Các tác nhân gây ung thư da nói riêng và nhiều căn bệnh khác nói chung đang rình rập chúng ta mỗi ngày. Hãy học cách phòng tránh ngay từ bây giờ.
Trong tình trạng môi trường sống xung quanh ngày càng trở nên ô nhiễm bởi rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, mỗi ngày chúng ta đều phải đối mặt với những thứ khiến mình mắc phải các căn bệnh nghiêm trọng mà không hề hay biết. Một trong số đó, thủ phạm gây ung thư da, thậm chí làm biến đổi gen đang rình rập bạn mỗi ngày mà ít ai để ý, đó chính là bụi siêu mịn PM 2.5.
Bụi siêu mịn có thể gây ung thư da
Hiểu một cách đơn giản, bụi siêu mịn là loại bụi cực nhỏ, đến mức chỉ bằng 1/50 đường kính của 1 sợi tóc. Loại bụi này không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Dù có kích thước rất nhỏ, thế nhưng bụi siêu mịn lại vô cùng nguy hiểm. Trong bụi siêu mịn có chứa các hạt kim loại siêu nhỏ có thể trở thành nguyên nhân gây ung thư da. Không chỉ thế, bụi siêu mịn cũng là dị nguyên gây dị ứng trên cơ thể, gây khởi phát hoặc tái phát các bệnh về da mãn tính.
Theo kết quả nghiên cứu mới đây, dẫn đầu là các nhà khoa học Piao, Ahn và Kang đăng tải trên tạp chí điện tử Springer eJournals của NXB Springer: bụi siêu mịn PM 2.5 làm tổn thương da thông qua cơ chế làm mất cân bằng oxy hoá, gây ra sự phá hủy của nhiều tế bào quan trọng như mạng lưới nội chất, ti thể, tiêu thể… Nó dẫn tới nhiều hậu quả, không chỉ ở góc độ thẩm mỹ mà còn gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của làn da như nổi mề đay, nổi mụn đến mất độ ẩm, tăng sắc tố da khiến da xuất hiện nhiều vết nâu đen…
Không chỉ thế, bụi siêu mịn PM 2.5 còn gây tắc nghẽn lỗ chân lông, làm suy giảm các chức năng da, dẫn đến tình trạng lão hóa sớm như nếp nhăn hay da chảy xệ, mất đi độ đàn hồi, đồng thời da sẽ trở nên nhạy cảm hơn, là môi trường đắc địa cho vi khuẩn tấn công, dẫn đến nhiễm trùng…
Với rất nhiều hậu quả trên, nguy cơ ung thư da trở nên rất cao.
Bụi siêu mịn làm biến đổi gen
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, một trong số các loại bụi mịn, cụ thể là bụi mịn PM 1.0 (có kích thước 1 μm), thậm chí cả bụi nano (≤ 0,1µm) có thể vượt qua mọi hàng rào ngăn bụi của hệ hô hấp, bít các lỗ trao đổi oxy ở phế nang, tác động đến cấu trúc DNA.
Bụi càng mịn càng dễ đi sâu vào hệ hô hấp, gây ảnh hưởng đến cấu trúc DNA bởi sự mất cân bằng ôxy khiến các tế bào khỏe mạnh bị hủy hoại, ảnh hưởng đến sự chuyển hóa các chất hữu cơ của DNA. Đồng thời, các hóa chất trong bụi cũng ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc DNA. Các kim loại chuyển tiếp trong thành phần bụi như Cr, Cd, Ni và chất aldehyde có thể cản trở cơ chế sửa lỗi của DNA, gây ra căn bệnh ung thư phổi.
Bảo vệ cơ thể như thế nào?
– Đeo khẩu trang để bảo vệ hệ hô hấp khi đi đường, đến nơi có khói bụi, ô nhiễm…
– Mặc các loại quần áo dài tay, sử dụng kính chắn bụi mỗi khi ra đường.
– Sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, vệ sinh mũi sau khi đi ra ngoài về.
– Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và làm sạch cơ thể sau khi từ bên ngoài về.
– Không nên ăn uống ở lề đường, những nơi có nhiều khói bụi.
– Chú ý trong khâu lựa chọn thực phẩm để tránh chọn phải thực phẩm bị nhiễm bẩn.
– Nên hạn chế đi ra ngoài vào giờ cao điểm hoặc thời điểm thời tiết hanh khô vì rất nhiều khói bụi, nhất là bụi mịn.
Nguồn tham khảo: Environmental Health Perspectives, Springer eJournals
Theo Ngọc Anh – Helino