“Ăn xong uống một chén trà” hay “khách đến chơi nhà nhất định phải pha trà tiếp đãi” đã là thói quen, là nét đẹp có từ lâu đời của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Vậy trà có nguồn gốc từ đâu và quá trình phát triển của văn hóa ẩm trà ra sao?
Người Trung Hoa có câu: “Quan môn thất kiện sự, sài, mễ, du, diêm, tương, thố, trà” (Tạm dịch: “Trong nhà có 7 thứ: củi, gạo, dầu, muối, tương, dấm, trà”). Trà mặc dù được xếp cuối cùng trong bảy loại nhu yếu phẩm hàng ngày, nhưng bởi vì người Trung Hoa có thói quen đã tồn tại từ lâu đời là “Ăn xong uống một chén trà”, cho nên trà có nội hàm văn hóa và lịch sử rất sâu sắc.
Dân tộc Hoa Hạ là nguồn gốc của trà và là cái nôi của văn hóa trà. Bởi vậy mà trà đã trở thành người bạn của dân tộc Trung Hoa, cùng với dân tộc này trải qua mấy ngàn năm lịch sử.
“Nhất bôi xuân lộ tạm lưu khách, lưỡng dịch thanh phong kỷ dục Tiên” (Tạm dịch: Một chén trà xuân tạm giữ khách, một cuộc sống thanh bạch làm người ta muốn trở thành Tiên). Khách tới chơi nhà, mời trà là truyền thống tốt đẹp của người phương Đông.
- Nguồn gốc của trà
Nói về nguồn gốc của trà, ở Trung Quốc từ xưa đến nay vẫn lưu truyền một truyền thuyết về Thần Nông: “Thần Nông nếm thử trăm loại cỏ, ngày trúng phải 72 thứ độc, nhờ trà mà giải được độc”. Tương truyền tổ tiên Thần Nông của người Hoa Hạ có một cái bụng trong suốt như thủy tinh. Vô luận là ăn thứ gì, Thần Nông đều có thể qua cái bụng trong suốt của mình mà nhìn thấy được rõ ràng.
Thời ấy, con người còn đang sống trong trạng thái nguyên thủy, dù là thịt cá hay hoa quả thì đều ăn sống nuốt tươi, nên thường mắc bệnh là điều không tránh khỏi. Trong truyền thuyết kể rằng, Thần Nông vì để giúp đỡ loài người, bèn lợi dụng cái bụng thủy tinh của mình để nếm thử trăm thứ cỏ, nhìn xem những thứ đó sau khi ăn vào trong bụng sẽ xảy ra biến hóa gì.
Quanh năm suốt tháng, ông trèo đèo lội suối để tìm kiếm lá ăn thử. Có một ngày, khi Thần Nông gặp một loài cây có lá xanh hoa trắng, thì liền ăn thử lá của loài cây ấy. Thật kỳ lạ, sau khi ăn lá cây ấy, ông phát hiện trong dạ dày phát sinh biến hóa kỳ diệu. Những chiếc lá ấy chẳng những di chuyển trong ruột từ trên xuống dưới, tẩy sạch sẽ những thứ đồ mà ông đã nếm qua, mà sau khi ăn vào miệng còn có mùi hương, cảm giác vừa ngon vừa ngọt.
Thần Nông vô cùng mừng rỡ vì phát hiện ra tác dụng giải độc của loại lá cây này. Thần Nông cho rằng phát hiện ra trà ấy là do Thần cảm động khi thấy ông tuổi già tâm thiện, khổ công hái thuốc chữa bệnh cho con người, nên ban tặng ông lá ngọc ấy để cứu giúp chúng sinh. Thế là, Thần Nông cảm tạ Trời xanh, đồng thời càng chăm chỉ đi thu thập thảo dược.
Về sau, mỗi lần nếm phải cỏ độc, ông lại dùng loại lá này để giải độc. Bởi vì, loại lá xanh này giống như một vị thầy thuốc, có thể kiểm tra và tẩy rửa cho cái bụng của mình, nên ông bèn gọi loại lá xanh ấy là “Tra” (nghĩa là kiểm tra). Sau này, người ta đem chữ “Tra” viết thành chữ “Trà”. Đây chính là nguồn gốc của Trà.
