Nhiều khu vực trên thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt mặt hàng trứng.
Đài Loan (Trung Quốc) thiếu trứng nghiêm trọng
Lãnh đạo Hội đồng Nông nghiệp (COA) của Đài Loan (Trung Quốc), ông Chen Chi-chung cho biết, ông dự đoán tình trạng thiếu trứng ở Đài Loan (Trung Quốc) sẽ hết vào tháng 3, khi khu vực này đưa ra các biện pháp để giải quyết vấn đề.
Thống kê của COA cho thấy, sản lượng trứng theo ngày ở đây bắt đầu giảm vào tháng 12 năm ngoái xuống còn 112.000 thùng vào cuối tháng 2 (mỗi thùng chứa 200 quả trứng). Cơ quan này cho rằng, sự suy giảm là do dịch cúm gia cầm và sự thay đổi thời tiết làm ảnh hưởng tới năng suất cho trứng của gà trong những tháng gần đây.
Để bù đắp số lượng trứng còn thiếu là 500.000-800.000 quả trứng mỗi ngày, ông Chen cho hay, khu vực sẽ nhập khẩu khoảng 5 triệu quả trứng từ Úc vào cuối tháng 3.
Tình trạng thiếu trứng nghiêm trọng khiến khu vực này cũng phải khẩn trương nhập khẩu khoảng 50.000 con gà mái. Việc này nằm trong kế hoạch của chính phủ nhằm tăng nguồn cung trứng.
Tại một số siêu thị của Đài Loan, người bán cũng bắt đầu giới hạn số lượng trứng mà mỗi người có thể mua nhằm tránh tình trạng người dân tích trữ.
Giá trứng tại khu vực này hiện đang ở mức cao kỷ lục là 52 Đài tệ (tương đương hơn 40.000 VNĐ)/600g trứng).
Nhật Bản
Tại Nhật Bản, dịch cúm gia cầm bùng phát và chi phí thức ăn tăng cao cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu mặt hàng trứng ở nước này. Giá đồ ăn trong các nhà hàng tăng cao.
Tờ Nikkei Asia cho biết, nông dân chăn nuôi gia cầm đã giảm số lượng gà đẻ trứng để đối phó với tình trạng thức ăn chăn nuôi tăng mạnh do sự kiện ở Ukraine. Đồng thời, khi dịch cúm gia cầm tấn công nước này vào cuối năm ngoái, lượng gà tiêu hủy tăng lên khiến nguồn cung trứng trở nên không ổn định, giá trứng tăng chóng mặt.
Nikkei cũng cho hay, trứng cùng với giá đỗ thường là mặt hàng có giá ổn định nhất tại Nhật Bản. Chính vì vậy, tình trạng hiện nay càng gây thêm lo ngại cho người tiêu dùng và nhà cung cấp trong bối cảnh Nhật Bản đang trải qua đợt tăng giá tiêu dùng cao nhất trong 4 thập kỷ.
Một số nhà hàng tại Nhật đã ngừng bán một số món có thành phần là trứng.
Món ăn này tại Nhật Bản thường sẽ có một quả trứng lòng đào đặt bên trên, nhưng hiện nay, nhiều nhà hàng đã phải thay đổi công thức. Ảnh: Nikkei
Nhà sản xuất thực phẩm Kewpie cho biết, sẽ tăng giá mayonnaise lên khoảng 21% cho các lô hàng từ ngày 1/4 để đối phó với dịch cúm gia cầm. Giống như trứng, đây cũng là thành phần không thể thiếu trong căn bếp của người Nhật.
Giá trứng ở Mỹ tăng mạnh
Tờ New York Times đưa tin, một số người dùng Mỹ đang cố gắng tìm cách bảo đảm nguồn cung trong tương lai do “hoảng sợ” bởi giá trứng tăng đột biến. Nhu cầu về việc nuôi gà để tạo ra nguồn lấy trứng tại nhà ngày càng tăng vọt và các trại giống đang phải chật vật trong việc đáp ứng.
Lạm phát khiến giá tăng cao
Ginger Stevenson, giám đốc tiếp thị của Murray McMurray Hatchery, trại gà giống ở Iowa, cho biết: “Ai cũng muốn sở hữu giống gà đẻ nhiều trứng khiến công ty tôi đang gặp tình trạng thiếu hụt về nguồn cung.”
Không chỉ mỗi McMurray đối mặt với tình huống này. Các trại sản xuất gà giống trên khắp đất nước báo cáo rằng, nhu cầu về gà trong năm nay tăng nhanh một cách đáng ngạc nhiên. Nhiều người cho rằng, lý do cho việc người dân đổ xô đi nuôi gà trong nhà là bởi giá cả tăng đột biến, đặc biết là tình trạng “lạm phát” đối với riêng mặt hàng trứng. Vào tháng 12/2022, giá trứng đã tăng 59,9% so với một năm trước đó.
Meghan Howard, người điều hành bán hàng và tiếp thị cho Meyer Hatchery ở đông bắc Ohio cho biết: “Rất nhiều giống gà của chúng tôi đã bán hết sạch. Đó là bởi mọi người thực sự lo ngại về an ninh lương thực.”
Dịch cúm
Cùng với lạm phát tăng cao, dịch cúm gia cầm càng làm tình hình thêm trầm trọng. Dịch bắt đầu càn quét vào đầu năm ngoái đã đẩy giá trứng tăng mạnh. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, cúm gia cầm độc lực cao đã được phát hiện tại các trang trại nuôi 58 triệu con gia cầm ở 47 tiểu bang tính đến tháng 1.
Khi nguồn cung bị ảnh hưởng, một số cửa hàng tạp hóa đã bắt đầu giới hạn mỗi khách hàng chỉ được mua 1-2 hộp trứng.
Ngoài những khu vực kể trên, các nước như Hàn Quốc, Malaysia, Anh và nhiều nước khác trên toàn cầu cũng đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung trứng.
Bán nhiều ở Việt Nam
Tại Việt Nam, trứng gà cũng là một mặt hàng gây tranh cãi thời gian gần đây khi trên đường phố bỗng xuất hiện nhiều điểm giải cứu trứng gà, vịt với giá 65.000 đồng 30 quả trứng gà.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết năm 2022, trứng là một trong những mặt hàng có mức giá tăng cao, đảm bảo lợi nhuận tốt cho người chăn nuôi. Bước sang đầu năm 2023, giá trứng có giảm so với đợt cuối năm 2022 nhưng vẫn đảm bảo nông dân bán ra có lãi. Ông cũng cảnh báo người tiêu dùng cần cảnh giác, không nên mua trứng gia cầm không rõ nguồn gốc rao bán trên mạng xã hội
Ngày 27/2/2023, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp, đơn vị cá nhân hội viên thuộc Hiệp hội chấp hành nghiêm chỉnh sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không vận chuyển, buôn bán tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Theo Duy Anh-Theo thethaovanhoa