Câu nói của mẹ: “Con trai, học cách đối mặt với thất bại trước khi con có thể bắt kịp những điều mà mình theo đuổi. Đây là khóa học bắt buộc trong cuộc sống”, đã đi theo suốt cuộc đời nhà thiết kế tài năng này.
Vào một ngày mùa đông năm 1974, buổi lễ ra mắt hiệu ứng thiết kế của Bảo tàng bang Washington đang diễn ra sôi nổi, ba nhà thiết kế tên tuổi đã hợp sức để “tỉ thí” với một thanh niên 20 tuổi trên cùng một sân khấu, rất nhiều người cho rằng: quan niệm của giới trẻ mới lạ nên nhất định sẽ thắng.
Tuy nhiên, kết quả khiến mọi người ngạc nhiên: chàng trai trẻ đã không giành được chiến thắng cuối cùng, và ban giám khảo cũng nhất trí rằng thiết kế của anh thiếu ý tưởng nhân văn, trong khi ý tưởng thiết kế do ba nhà thiết kế tên tuổi đồng thiết kế có thể đại diện cho hình ảnh tổng thể của Washington.
Vào buổi tối, tại một trong những nhà hàng lớn nhất ở Washington, một buổi lễ chúc mừng ba nhà thiết kế tên tuổi giành được giải thưởng thiết kế cuối năm của bảo tàng đã diễn ra.
Chàng trai trẻ cũng được mời tới nhưng anh không tham dự, bóng đen của sự thất bại ám ảnh trái tim non nớt của anh, khiến anh đau buồn đến mức từng nghĩ đến việc tự tử.
Chuông điện thoại reo, mẹ anh rủ anh tới một quán cà phê và nói muốn tặng anh một bất ngờ.
Anh đến như đã hứa. Khoảnh khắc mở cánh cửa nhỏ của quán cà phê, anh thấy mẹ trong bộ quần áo lộng lẫy đang đợi mình, cạnh đó còn có rất nhiều người phụ nữ niềm nở tiến tới tặng hoa cho anh, sau lưng mẹ, rất nhiều gương mặt quen thuộc xuất hiện, có người thân, có bạn bè và các bậc thầy thiết kế chuyên nghiệp.
Anh nhất thời không nói nên lời, không biết nên vui hay nên buồn.
Người mẹ nói: “Con trai, hôm nay mẹ sẽ ăn mừng thất bại của con. Đây là lần đầu tiên trong đời con thất bại. Con nên được chúc mừng. Hãy học cách đối mặt với thất bại trước khi con có thể bắt kịp những điều mà mình theo đuổi. Đây là khóa học bắt buộc trong cuộc sống”.
Buổi tối hôm đó, không nghi ngờ gì nữa, anh chính là nhân vật chính của toàn bộ buổi tiệc mừng, anh muốn cảm ơn mẹ vì đã tổ chức buổi tiệc mừng như vậy để nói với bản thân rằng thất bại không phải là mất mặt hay mất phẩm giá mà là một tài sản vô cùng quý giá trong cuộc đời.
Chàng trai trẻ năm đó tên Bob Rogers, ông đã thành lập BRC vào năm 1981. BRC đã tham gia thiết kế Gian hàng Quốc gia Hoa Kỳ tại Triển lãm Thế giới lần thứ 6. Bob Rogers đã được Themed Entertainment Association (tạm dịch: Hiệp hội Giải trí Chủ đề Hoa Kỳ) trao tặng Giải thưởng Thành tựu Trọn đời vì thành tích xuất sắc của mình.
Năm 2010, ông giữ vai trò thiết kế chính của Gian hàng Hoa Kỳ tại Triển lãm Thế giới Thượng Hải, ông đã sử dụng những ý tưởng tuyệt vời để kể một câu chuyện về tinh thần kinh doanh bất diệt của Hoa Kỳ.
Bạn cần bao nhiêu can đảm, sức mạnh và trí tuệ để ăn mừng thất bại?
Trong suốt cuộc đời, ai cũng sẽ thất bại và mắc sai lầm. Cách đối phó với những sai lầm và thất bại thường là thứ quyết định liệu một người có thể quay trở lại với đường đua hay không.
Nhậm Chính Phi, người sáng lập Huawei, từng nói: “Những người chưa từng phạm sai lầm cũng không tiến bộ hoàn toàn có thể sẽ bị sa thải ngay tại chỗ”.
Peter Drucker, cha đẻ của quản lý hiện đại cũng từng nói: “Tôi sẽ không bao giờ đề bạt một người chưa từng mắc sai lầm lên vị trí lãnh đạo cấp cao, bởi vì một người chưa từng mắc sai lầm lớn ắt chỉ là người tầm thường!”.
Nói về sự thất bại, La Vĩnh Hạo (doanh nhân và người nổi tiếng trên mạng, người Trung Quốc) có lẽ là một ví dụ điển hình: Mọi người đều biết Smartisan (công ty công nghệ đa quốc gia do La Vĩnh Hạo sáng lập) đã thất bại, nhưng trước đó, La Vĩnh Hạo cũng đã bán dược liệu, làm thịt nướng, đổ buôn, tổ chức các khóa đào tạo tiếng Anh, xây dựng trang web… nhưng không cái nào “đầu xuôi đuôi lọt”, có một kết thúc tốt đẹp. Con đường sự nghiệp của anh có thể được miêu tả là “bách chiến bách bại”.
Bản thân La Vĩnh Hạo cũng từng thể hiện tham vọng cao cả của mình là tiêu diệt Apple, và ai cũng đều biết chuyện gì đã xảy ra sau đó.