Bởi vì, trà có tác dụng giải khát, giúp tinh thần và trí óc tỉnh táo hơn, lợi tiểu giải độc, nên từ đó về sau, lá trà dần dần được khai thác, thu thập và gieo trồng. Trà cũng được người ta dùng làm một loại thần dược dưỡng sinh. Như thế trà dần dần được con người hiểu rõ, ngoài tác dụng làm thuốc, người ta còn dùng nó làm đồ cúng tế, làm thành đồ ăn thức uống.
Sau khi trải qua nhiều cải biến, trà mới có hương vị như hương vị mà chúng ta thưởng thức ngày nay. Cho nên có thể nói, trà là vị thuốc hay mà tổ tiên Thần Nông đã phát hiện ra, là hồi báo mà Trời xanh vì cảm động trước thiện tâm, một lòng vì dân của Thần Nông nên đã ban cho. Thần đã cố ý để cho Thần Nông phát hiện ra trà mà lưu lại cho hậu thế, tạo phúc cho nhân loại.
- Sự phát triển của văn hóa uống trà
Trà sau khi được Thần Nông phát hiện ra, đã trải qua nhiều giai đoạn biến đổi mới có cách uống trà như ngày nay.
Vào thời cổ xưa, tổ tiên của người Trung Hoa chỉ dùng trà làm thuốc. Người thời đó cắt cành lá cây hoang dại, hái lấy lá mầm, đun sôi trong nước, sau đó uống nước này, đây chính là “Chúc trà pháp” nguyên thủy. Theo cách này, nước trà đun ra có vị đắng chát, nên ngày xưa trà được gọi là “Rau đắng”.
Đến thời Tần Hán, người ta sáng tạo ra phương pháp đặc chế và sử dụng trà gọi là “Bán trà bán ẩm”, tức là không trực tiếp đun lá chè tươi, mà chế nó thành bánh trà. Sau đó, người ta đem những bánh trà này nướng lên, rồi giã nhỏ nghiền nhuyễn và cho vào nước sôi, thêm hẹ, gừng, quýt cho điều hòa, gọi là “Trà nướng”.
Đến thời Đường Tống, người ta lấy trà chế thành bánh trà. Trước khi uống thì lấy từng bánh trà ra đập vụn, giã nhuyễn, rồi bỏ vào trong chén và đổ nước sôi vào, đây được gọi là “Nghiên cao đoàn trà điểm trà pháp”. Thời kỳ này, uống trà đã trở nên rất thịnh hành, đồng thời cũng thuận theo sự phát triển của văn hóa, “uống trà” dần dần trở thành “thưởng thức trà”.
Lúc bấy giờ ở hoàng cung, chùa chiền, trong giới các văn nhân học sỹ còn thịnh hành tiệc trà. Tiệc trà có không khí trang trọng, hoàn cảnh lịch sự tao nhã, lễ tiết nghiêm khắc. Hơn nữa nhất định phải dùng loại trà tiến cử hoặc trà hảo hạng, nước pha trà được lấy nước từ các con suối trong lành nổi tiếng, bộ đồ uống trà phải được tuyển chọn vừa sang quý vừa nổi tiếng.
Tiệc trà có nội dung đại khái là trước tiên người chủ trì buổi tiệc tự mình pha trà hoặc đích thân chỉ đạo việc pha trà để biểu thị lòng tôn kính của mình với khách. Sau đó dâng trà, tiếp trà, ngửi hương trà, xem sắc trà và nếm vị trà.
Sau 3 tuần trà, họ bắt đầu bình luận đánh giá đẳng cấp của trà, khen ngợi đạo đức của chủ nhân và ngắm cảnh tâm tình, làm văn làm thơ, vv…
Đến thời nhà Minh, người ta bắt đầu trực tiếp pha trà trong ấm hoặc chén. Như vậy, phương thức uống trà trở nên đơn giản và thuận tiện hơn cho mọi người.
Nhưng cũng theo sự thay đổi của thời đại, người ta càng ngày càng chú trọng vào cuộc sống gấp gáp, nhanh chóng, hết thảy đều xuất phát từ hiệu suất công việc. Một số người dùng loại trà ngâm uống liền, hoặc vì để trị bệnh mà uống các loại trà chăm sóc sức khỏe có hoặc không có chứa trà, phần lớn người ta là “uống trà” chứ không còn “nếm trà”, “thưởng thức trà” nữa.
An Hòa