Cách hành xử thống nhất của Việt Nam trên mặt trận ngoại giao lẫn thực địa đều nhận được sự đồng thuận từ phần đông các quốc gia trên thế giới.
Kể từ khi Trung Quốc (TQ) ngang ngược cử đội tàu địa chất hải dương 8 xâm phạm vùng biển Việt Nam (VN) từ tháng 7-2019 đến nay, lần lượt các quốc gia, nhất là các cường quốc trên khắp thế giới lên tiếng ủng hộ chủ trương thượng tôn pháp luật – vốn được VN kiên trì, quyết liệt theo đuổi trên nhiều mặt trận trong nhiều năm qua.
Chính sách 4 không của TQ
Liên quan đến vụ tàu địa chất hải dương 8, TQ nhiều lần hung hăng tuyên bố hành động của họ không sai. Thậm chí họ triển khai các lực lượng quân sự và bán quân sự nhằm đe dọa, bắt nạt VN hòng tìm kiếm ưu thế. Tuy nhiên, các lực lượng chấp pháp của VN, bên cạnh các giải pháp đối thoại vẫn kiên quyết bảo vệ vùng biển chủ quyền. Chính TQ cũng không ngờ VN phản ứng rất cương quyết. Vậy nên giới quan sát nhận định ý đồ của TQ khi đưa tàu khảo sát, tàu chiến, tàu dân quân biển đến dọa nạt đã thất bại.
Quan trọng hơn, TQ thất bại trong việc đưa ra một giải pháp khả dĩ để giải quyết xung đột. Lập trường của Bắc Kinh lâu nay rất mâu thuẫn. Thứ nhất, Bắc Kinh vừa khẳng định sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế mà điển hình là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) để giải quyết xung đột nhưng mặt khác lại cố chấp theo đuổi chính sách bốn không: Không tham gia, không công nhận thẩm quyền của tòa, không chấp nhận và không thi hành phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 mà cơ sở pháp lý chính là UNCLOS.
Thứ hai, TQ vừa tuyên bố muốn giải quyết vấn đề biển Đông qua Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) với các nước ASEAN nhưng mặt khác lại yêu cầu chỉ thương thuyết với từng quốc gia đơn lẻ và cự tuyệt hoạt động hợp pháp của các nước thứ ba, bao gồm Mỹ, Úc, Anh, Nhật Bản,… Nói nôm na, TQ muốn cô lập các quốc gia biển Đông bằng luật chơi riêng do Bắc Kinh định ra và dùng sức mạnh cơ bắp, thay vì luật pháp, để thực hiện ý đồ.
Trái lại với TQ, VN tôn trọng các quy tắc chung của cộng đồng quốc tế, điển hình là UNCLOS vốn đại diện cho ý chí của cộng đồng quốc tế trong hơn 35 năm qua. Không chỉ tuyên bố ủng hộ UNCLOS, ngay sau phán quyết của Tòa Trọng tài 2016, Bộ Ngoại giao VN đã ra thông cáo hoan nghênh việc tòa ra phán quyết này.
VN cũng khẳng định lập trường đa phương (chứ không phải song phương kiểu TQ) trong giải quyết tranh chấp. “VN đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh trong khu vực, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng nhiều lần khẳng định.
Quốc tế đứng cùng phía Việt Nam
Rõ ràng, lập trường giải quyết mâu thuẫn ở biển Đông của VN và TQ hoàn toàn trái ngược. VN nỗ lực đối thoại và theo đuổi nguyên tắc hòa bình, thượng tôn pháp luật. Dù VN cương quyết bảo vệ yêu sách dựa trên luật quốc tế nhưng vẫn thận trọng ứng xử ở thực địa để tránh làm phức tạp tình hình, tránh xung đột không cần thiết.
Trong khi đó, TQ triển khai nhiều lực lượng đồn trú trên các thực thể mà nước này chiếm đóng, cải tạo thành đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của VN). TQ muốn dùng sức mạnh cơ bắp, “xét lại” luật quốc tế, đẩy cộng đồng quốc tế ra khỏi biển Đông nhằm thực hiện ý đồ độc chiếm khu vực.
Sự hiện diện của các lực lượng hải quân quốc tế tại biển Đông là bình thường và Anh không phải ngoại lệ. Anh có lợi ích lâu dài tại khu vực và sẽ tiếp tục duy trì an ninh khu vực. Chúng tôi cam kết thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế.
Cho đến nay, các quốc gia lớn trên thế giới lần lượt tuyên bố lập trường hoàn toàn phù hợp với quan điểm và yêu sách của phía VN. Trong đó có Mỹ, Anh, Pháp là ba trong năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Liên quan vụ tàu địa chất hải dương 8, hôm 26-8, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng ra thông cáo “TQ leo thang áp bức nhằm vào hoạt động dầu khí lâu đời của VN ở biển Đông”. Trước đó (ngày 23-8), Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định hành động của TQ làm suy yếu hòa bình, an ninh khu vực; chứng minh TQ coi thường quyền của các quốc gia thực hiện hoạt động kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.
Cũng trong cuối tháng 8, Bộ Ngoại giao Anh phát đi tuyên bố chung Anh, Pháp và Đức, khẳng định sự quan ngại về tình hình căng thẳng ở biển Đông. Cả ba nước lo rằng tình thế hiện nay có thể dẫn tới “mất an ninh và ổn định trong khu vực”. Tương tự, người phát ngôn ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) khẳng định: “Các hành động đơn phương gần đây ở biển Đông đã khiến căng thẳng gia tăng và sự suy thoái môi trường an ninh hàng hải”.
Trong chuyến thăm VN vào cuối tháng 8-2019, Thủ tướng Úc Scott Morrison bày tỏ quan ngại trước hành động cản trở các dự án dầu khí được triển khai lâu nay ở biển Đông. Trước đó không lâu, Ngoại trưởng Úc Marise Payne, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cùng ra tuyên bố chung lên án hành vi ngày càng hung hăng của TQ ở biển Đông.
Hôm 4-9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông tại TP Vladivostok, phái đoàn hai nước Nga và Ấn Độ đã ký biên bản ghi nhớ về thành lập một tuyến thông thương hàng hải mới. Theo ông Rajeev Ranjan Chaturvedy thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Ấn Độ dường như đang rất lo ngại về TQ và động thái theo đuổi yêu sách chủ quyền phi pháp của nước này ở biển Đông.
“Nỗi lo này là động lực để Ấn Độ phát triển khả năng giám sát trên biển để có thể kịp thời phát hiện mọi diễn biến nguy hiểm có nguy cơ đe dọa lợi ích của nước này” – vị chuyên gia nói.
Anh sắp đưa tàu sân bay đến biển Đông
Bộ Quốc phòng Anh đang lên kế hoạch triển khai tàu sân bay HMS Elizabeth đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2021, trong đó có biển Đông. Năm 2017, Thủ tướng Anh Boris Johnson (khi đó còn là ngoại trưởng Anh) tuyên bố sẽ triển khai hai tàu sân bay mới, gồm HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales, đến biển Đông để tuần tra, duy trì quyền tự do hàng hải.
Động thái này được cho là nhằm cùng Mỹ và các nước đối trọng TQ ở biển Đông. Hè năm ngoái, tàu chiến Hải quân Hoàng gia Anh HMS Albion di chuyển tới gần quần đảo Hoàng Sa (của VN) bất chấp Bắc Kinh vô lý phản đối.
theo PLO