Phụ nữ không chỉ hơn nhau ở tấm chồng mà gia đình chồng cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của họ sau khi kết hôn.
Hôn nhân, với đa số chúng ta, là sự kiện có thể thay đổi cả cuộc đời, đặc biệt là với phái nữ. Vì vậy hầu hết gia đình có con gái thường sẽ cảm thấy căng thẳng hơn trong việc lựa chọn bạn đời của con.
Minh Anh năm nay 25 tuổi, gần đây được 2 chàng trai theo đuổi mạnh mẽ. Một người có gia đình điều kiện bình thường nhưng đối xử với cô rất tốt, mọi người đều tỏ ra chân thành và giản dị. Người còn lại thì gia đình có kinh tế tốt hơn nhưng lại khiến cô cảm thấy khó đoán. Bản thân Minh Anh đang phân vân, chưa gật đầu đồng ý hẹn hò với ai nhưng hơn ai hết, cô hiểu mình phải đưa ra quyết định sớm.
Lúc này mẹ của Minh Anh cảm nhận được sự lưỡng lự và bồn chồn của con gái. Sau khi tâm sự, bà biết con gái đang gặp khó khăn trong chuyện quyết định tình cảm. Ban đầu bà nói về cách nhìn nhận một người chẳng hạn như tính cách, quan điểm sống, thói quen sống,… Những điều này Minh Anh cũng đã tìm hiểu qua sách vở nhưng đúng là khi áp dụng vào thực tế vẫn cần linh hoạt.
Sau đó mẹ Minh Anh đề cập đến chuyện gia đình đối phương và mở ra cho cô những suy nghĩ mới. Hoá ra đàn ông có thể không nhà, không xe, nhưng gia đình anh ta có 4 cái không này thì không thể chấp nhận, nếu cứ cố chấp kết hôn thì hôn nhân của mình sẽ bị “ăn mòn”.
Không có EQ, nói năng bỗ bã, thích chỉ trích và thiên vị
Nhà thơ nổi tiếng Chu Tự Thanh (Trung Quốc) từng nói: “Đời người không có gì khác ngoài lời nói và hành động. Nếu không làm thì chỉ có nói. Cái gọi là sự tinh tế của con người, một nửa nằm ở lời nói”.
EQ cao hay thấp là do tự nhiên mà hình thành. Giao tiếp với người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ tương đối suôn sẻ, họ biết cách nói chuyện và lắng nghe. Tuy nhiên việc tương tác với người có trí tuệ cảm xúc thấp sẽ khó khăn hơn, họ thường chỉ nghĩ đến bản thân và luôn cho mình là số 1.
Nếuđó là bạn bè thì chúng ta có thể nghỉ chơi, dừng giao tiếp với họ. Nhưng nếu đó là gia đình chồng, miễn mối quan hệ vợ chồng vẫn bình thường, thì bạn vẫn phải gặp gỡ, nói chuyện và trao đổi với nhà chồng. Vì vậy, trước khi lấy chồng, cần phải hiểu rõ về nửa kia đồng thời nên tiếp xúc nhiều hơn với bố mẹ chồng tương lai.
Bố mẹ chồng có EQ thấp thường thích chỉ trích và nói năng không kiêng nể ai, lời nói của họ dễ làm người nghe tổn thương. Nếu bạn chịu đựng ngay từ đầu thì sẽ luôn phải chịu ấm ức còn nếu bạn chống đối thì dễ dẫn đến mâu thuẫn gia đình.
Cuộc sống vốn đã đủ chuyện rắc rối và áp lực rồi mà về nhà còn phải đối mặt với những người hay gây sự và bất lịch sự, đặc biệt lại là người lớn tuổi thì sẽ rất khó chịu.
Ngoài ra, kiểu bố mẹ chồng này cũng thường thiên vị. Ngay cả khi vợ chồng bạn chỉ có tranh cãi nhỏ nhặt thì họ vẫn có thể lôi kéo, thiên vị và đổ hết trách nhiệm cho bạn, xem bạn như người ngoài. Đó là cảm giác cấm kị khi đã trở thành người một nhà.
Không tử tế, thích gieo rắc tranh cãi
Có một số bố mẹ chồng khi rảnh rỗi lại thích lấy chuyện làm quà, mang rắc rối của người khác ra để mổ xẻ. Thậm chí, họ còn lợi dụng điều này để thọc gậy bánh xe rồi ngồi xem kịch.
Trong thực tế, tình huống này thường xảy ra ở các bà mẹ chồng. Họ là những người thích gây rối trong mối quan hệ gia đình, cố tình kích động mâu thuẫn giữa họ hàng trong những dịp tụ họp.
Báo động hơn, hành vi này có thể tiếp diễn trong chính ngôi nhà của họ, cụ thể là cố gắng chia sẻ mối quan hệ giữa con trai và con dâu. Điều đáng sợ nhất là một số người còn thấy thú vị, dùng nó để chứng minh với con dâu về vị trí của mình trong lòng con trai.
Những người như vậy không phải là người tử tế. Họ thích thú trước sự đau khổ và bất an của người khác, rất giỏi đổ thêm dầu vào lửa.
