Cậu bé từng bị hiệu trưởng ‘trù ẻo’ ngồi tù đến tỷ phú ‘nhạc gì cũng nhảy’ Richard Branson thẳng thắn: Nếu muốn uống sữa, đừng ngồi im giữa cánh đồng và mong những con bò tự tìm đến bạn!
Ngày 18/7 vừa qua, Richard Branson vừa bước sang tuổi 69. Vốn nổi tiếng với triết lý “Mặc kệ nó, làm tới đi”, doanh nhân tỷ phú này dường như không có dấu hiệu dừng lại và sẽ tiếp tục dấn thân vào những thử thách mới trong tương lai.
Tài sản ròng của Branson khoảng 4,1 tỷ USD và điều đó giúp ông trở thành người giàu thứ tám nước Anh. Tập đoàn Virgin do ông điều hành hiện có hơn 60 công ty tại 35 quốc gia với gần 70.000 nhân viên.
Nhân dịp Richard Branson vừa đón tuổi mới, hãy cùng chúng tôi điểm lại quá trình lập nghiệp và thành công của doanh nhân người Anh này.
Là con cả trong gia đình có cha là luật sư và mẹ là tiếp viên hàng không, Branson có một tuổi thơ khá đầy đủ ở phía Đông Nam London. Mặc dù vậy, ông lại không phải là người có học vấn cao. Trước đây, Branson từng mắc chứng khó đọc và thay vì “dùi mài kinh sử”, ông đã chọn con đường kinh doanh – tinh thần có sẵn trong máu ông từ khi còn nhỏ.
Năm 11 tuổi, Branson bán vẹt cảnh ở trường cùng người bạn thân Nick Powell. 5 năm sau, ông quyết định bỏ học để khởi nghiệp. Hiệu trưởng của ông từng nói: “Chúc mừng Branson, tôi đoán rằng cậu sẽ ngồi tù, hoặc trở thành triệu phú”.
Ở tuổi 16, chỉ với 124 USD, Branson ra mắt một tạp chí sinh viên có tên là Student. Ông đã phỏng vấn nhiều người nổi tiếng và ấn bản đầu tiên đã đem về cho ông gần 8.000 USD. Chỉ một năm sau đó, Branson đã có trong tay 62.000 USD.
Năm 19 tuổi, sau khi xem khoảnh khắc tàu Apollo 11 lần đầu tiên đưa con người lên Mặt trăng, ông đã hình thành quan điểm kinh doanh “Mặc kệ nó, làm tới đi” vì cho rằng không có gì là không thể.
Năm 1969, Branson mở công ty thu âm đặt hàng qua thư sử dụng văn phòng của tạp chí làm cơ sở hoạt động. Thời điểm đó, ông có 20 nhân viên và quyết định đặt tên doanh nghiệp của mình là Virgin. Tên gọi này phản ánh niềm tin của Branson rằng ông không bao giờ sợ thực hiện một ý tưởng kinh doanh mới và có thể làm cho nó hoạt động hiệu quả.
Năm 1970, Branson ra mắt Virgin Mail Order Records, mở cửa hàng flagship đầu tiên trên phố Oxford, London và tổng cộng 14 cửa hàng đến năm 1972.
Ông dùng lợi nhuận từ những cửa hàng này để thành lập hãng thu âm Virgin Records năm 1972 và kiếm được 1 triệu USD đầu tiên năm 1973 khi nghệ sỹ Mike Oldfield của Virgin bán được hơn 5 triệu bản thu âm.
Branson từng nói: “Nếu muốn uống sữa, đừng ngồi giữa cánh đồng và mong những con bò tự tìm đến mình”. Ngoài ra, ông cho biết công thức thành công của mình chỉ đơn giản là chấp nhận rủi ro và mạo hiểm. Ông từng ký hợp đồng với nhiều ban nhạc tên tuổi như The Rolling Stones và Sex Pistols. Trước khi bước sang những năm 2000, Virgin Music đã trở thành một trong sáu công ty thu âm hàng đầu thế giới.
