia có tốc độ tàn phá rừng nhanh nhất thế giới và khai thác khoáng sản là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này. Các cánh đồng và nguồn nước uống bị đầu độc bởi hàng loạt độc chất như thủy ngân, chì và xyanua.
Cùng lúc đó, nông dân có thể kiếm được những công việc béo bở ở các khu mỏ mà không cần giấy phép lao động. Dede và chồng John tốn 3 tuần để đốt 1/4 héc-ta đất để trồng trọt trong khi có thể kiếm được tới 200 Ghana cedi (khoảng 36 USD) một ngày khi làm việc tại một mỏ vàng bất hợp pháp.
“Nơi nào có quặng bô-xít, nơi đó có việc làm,” cô Dede nói, ám chỉ tới chương trình của chính phủ trong việc khai thác mỏ bô-xít ở Atewa.
Được biết, Ghana đặt mục tiêu sử dụng số tiền bán bô-xít tinh chế và quặng nhôm để thanh toán cho thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD với Sinohydro Corp – một công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc – để xây dựng đường xá và cầu.
Hồi tháng 5, chính phủ của tổng thống Nana Akufo-Addo mời các nhà đầu tư quốc tế tới đấu thầu khai thác bô-xít ở Atewa, Nyinahin và Awaso – với tổng giá trị ước tính tổng cộng lên tới 460 tỉ USD.
Ghana cũng đã thành lập một công ty nhà nước với tên gọi Tập đoàn Phát triển Nhôm Toàn diện để thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển.
Ảnh hưởng môi trường
Mặc dù nhiều người bị thuyết phục bởi viễn cảnh về việc làm lương cao, nhiều người khác lại phản đối dữ dội thỏa thuận này. Các nhà môi trường học đã dẫn đầu một số cuộc biểu tình, khiếu nại, thu thập hơn 160.000 chữ kí phản đối kể từ khi thỏa thuận được hoàn thiện vào năm 2017.
Atewa là một phần của Rừng nhiệt đới Thượng Guinea, được liệt vào danh sách một trong những hệ sinh thái có giá trị quan trọng nhất trên thế giới bởi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF).
Khu rừng nói trên đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu và từng bao phủ hơn 103 triệu héc-ta từ Sierra Leone xuống Togo. Nhưng hiện tại cánh rừng đã mất 80% diện tích, và Ghana đang nắm giữ một phần lớn diện tích rừng còn sót lại.
Thảm thực vật vùng cao tại đây là nơi ở của những con tê tê, loài khỉ mangabey mũi trắng, một số loài bướm có nguy cơ tuyệt chủng và nhiều sinh vật không tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên hành tinh. Khu bảo tồn này là nguồn của ba dòng sông lớn ở Ghana: sông Ayensu, Birim và Densu – nguồn cung cấp nước sử dụng cho 5 triệu người tại quốc gia này.
Các nhà khoa học địa phương cho rằng việc khai thác quặng bô-xít sẽ cần tới nhiều hoạt động khai thác bề mặt rừng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới rừng và hệ sinh thái.
Chính phủ Ghana cho hay, khoản đầu tư của Trung Quốc bao gồm 50 triệu USD xây dựng một cảng ở thủ đô Ghana. Bắc Kinh cũng cung cấp 7,3 triệu USD để xây dựng các căn cứ quân sự của quốc gia này.
Nhưng thỏa thuận khai thác khoáng sản với Trung Quốc đã bị chỉ trích vì những nguy cơ tiềm tàng đối với môi trường. Bắc Kinh cũng có một thỏa thuận tương tự với Guinea là trao đổi hoạt động khai thác bô-xít để đổi lại khoản vay xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 20 tỉ USD.
Ghana là nhà sản xuất vàng lớn thứ 2 ở Châu Phi, và thứ 10 trên thế giới vào năm 2018. Gần đây, hoạt động khai thác mỏ bằng tay trái phép đã làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra tình trạng tàn phá rừng ở quy mô nghiêm trọng và đe dọa một trong những sản phẩm xuất khẩu lớn khác của nước này là ca cao.
Chính phủ Ghana ước tính cần tới 29 tỉ USD để khắc phục hậu quả môi trường do những kẻ khai thác mỏ trái phép gây ra. Ghana đã dùng dữ liệu vệ sinh cấp bởi NASA để tìm cách chống lại những hoạt động khai thác bất hợp pháp. Dù vậy, năm ngoái, quốc gia này đã gỡ bỏ lệnh cấm khai thác tài nguyên quy mô nhỏ được áp dụng từ năm 2017.
Các nhà phê bình cho rằng khai thác bô-xít sẽ ngày càng gây ra nhiều thiệt hại hơn cho môi trường. “Atewa đang dần trở thành hòn đảo bị bao vây bởi các mỏ khai khoáng,” Daniel Kwwamena Ewur, một nhà quản lý tài nguyên của tổ chức A Rocha, nói.
Công ty Bô-xít Ghana đã thay chủ nhiều lần kể từ khi được thành lập năm 1941. Chủ nhân hiện tại của công ty này là tập đoàn khoáng sản Trung Quốc Bosai. Năm 2009, Bosai đã mua 80% cổ phần công ty từ nhà khai thác đa quốc gia Rio Tinto.
Quặng từ các mỏ được đưa tới cảng Takoradi để xuất khẩu. Bụi bặm từ hoạt động khai thác, vận chuyển gây ra vấn đề lớn về sức khỏe cho những người dân sinh sống trong khu vực. Dân làng cho biết công ty khai thác đã hứa hẹn sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng cho người dân ở đây, bao gồm bệnh viện và trường học, để đổi lại việc khai thác tài nguyên.
Tuy vậy, trên thực tế chưa có công trình nào được hoàn thành và 1/4 người dân vẫn sống trong cảnh mất điện. Hồi tháng 6, một số văn phòng và xe tải đã bị người lao động đốt vì họ không được trả lương đầy đủ.
“Trung Quốc không giúp đỡ Ghana. Và cũng chẳng giúp đỡ gì châu Phi,” Oteng Adjei – một thành viên của hội đồng địa phương Kwabeng, một thị trấn khác bị ảnh hưởng bởi mỏ Atwea – cho hay. “Hãy nhìn lớp bụi đỏ ở Awaso. Họ thậm chí còn không có đường xá để đi”.
Trong bối cảnh đó, những người nông dân như Dede hiểu rằng họ sẽ khó có thể được nhận vào làm tại các mỏ bô-xít hợp pháp vì nhiều lí do khác nhau.
Những mỏ khai thác không giấy phép thường thuê nhiều người hơn để tận dụng nguồn lao động chân tay, còn mỏ hợp pháp thường dùng các loại máy móc phức tạp để tăng sản lượng và đảm bảo an toàn.
“Họ đã khai thác tài nguyên tại quốc gia này rất lâu rồi. Câu hỏi ở đây là chúng tôi đã nhận được gì? Chỉ có những nhà đầu tư và công ty khoáng sản nhận được lợi nhuận,” một người dân Ghana bức xúc nói.
theo Trí Thức Trẻ