Trái với quan điểm của số đông cho rằng việc tăng giá sẽ tác động tiêu cực đến doanh số bán hàng, Chanel đã chứng minh vị thế hàng đầu khi càng đắt, lại càng được săn đón.
Sau một năm đầy biến động với doanh thu giảm 18% và nhiều cửa hàng đóng cửa, Chanel đang tăng giá một số sản phẩm túi xách của mình lên tới 15%. Vốn dĩ những chiếc túi này đã có giá tới hàng nghìn USD, vì vậy việc tăng giá lần này khiến nhiều người thắc mắc.
Trong thời điểm mà hàng triệu người vẫn đang bị ảnh hưởng do đại dịch, liệu việc tăng giá sản phẩm có phải là một động thái thông minh?
Thực tế là trong vòng 2 năm qua, giá một số mẫu túi cổ điển của Chanel đã tăng gần 25%. Tuy nhiên những động thái mới của hàng thời trang xa xỉ này vẫn khiến người tiêu dùng ngỡ ngàng.
Đối với một số người, túi xa xỉ là một trong những khoản đầu tư lý tưởng. Tuy nhiên trong hoàn cảnh hiện tại, việc Chanel tiếp tục nâng giá các sản phẩm có thể nói là một chiến lược đầy mạo hiểm.
Lý giải về quyết định của nhà mốt Chanel, chúng ta có thể nhìn vào những căn cứ sau đây:
Thứ nhất, không chỉ mình Chanel tăng giá
Các hãng thời trang như Louis Vuitton, Dior, Burrbery, Prada hay Gucci… cũng đều nâng giá sản phẩm của mình. Lý do Chanel nhận được nhiều sự chú ý vì đây là một trong những hãng thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới.
Đơn cử như Pochette Accessories, mẫu túi hot seller của Louis Vuitton, đã tăng đến 25% giá trị. Đây được xem như giải pháp để các thương hiệu xa xỉ đối phó với tình trạng lạm phát.
Đại dịch khiến nguồn cung về chất liệu cũng như quá trình lưu thông gặp nhiều khó khăn. Do đó các nhà mốt bắt buộc phải thay đổi để cân bằng chi phí trước khi rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách.
Thứ hai, Chanel hiểu rõ khách hàng của mình
“Rolex nâng giá 7-10% vào đầu năm 2020 và đang hạn chế nguồn cung. Kết quả là gì? Nhu cầu khách hàng ngày càng bùng nổ và giá trị thương hiệu tăng mạnh”, Tom Morton – Giám đốc chiến lược toàn cầu tại R/GA cho biết.
Tương tự, nhà mốt đến từ Pháp hoàn toàn hiểu được tâm lý của các ”thượng đế”. Đối với những người đam mê thời trang đặc biệt là túi Chanel, họ đều có gắng để có thể sở hữu mẫu túi yêu thích, bất kể giá cao và khan hiếm như thế nào.
Những dòng túi kinh điển đều được giới hạn sản xuất và hạn chế bán ra. Để chạm tay vào chúng, nhiều khách hàng sẽ phải nhẫn nại với chờ đợi. Và đây được coi là một trong những yếu tố khiến những sản phẩn của Chanel được săn đón.
“Một khi đã tự đặt mình vào danh sách chờ thì giá cả không thành vấn đề”, ngài Morton chia sẻ.
Thứ ba, giá trị thương hiệu xứng tầm
Với lịch sử gần trăm năm, túi Chanel không đơn thuần là phụ kiện thời trang mà đã trở thành một dạng Hàng hóa Veblen (Veblen Goods). Đây là thuật ngữ để chỉ loại hàng hóa mà nhu cầu tăng khi giá tăng. Vì tính chất độc đáo và hấp dẫn này mà nó được coi như là một biểu tượng của địa vị.
Không có sản phẩm nào thật sự thay thế được Hàng hóa Veblen. Đó là lý do phát sinh khái niệm hàng nhái. Và hơn cả, chẳng ma nào thèm nhái những thương hiệu mà ai ai cũng chạm tay vào dễ dàng như Charles & Keith hay Pedro.
Tập trung chiến lược phát triển nhắm đến nhóm khách hàng cao cấp
Tatiana Dumitru, một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực tư vấn chiến lược thương hiệu đã khẳng định: “Thị trường thứ cấp của Chanel là những khách hàng chưa đủ tiền để mua. Họ sắm đồ hiệu để tận hưởng cảm giác xa xỉ mà sản phẩm mang lại thay vì các lý do sử dụng hợp lý”.
Thực tế thì chênh lệch 15% mức giá sẽ khiến nhiều người do dự hơn đối với các sản phẩm của Chanel. Vậy nhà mốt Pháp có quan ngại điều này? Câu trả lời là KHÔNG.
Các chuyên gia đã chỉ ra một góc nhìn hoàn toàn mới: Một thương hiệu chủ động để bị mất khách không hẳn là tệ, mặc dù thoạt nghe sẽ thấy phũ phàng. Bởi làm vậy, họ có thể toàn tâm toàn ý phục vụ nhóm khách hàng quen thuộc. Đây mới chính là nhóm mang lại nhiều lợi nhuận nhất.
Việc chủ động thu hẹp đối tượng của hãng mang lại cho người mua những trải nghiệm tuyệt vời nhất. Chính điều này giúp thương hiệu bảo toàn vị thế lâu dài.
Và cuối cùng, Chanel tác động đến thị trường bán lại
Túi Chanel vẫn được săn lùng nhiều nhất trên thị trường bán lại và giá của những chiếc túi có tình trạng tốt và nguyên sơ vẫn đang tăng lên trong suốt 10 năm qua. Ngày nay, dù ở thị trường second-hand thì giá trị của những mẫu túi này vẫn không hề bị mất giá.
Ngược lại, trong bối cảnh tăng giá như hiện tại, Chanel đang thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư. Lý do là vì người tiêu dùng có thể yên tâm rằng dòng sản phẩm đang được phát triển mạnh thì có có thể dễ dàng sang nhượng lại trong tương lai.
Trên thực tế, nhà mốt Pháp đang vô tình thúc đẩy thị trường này. Bởi đối với những tín đồ thời trang, ai cũng biết túi Chanel có giá bán lại thuộc diện cao nhất và được săn lùng nhiều nhất.
Có thể nói đây là một kế hoạch triển vọng của Chanel. Với cách tăng giá sản phẩm, họ đã có thể bảo toàn vị thế thương hiệu cũng như mang tới lợi ích dài hơi cho khách hàng.
Nguồn: Sotheby’s, Yahoo, Purseblog-Thùy Anh-Theo Nhịp sống kinh tế