Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte được cho là đã gợi ý tập đoàn dầu khí nhà nước Nga cân nhắc hợp tác khai thác dầu khí chung trong vùng biển của Philippines.
Lời mời đó được đưa ra trong chuyến thăm Mátxcơva của ông Duterte vào tuần trước, khi ông gặp các lãnh đạo của Rosneft, trong đó có tổng giám đốc Igor Sechin.
“Tổng thống mời Rosneft, lãnh đạo ngành dầu khí của Nga, đầu tư vào Philippines, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển dầu khí, và bảo đảm với các lãnh đạo của Rosnef… rằng đầu tư của họ được bảo đảm an toàn ở Philippines và ông ấy sẽ không tha thứ cho tình trạng tham nhũng trong bộ máy”, SCMP dẫn lời phát ngôn viên kiêm cố vấn pháp lý của Tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo phát biểu giữa tuần trước.
Trước khi ông Duterte gặp lãnh đạo của Rosnef, Đại sứ Philippines tại Nga Carlos Sorreta nói rằng các công ty năng lượng Nga quan tâm đến việc khai thác dầu khí trên vùng biển Philippines thuộc biển Đông, và bất kỳ thỏa thuận nào với Nga cũng sẽ không dẫn đến việc phải thỏa hiệp các quyền chủ quyền của Manila ở khu vực này.
“Họ sẵn sàng làm điều đó trong khuôn khổ luật pháp của chúng tôi. Họ không phải một bên liên quan ở biển Đông. Nếu họ đến, đó sẽ là sự công nhận đầy đủ các quyền chủ quyền và quyền khai thác của chúng ta”, ông Sorreta được trang tin Rappler dẫn lời.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang thực hiện chiến thuật chèn ép, bắt nạt, quấy nhiễu, biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp.
“Trung Quốc sẽ không đối xử với dự án khai thác dầu khí của Nga như cách đối xử với công ty của Tây Ban Nha trước đây”, SCMP dẫn lời ông Zhang Mingliang, một chuyên gia về Đông Nam Á đang công tác tại ĐH Tế Nam ở tỉnh Quảng Đông, nói.
Giới quan sát cho rằng quan hệ với Bắc Kinh được ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chính sách hướng Đông, nên Nga khó có khả năng sẵn sàng làm mếch lòng Trung Quốc.
“Dù có điểm ma sát giữa Mátxcơva và Bắc Kinh, những hoạt động của các công ty Nga trên biển Đông khó có thể gây bất ổn cho ‘quan hệ đối tác chiến lược’ Nga – Trung, vì Mátxcơva và Bắc Kinh cần nhau trong những vấn đề lớn hơn”, ông Zhang đánh giá.
Ông Aaron Rabena, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Con đường tiến bộ châu Á – Thái Bình Dương tại Manila, nói rằng vẫn còn sớm để nói liệu ông Duterte có đi theo chiến lược mời Nga vào vùng tranh chấp hay không, đặc biệt khi Bắc Kinh và Manila đã đồng ý khai thác dầu khí chung trong vùng biển của Philippines nhân chuyến thăm Bắc Kinh gần đây của ông Duterte.
“Vẫn phải chờ xem liệu phạm vi địa lý (được xác định trong thỏa thuận khai thác chung giữa Trung Quốc và Philippines) ở bãi Cỏ Rong như thế nào, vì còn nhiều loại hợp đồng dịch vụ khác để Nga và Philippies có thể hợp tác với nhau”, ông Rabena nói.
theo Tiền phong