Trái với sự hồ hởi của Mỹ về thỏa thuận thương mại, TQ vẫn bóng gió về khả năng “lật kèo” vào phút 89. Lời phát biểu trên của một cố vấn của chính phủ Trung Quốc bình luận hôm 16/12 là một minh chứng
Có thể Trung Quốc sẽ không hoàn thành những giao ước mà họ đã cam kết với Mỹ trong thỏa thuận “giai đoạn 1” nhằm kết thúc cuộc chiến thương mại giữa hai nước, báo Washington Examiner (Mỹ) dẫn lời các quan chức và các nhà phân tích.
Cụ thể, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi đây là một thỏa thuận “tuyệt vời” và phía Mỹ hân hoan gọi đó là một thỏa thuận “lịch sử và có thể thực thi”, thì phía Trung Quốc lại có thái độ không mấy hồ hởi.
Trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng thỏa thuận này sẽ giúp hai nước Mỹ-Trung “khôi phục quan hệ dần dần”, nhưng vẫn cảnh báo về “rất nhiều vấn đề” cần giải quyết. Truyền thông Trung Quốc cũng không coi đây là thắng lợi.
Hôm thứ Hai (16/12) vừa qua, học giả Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), một chuyên gia tại Đại học Nhân dân và đồng thời là cố vấn của chính phủ Trung Quốc, lại tiếp tục đưa ra bình luận:
“Đối với Trung Quốc, việc cam kết và thực hiện thỏa thuận giai đoạn 1 là một thách thức khổng lồ. Trung Quốc sẽ phải mua khoảng 300 tỉ USD hàng hóa Mỹ trong vòng 2 năm tới, và mua thêm rất nhiều hàng nông sản của Mỹ. Liệu Trung Quốc có thực sự cần nhập nhiều đậu tương Mỹ đến vậy hay không?”.
Trung Quốc đã “dọn đường” sẵn để dễ bề “trở mặt”?
Đội ngũ thương mại của Tổng thống Trump đã nhấn mạnh rằng thành công của thỏa thuận này sẽ phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Hôm 13/12, cố vấn kinh tế trưởng của Nhà Trắng – Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ (NEC) Larry Kudlow – cũng cho biết Mỹ sẽ “tiếp tục theo dõi xem liệu Trung Quốc có giữ chữ tín hay không”, cùng với đó là lời đe dọa rằng Washington vẫn có thể sử dụng các đòn thuế quan nếu Bắc Kinh thất tín trong thỏa thuận.
Tuy nhiên, Washington Examiner cho rằng thái độ của Trung Quốc trong những ngày gần đây cho thấy khả năng cao các quan chức nước này sẽ không thực hiện cam kết của mình trong bản thỏa thuận còn chưa được chính thức công bố.
“Họ đang tự bao biện, phải không?”, ông Malcolm McNeil, một luật sư về thương mại quốc tế tại hãng luật Arent Fox, nói với Washington Examiner.
“Đó là một dấu hiệu, [họ muốn nói rằng]: ‘Ừ thì chúng tôi muốn mua đậu nành đấy, hành động của chúng tôi có thiện chí đấy, nhưng chúng tôi đâu cần mua hết chỗ đậu tương đó, nên chúng tôi sẽ không mua hết [theo đúng thỏa thuận]. Chúng tôi đã nói với các vị từ đầu rằng có thể khả năng của chúng tôi không cho phép, nhưng chúng tôi muốn vậy’.” – ông McNeil phân tích.
Tuyên bố được các quan chức Trung Quốc đưa ra cũng khá thận trọng. Họ nói rằng họ cần phải xem xét lại các điều khoản trong thỏa thuận và thảo luận về thời điểm kí kết thỏa thuận này.
“Hai bên vẫn cần phải thực hiện các thủ tục cần thiết, bao gồm việc xem xét lại các điều khoản về mặt pháp lý và hiệu đính dịch thuật”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã nói như vậy với báo giới hôm thứ Hai (16/12) vừa qua. “Sau đó, chúng tôi mới đưa ra quyết định về thời gian, địa điểm và cách thức kí kết thỏa thuận này”, ông Cảnh nói.
Các quan chức thương mại “diều hâu” của chính quyền ông Trump thừa nhận rằng thỏa thuận giai đoạn 1 chưa thể giải quyết được mọi vấn đề, và phía Mỹ cũng không kỳ vọng điều đó. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ vẫn ca ngợi thỏa thuận này, trong đó bao gồm đại diện thương mại Robert Lighthizer.
Được biết, vào ngày Mỹ-Trung đạt thỏa thuận, các quan chức và phe Dân chủ trong Hạ viện cũng đồng thuận về việc thay thế thỏa thuận NAFTA bằng thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada. Ông Lighthizer đã gọi ngày hôm đó là “ngày quan trọng nhất trong lịch sử thương mại từ trước tới nay”.
Tuy nhiên, theo học giả Thời, các quan chức Trung Quốc dường như không có cùng suy nghĩ với ông Lighthizer: “Mọi người hãy nhìn xem, ông Trump và ông Lighthizer trông rất phấn khởi. Nhưng chính phủ của chúng ta thì chỉ đăng tải thông tin, chứ không hề hân hoan [trước thỏa thuận với Mỹ]”.
Theo Trí Thức Trẻ