Nếu cô gái nào không may gả vào một gia đình như vậy thì hoặc là phải cố gắng hết sức để đối phó với mẹ chồng, hoặc là sẽ trở thành người phụ nữ nhiều chuyện như mẹ chồng. Nhưng làm gì có ai muốn cuộc sống của mình rơi vào những thứ vô nghĩa, hao tâm tổn trí như vậy đúng không?
Một gia đình có không khí tích cực, hướng đến những điều tốt đẹp sẽ khiến tâm hồn người ta sảng khoái, ngày càng phát triển theo chiều hướng tốt đẹp. Và ngược lại, không khí gia đình tiêu cực, đầy ác ý sẽ đẩy người ta xuống đáy vực sâu.
Không có nhận thức đúng đắn, không biết đặt mình vào vị trí của người khác
Một số bố mẹ chồng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cũ, thường cho mình là trung tâm của vũ trụ, có mong muốn kiểm soát và không có ý niệm về sự bình đẳng. Họ hiếm khi quan tâm đến cảm xúc và nhu cầu, thiếu sự tôn trọng và thấu hiểu con cái.
Những người này thường ỷ vào tuổi tác để đàn áp người khác, không công nhận cái tốt và năng lực của bất kỳ ai, bao gồm cả con dâu. Điều họ làm giỏi nhất là ra oai, chỉ tay năm ngói mà không biết giới hạn.
Ngoài ra, nhà chồng kiểu này cũng tin rằng con cái phải đặt mọi nhu cầu của họ lên trên hết. Ngay cả khi đó là nhu cầu không cấp bách hay quan trọng thì con cái cũng phải hy sinh thời gian, công sức của mình để đáp ứng bằng mọi giá.
Thông thường, bố mẹ chồng có cái không này sẽ muốn con dâu phải tuân thủ tam tòng, tứ đức như ngày xưa, trọng nam khinh nữ, vợ phải phục tùng chồng vô điều kiện. Nhưng họ quên rằng thời thế đã thay đổi, hầu hết phụ nữ đều có công việc riêng, có đóng góp vào kinh tế gia đình, không còn phụ thuộc vào chồng để tồn tại như trước đây.
Kết quả là sự va chạm của 2 luồng tư duy này sẽ tạo nên vô số mâu thuẫn trong gia đình.
Không có kế hoạch, tuổi già hoàn toàn phụ thuộc vào con cái
Trên thế giới này luôn có những người sống như một bát cơm thiu. Họ để mặc cuộc sống trôi đi một cách lộn xộn, làm việc gì cũng chỉ nhìn trước mắt và không bao giờ chuẩn bị cho phần đời còn lại của mình.
Nhưng những áp lực cuộc sống cơm áo gạo tiền vẫn luôn ở đó và không tự biến mất. Nếu một người không gánh vác được thì người khác sẽ phải đỡ hộ, cụ thể là bố mẹ phó mặc tuổi già cho con cái.
Tất nhiên, công sức dưỡng dục của bố mẹ là điều con cái không thể quên, bày tỏ sự hiếu thảo với bố mẹ cũng là hiển nhiên và hợp tình hợp lý. Ngay cả việc chăm sóc bố mẹ khi họ về già cũng là trách nhiệm không thể trốn tránh của con cái. Nhưng nó không đồng nghĩa với việc bố mẹ ỷ lại toàn bộ cho các con.
Trên MXH từng có một câu chuyện khá nổi tiếng về chủ đề này. Nhân vật chính là một người phụ nữ, cô cho biết trước khi kết hôn, chồng rất yêu thương và chiều chuộng mình, hứa sẽ cho mình một cuộc sống ổn định.
Sau khi kết hôn, cô phát hiện ra rằng bố mẹ chồng không những không có năng lực tài chính mà còn tiêu xài hoang phí, nợ nần chồng chất. Cặp vợ chồng trẻ vốn định tiết kiệm tiền để mua nhà nhưng sau đó phải dùng số tiền đó để trả nợ cho bố mẹ chồng. Đã vài năm trôi qua, họ vẫn phải ở nhà thuê, chất lượng cuộc sống giảm sút, thậm chí còn không dám sinh con vì sợ sẽ thêm áp lực.
Rõ ràng những người trẻ không phải chịu gánh nặng gia đình sẽ luôn tiến về phía trước nhanh hơn người phải lo lắng cho bố mẹ. Nếu một cô gái gả vào gia đình hoàn toàn dựa dẫm vào con cái trong những năm tháng cuối đời cũng sẽ phải chịu nhiều áp lực.
Cuối cùng, nhấn mạnh rằng, điều này không có nghĩa là bố mẹ không thể nhờ cậy con cái hay con cái có thể bỏ mặc bố mẹ. Thay vào đó, bố mẹ nhờ con cái ở mức tương đối và chủ động thu xếp cho tuổi già của mình. Nếu bố mẹ có tiền tiết kiệm, biết chăm sóc sức khoẻ của chính mình thì sẽ giúp cả 2 bên dễ thở hơn.
(Nguồn: Baidu)-Theo S.A–Thanh niên Việt