Lúc này, Branson đã khá rủng rỉnh và mua lại hòn đảo Necker ở vùng Đông Bắc quần đảo Virgin thuộc nước Anh với giá chỉ 180.000 USD. Hiện vị tỷ phú vẫn sống tại đây, bơi lội, lướt sóng và chơi tennis dưới ánh mặt trời nhiệt đới.
Ngoài kinh doanh, Branson còn tích cực đóng góp cho cộng đồng. Các dự án xã hội của ông bao gồm Virgin Unite để chống lại HIV/AIDS, trung tâm khởi nghiệp Branson giảng dạy kỹ năng kinh doanh ở những nước đang phát triển, Virgin Fuels để tạo ra nhiều nhiên liệu sạch hơn và quỹ Virgin Green để giúp cải thiện môi trường.
Những năm 1980 chứng kiến sự mở rộng của đế chế Virgin. Virgin Books, Virgin Videos và các trò chơi của Virgin xuất hiện liên tiếp trên thị trường. Lúc đó, tập đoàn Virgin đã có hơn 50 công ty khác nhau với tổng trị giá hơn 16 triệu USD.
Sau đó, trong một lần chuyến bay đến Puerto Rico bị hủy bỏ, Branson đã nảy ra ý tưởng kinh doanh mới. Năm 1984, ông cùng Randolph Fields thành lập hãng hàng không Virgin Airlines. Đơn vị này đã nhanh chóng đạt được thành công, một phần nhờ vào một số đặc quyền cho hành khách như kem và dịch vụ mát-xa miễn phí trong những chuyến bay đường dài.
Tuy nhiên, Virgin Airlines gặp nhiều khó khăn để cạnh tranh với British Airways đến nỗi Branson phải bán Virgin Records để cứu lấy hãng hàng không. Dù bỏ túi 1 tỷ USD nhưng ông cho biết thương vụ đó giống việc “bán đi đứa con” của mình.
Cùng năm đó, Branson thành lập công ty đường sắt Virgin cùng nhiều đơn vị kinh doanh khách sạn, câu lạc bộ và câu lạc bộ đêm. Thậm chí, tỷ phú người Anh còn ra mắt công ty nước giải khát Virgin Cola với tham vọng lật đổ hai gã khổng lồ Coca Cola và Pepsi. Tất nhiên, Virgin Cola không thể làm điều đó nhưng ít nhất, Branson đã từng thử! Ngoài ra, Branson còn từng tham gia vào ngành thời trang, mỹ phẩm và ô tô nhưng đều không mấy thành công vì không theo kịp được thị trường.
Năm 2001, Virgin Moblie đã trở nên thành công. Đây là dịch vụ truyền thông không dây mang thương hiệu Virgin có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2004, Branson ra mắt công ty mà ông cho là thú vị nhất: Virgin Galactic.
Kể từ lần đầu nhìn thấy cảnh con người đặt chân lên Mặt trăng năm 19 tuổi, ông đã có mong muốn khám phá vũ trụ. Sau này, khi có điều kiện, Branson đã hiện thực hóa ước mơ của mình bằng cách thành lập công ty hàng không vũ trụ Virgin Galatic.
Năm ngoái, hãng đã thành công trong việc đưa 2 phi hành gia lên vũ trụ và hoàn thành chuyến bay thử được phóng bằng tên lửa của mình. Nhiều khả năng, Branson sẽ gia nhập đội ngũ này để khám phá vũ trụ trong năm tới. Ngày 9/7 vừa qua, Virgin Galactic tuyên bố sẽ sáp nhập với SCH để tạo thành công ty du lịch vũ trụ niêm yết đầu tiên trên thế giới trong năm nay.
Mục tiêu của Branson chẳng phải là cho chúng ta cơ hội khám phá vũ trụ trong tương lai không xa hay sao? Nghe có vẻ như một giấc mơ xa vời nhưng hãy “Mặc kệ nó, làm tới đi”
PV (T.H)