Bà Hillary Clinton cho rằng cần kiểm tra lịch sử cuộc gọi của Tổng thống Donald Trump để xem ông có gọi điện cho đồng cấp Nga Vladimir Putin trong vụ bạo loạn hôm 6/1 hay không.
Người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump đã leo thang bạo lực tại Điện Capitol hôm 6/1, làm gián đoạn phiên họp của Quốc hội Mỹ nhằm xác nhận kết quả bỏ phiếu Đại cử tri bầu tổng thống Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 18/1 (giờ địa phương), cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nêu giả thuyết ông Trump thông đồng với ông Putin trong vụ bạo loạn vừa qua.
“Tôi muốn thấy lịch sử cuộc gọi của ông ấy (Trump), để xem ông ấy có trao đổi với ông PUtin trong ngày mà những kẻ nổi dậy xâm nhập Điện Capitol của chúng ta hay không,” bà Clinton – người thất bại trước ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 – nói.
Bà Clinton đăng tải trên Twitter, cho biết Chủ tịch Hạ viện Pelosi đồng ý với bà rằng “một ủy ban giống như vụ 11/9” cần được lập ra “để điều tra và báo cáo mọi điều mà họ có thể khám phá” về cuộc bạo loạn.
“Tôi đồng ý,” bà Pelosi nói về ý kiến của bà Clinton, bổ sung rằng với ông Trump, “mọi con đường đều dẫn đến Putin”.
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, một cuộc điều tra do công tố viên đặc biệt dẫn dắt đã được tiến hành nhưng không tìm thấy bằng chứng về sự thông đồng giữa chiến dịch Trump với phía Nga trong cuộc bầu cử năm 2016.
“Tôi không biết Putin có ảnh hưởng thế nào với ông ấy (Trump) về chính trị, tài chính, hay cá nhân, song những gì xảy ra tuần trước là món quà với Putin, bởi ông Putin muốn làm suy yếu nền dân chủ ở đất nước ta và trên khắp thế giới,” bà Pelosi nói với bà Clinton.
“Họ (người biểu tình) đang làm việc cho Putin khi họ bị Tổng thống Mỹ kích động nổi dậy,” Chủ tịch Hạ viện Mỹ tuyên bố. “Chúng ta cần có một ủy ban như vụ 11/9, và Quốc hội ủng hộ mạnh mẽ điều đó.”
Theo RT (Nga), thông điệp do bà Clinton và bà Pelosi đưa ra đã vấp phải những chế giễu trên mạng Internet. Nhà báo Aaron Mate mô tả giả thuyết của hai bà là những thuyết âm mưu vô căn cứ, đồng thời chất vấn lý do tại sao hơn 2 năm điều tra nhằm vào cáo buộc Trump thông đồng với Nga vẫn là “chưa đủ”.
“Có nhớ khi [công tố viên đặc biệt Robert] Mueller bỏ ra 18 tháng cùng nhiều triệu USD, cùng với đội ngũ công tố viên và có quyền triệu tập, để rồi khép lại vụ điều tra sau khi không bắt giữ được người Mỹ nào thông đồng với Nga? Hãy làm lại lần nữa!” nhà báo Glenn Greenwald bình luận trên Twitter về ý kiến điều tra liên hệ Trump-Putin trong vụ bạo loạn 6/1.
Những thuyết âm mưu liên quan đến Nga không dừng lại ở đó. Truyền thông Mỹ hồi tuần trước đưa tin Cục Điều tra Liên bang (FBI) tiến hành điều tra vụ một máy laptop bị đánh cắp khỏi văn phòng bà Nancy Pelosi trong cuộc bạo loạn, đồng thời chuẩn bị được bán cho cơ quan tình báo của Nga. Theo RT, dù vụ giao dịch thất bại và chưa từng diễn ra, FBI vẫn không thể xác nhận giả thuyết trên là có thật hay không.
Hạ viện Mỹ, do đảng Dân chủ nắm đa số dưới sự lãnh đạo của bà Pelosi, hồi tuần trước đã thông qua các điều khoản luận tội Tổng thống Trump với cáo buộc kích động nổi dậy, biến ông Trump thành Tổng thống đầu tiên và duy nhất của Mỹ tính đến thời điểm hiện tại bị luận tội hai lần.
Ở diễn biến khác, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cũng được các cố vấn thúc giục lập ra chức vụ trong Nhà Trắng nhằm giám sát và chống lại “những kẻ bạo lực theo chủ nghĩa cực đoan bắt nguồn từ ý thức hệ” – bao gồm đối với những người biểu tình ủng hộ Trump tham gia cuộc bạo loạn hôm mùng 6, mà ông Biden gọi là “khủng bố trong nước”.
Biden cam kết sẽ ưu tiên thúc đẩy đạo luật chống lại chủ nghĩa khủng bố trong nước – báo Wall Street Journal cho hay.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị