Liệu Việt Nam có cơ hội hóa rồng trong một ngành đòi hỏi kỹ thuật cao như hàng không?
Theo tạp chí “Sản xuất và thiết kế hàng không” (AMD), sự bùng nổ của trí thông minh nhân tạo (AI) đang khiến ngay cả những người nổi tiếng như Elon Musk cũng phải cảnh báo về một tương lai “hủy diệt nhân loại”.
Trớ trêu thay, chính Elon Musk cũng đang tích cực phát triển dự án AI của mình để áp dụng vào xe điện Tesla và tiến tới là mảng hàng không SpaceX của mình. Rõ ràng, công nghệ AI đang đem lại những cơ hội mới cho toàn ngành.
Thật vậy, báo cáo của Mordor Intelligence cho thấy thị trường AI trong mảng hàng không sẽ tăng trưởng từ 29,67 tỷ USD năm 2023 lên 42,6 tỷ USD năm 2028.
Bằng khả năng phân tích lượng lớn thông tin từ hệ thống cảm biến hàng không, các thuật toán AI có thể dự đoán những điểm bất thường nhanh hơn con người, xác định lỗi để đưa ra phương án sửa chữa hay bảo trì, giúp tối ưu hóa tối đa hiệu suất cũng như giảm thời gian ngừng hoạt động.
Năm 2022, hãng hàng không quốc gia Thụy Sĩ (SAI) cho biết kể từ khi sử dụng AI để tăng cường hiệu suất, công nghệ mới đã tối ưu hóa được hơn một nửa số chuyến bay trong hệ thống của hãng, đồng thời tiết kiệm được khoảng 5 triệu Franc cho công ty.
Một số hãng hàng không như GE Aerospace đang đi đầu trong việc áp dụng công nghệ AI giám sát và phân tích dữ liệu thời gian thực, qua đó lập kế hoạch bảo trì và tránh những tai nạn không mong muốn.
Thậm chí vào tháng 5/2024, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã lần đầu tiên bổ nhiệm giám đốc mảng AI (CAIO) là ông David Salvagnini, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ này trong ngành.
Tại Việt Nam, tập đoàn Dassault Systèmes của Pháp có văn phòng đại diện tại Hà Nội từ năm 2022 cũng đã công bố hàng loạt những cải tiến nhờ AI trong việc thiết kế và sản xuất các công nghệ liên quan đến hàng không. Ví dụ như hệ thống Virtual Twin, qua đó giúp đến 70% các loại vaccine hiện nay trên thế giới được phát minh thông qua hệ thống thực tế ảo song song này.
Nhờ đó, hàng loạt những tên tuổi lớn như Boeing, Airbus, Dassault Aviation, và Lockheed Martin đã có hợp tác chiến lược với Dassault Systèmes.
Đây cũng chính là công ty khởi đầu với VinFast trong ngành công nghiệp ô tô, qua đó có những bước đi tiên phong cho việc áp dụng AI vào thiết kế xe hơi, tương tự như những gì Elon Musk đang muốn làm với Tesla.
Cơ hội hóa rồng
“Khi chúng ta tham gia sâu được vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ quốc phòng thì chúng tôi tin là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thực hiện được nhiều khâu hơn trong quá trình phát triển và sản xuất sản phẩm”, Chủ tịch Cao Vũ Nhân của Công ty Sản xuất Chế tạo Kami nói.
Bằng việc tận dụng AI để đi tắt đón đầu trong ngành hàng không, Việt Nam được cho là có cơ hội phát triển ở một trong những mảng khó khăn nhất. Tuy nhiên việc đạt được những bước tiến trong ngành này sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho Việt Nam phát triển các mảng công nghệ khác.
“Minh chứng rõ ràng nhất là nhiều doanh nghiệp cung ứng cấp 1 cho Boeing tại Nhật Bản đã chuyển đổi thành công từ sản xuất linh kiện ngành hàng không vũ trụ sang máy bán dẫn cho các tập đoàn như ASML”, Chủ tịch Cao Vũ Nhân cho biết.
Theo ông Cao Vũ Nhân, hãng Dassault Systèmes hiện là tập đoàn duy nhất xây dựng một nền tảng cho phép người dùng không chỉ sản xuất thiết kế mà còn kiểm soát chất lượng của những chi tiết nhỏ.
“Rõ ràng từ một cái điện thoại đến một chiếc máy bay thì cũng có hàng nghìn, hàng chục nghìn và hàng trăm nghìn chi tiết. Bởi vậy làm sao để con em chúng ta sau này hiểu và sản xuất được chừng đó chi tiết có lẽ lời giải duy nhất cho sự hóa rồng của Việt Nam mà chúng ta kỳ vọng. Câu trả lời chính là Chuyển đổi số”, Chủ tịch Cao Vũ Nhân nhấn mạnh.
Ngày hội Đổi mới Sáng tạo Sản xuất Hàng không vũ trụ & Quốc phòng, tổ chức tại khuôn viên NIC ở thủ đô Hà Nội
Đồng quan điểm, Phó chủ tịch David Ziegler ngành hàng không và quốc phòng của Dassault Systèmes cho biết công nghệ AI hiện đã khiến việc thiết kế và sản xuất trong ngành dễ dàng hơn trước khi chỉ cần 3 phút với hệ thống ảo của công ty.
Không riêng gì Dassault Systèmes, báo cáo của Valoir cho thấy 40% số công việc của ngành hàng không có thể tự động hóa bằng AI và trong 2 năm qua, khoảng 20% công việc trong ngành đã được tự động hóa bằng công nghệ mới này.
Trong khi đó, báo cáo của McKinsey cho thấy AI có thể nâng độ dự đoán chính xác nguồn cung trong chuỗi cung ứng thêm 10-20%, qua đó giảm 5% chi phí tồn kho và gia tăng 2-3% doanh thu.
“Thông thường phải tốn hàng trăm triệu USD để vận hành các vệ tinh và nhờ AI, con số này có thể giảm xuống chỉ còn 10-15 triệu USD”, CEO Jim Cantrell của Phantom Space nói.
Một báo cáo khác nữa của Foundry vào cuối năm 2023 cho thấy 11% số doanh nghiệp cỡ vừa đã bổ nhiệm vị trí CAIO trước xu thế bùng nổ AI, trong khi 21% khác đang tìm kiếm nhân sự cho vị trí này.
Rất rõ ràng, công nghệ AI đang tạo nên những cơ hội mới cho ngành hàng không và các doanh nghiệp Việt Nam nếu biết tận dụng có thể đi tắt đón đầu, qua đó mở rộng sang các mảng khác như bán dẫn, điều mà Nhật Bản đã từng làm.
Ngày 2/7/2024, Tập đoàn Dassault Systèmes, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), và Công ty Cổ phần Công nghệ Chế tạo Kami (KMTC) vừa khai mạc Ngày hội Đổi mới Sáng tạo Sản xuất Hàng không vũ trụ & Quốc phòng, tổ chức tại khuôn viên NIC ở thủ đô Hà Nội.
Sự kiện này quy tụ các chuyên gia và người có ảnh hưởng lớn từ các cơ quan, tổ chức như Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, Đại học Bách khoa Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, Hermle AG, và tập đoàn Dassault Systèmes.
Ngày hội Đổi mới Sáng tạo Sản xuất Hàng không vũ trụ & Quốc phòng có sự tham dự của nhiều đại diện cơ quan ban ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam.
Tập đoàn Dassault Systèmes thiết lập văn phòng đại diện tại Hà Nội từ tháng 7 năm 2022, nhân dịp này cũng công bố thỏa thuận hợp tác với công ty KMTC. Thỏa thuận này sẽ giúp nhà tích hợp hệ thống KMTC dẫn đầu công cuộc chuyển đổi số trong ngành sản xuất hàng không vũ trụ ở Việt Nam.
Ông Louis Cao, Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Chế tạo Kami chia sẻ: “Không chỉ riêng công ty Kami mà cả cộng đồng chuỗi cung ứng và sản xuất trong nước đều coi mối quan hệ hợp tác này là một sự kết hợp hài hòa giữa kiến thức chuyên môn của ngành hàng không vũ trụ và quốc phòng Việt Nam với kinh nghiệm phong phú toàn cầu cũng như giải pháp công nghệ đỉnh cao của Dassault Systèmes. Điều đó sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của các nhà sản xuất cấu kiện trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu hiện đại của ngành hàng không vũ trụ, qua đó ươm mầm sáng tạo cho nền kinh tế kỹ thuật số quốc gia.”
Băng Băng-Theo An ninh Tiền tệ