Chỉ những người dám nghiêm túc và dám thử mới thất bại, nhưng điều thú vị là họ thường bị chế giễu bởi một đám những kẻ thua cuộc chỉ biết đứng yên.
La Vĩnh Hạo cũng không phải ngoại lệ, các cái mác người khác gán cho anh luôn không ngừng tăng lên, có người nói anh là “bóng ma trong ngành”, có người nói gọi anh là “kẻ giỏi nói”, có người nói anh là “anh hùng phim bi”, có người nói anh là “chú hề thất bại”…
Nói về những điều này, La Vĩnh Hạo không quan tâm, bản thân anh cảm thấy rằng mình đã không thất bại trong bất cứ điều gì. Trong một bài viết dài, La Vĩnh Hạo đã kể chi tiết về khả năng kiếm tiền “mạnh mẽ” của mình trong những năm qua:
Năm 1995, khi tôi 23 tuổi, tôi có 100.000 nhân dân tệ (khoảng 340 triệu đồng) tiền gửi và mức lương trung bình hàng năm ở Bắc Kinh là hơn 8.000 nhân dân tệ (khoảng 27 triệu đồng). Ở tuổi 29, tiền lương hàng năm là hơn 700.000 tệ (khoảng 2,4 tỷ đồng).
Mô hình kinh doanh của công ty đầu tiên tôi xây dựng có rất nhiều sơ hở, và tôi đã phạm rất nhiều sai lầm, nhưng nó vẫn có lãi hai năm sau đó.
Công ty thứ hai Smartisan với nguồn lực hạn chế đã kiên trì một nhiệm vụ gần như bất khả thi (đánh bại Apple) và cũng đã kiên trì được trong hơn 6 năm, trong khoảng thời gian này, hàng trăm công ty điện thoại di động ở Trung Quốc đã phá sản.
Sau khi Smartisan Mobile phá sản, La Vĩnh Hạo dùng thời gian 3 năm kiếm 600 triệu tệ (khoảng 2 nghìn tỷ đồng), trung bình 200 triệu một năm! Số tiền kiếm được trong một năm vượt quá lợi nhuận ròng của toàn bộ 2.659 công ty IPO hạng A vào năm 2020.
Trên Zhihu, một cư dân mạng nhận xét về La Vĩnh Hạo như này: “Chúng ta thường ghen tị với những người sống có lý tưởng và làm những việc chúng ta không thể làm. Chúng ta không muốn anh ta thành công và cũng không muốn người khác thành công. Bởi vì nếu những người khác thành công, trông chúng ta sẽ rất kém cỏi.
Tôi nghĩ đây là nỗi sợ bản năng của chúng ta về việc người khác làm tốt mọi việc. Tất cả chúng ta đều đang cầu nguyện, thất bại đi, nếu bạn thất bại, bạn sẽ giống như tôi!”.
Hiện tại, La Vĩnh Hạo đã thay đổi chiến trường và bắt đầu lại. Anh nói: “Một lần thất bại là một lần mạnh mẽ hơn. Nói về thất bại, thực ra tôi đã nghĩ đến nó rất nhiều lần, nhưng càng nghĩ lại càng không còn sợ nó nữa. Không có bài học nào khó quên hơn một thất bại trực diện và triệt để. Một người doanh nhân ít nhất phải thất bại một hai lần, nếu không anh ta sẽ chẳng thể trưởng thành”.
Các nhà đầu tư cho dự án khởi nghiệp mới của La Vĩnh Hạo cũng từng cho biết: Điều tôi đánh giá cao là kinh nghiệm “thất bại nhiều lần” của La Vĩnh Hạo.
Không ai muốn phạm sai lầm và thất bại, nhưng sai lầm và thất bại thường là một mắt xích không thể thiếu trong việc tôi luyện thép thành một thanh kiếm.
Người tầm thường sợ thất bại và cho rằng thất bại là điều tồi tệ nên họ không sẵn sàng thử và chấp nhận rủi ro.
Những người vĩ đại đối mặt với thất bại một cách bình tĩnh, và thậm chí coi thất bại là một chuyện tốt.
Đường phân thủy giữa tầm thường và vĩ đại là thái độ đối với thất bại.
Không phạm sai lầm lớn là sai sao? Đúng, chưa mắc phải sai lầm lớn là lỗi của bạn.
Một người không phạm sai lầm lớn có nghĩa là anh ta chưa mạo hiểm, đó là bởi anh ta đang sống thận trọng mỗi ngày, và chưa giải quyết những vấn đề mang tính thách thức, vì vậy dù anh ta có phạm sai lầm thì đó cũng chỉ là những sai lầm nhỏ.
Nhiều người cho rằng Michael Jeffrey Jordan là cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại.
Nhưng chính Jordan từng nói rằng: “Trong sự nghiệp của mình, tôi đã ném trượt 9.000 lần, và cũng đã thua gần 300 trận thi đấu.
Trong 26 ván đấu, cú ném vào phút cuối của tôi lẽ ra đã có thể mang lại chiến thắng cho đội, nhưng tôi đã trượt nó.
Tôi đã thất bại hết lần này đến lần khác, và đó là lý do tại sao tôi thành công!”.
Hầu hết mọi người đặt thất bại và thành công ở hai bờ đối lập nhau, chúng ta chỉ muốn thành công, không muốn thất bại.
Nhưng rất ít người xuất sắc biết rằng sai lầm và cải tiến, thất bại và thành công đều là quan hệ nhân quả.
Học cách phạm sai lầm một cách thông minh, thất bại một cách thông minh và để bản thân bước tới đỉnh vinh quang sau những thất bại, đây là điểm khác biệt giữa người tầm thường và người ưu tú!
Theo 163-Theo Thể thao Văn hóa