Với Twitter, Elon Musk có thể tạo nên lịch sử, làm được điều mà cả Mark Zuckerberg và Sundar Pichai đều chưa thực hiện nổi.
Hãng tin Bloomberg cho hay Elon Musk đang cố biến Twitter thành một siêu ứng dụng bao gồm các dịch vụ tài chính trực tuyến. Tuy nhiên đây cũng chính là điều mà cả Google lẫn Facebook đều đã từng cố gắng nhưng thất bại.
Meta (Facebook) đã dành nhiều năm đầu tư cho dự án tiền số Libra với kỳ vọng xây dựng một hệ thống thanh toán chéo xuyên các nền tảng, thế nhưng rào cản từ pháp luật và sự nghi ngờ của các nhà hoạch định chính sách về dự án này đã chấm dứt tất cả.
Tương tự, Alphabet (Google) cũng đã từng lên kế hoạch ra mắt dịch vụ tài chính trực tuyến, thậm chí đàm phán với 11 ngân hàng thành công, để rồi bất ngờ dừng toàn bộ dự án ngay trước thời điểm công bố.
Thậm chí cả Amazon của Jeff Bezos cũng đã xem xét kế hoạch mở các tài khoản giao dịch cho khách hàng để tiện việc thanh toán nhưng dự án này chưa bao giờ trở thành hiện thực.
Tất nhiên, Elon Musk không phải Mark Zuckerberg hay Sundar Pichai.
Hãng tin Bloomberg nhận định những bước đi của nhà sáng lập Tesla này luôn khó đoán, nhất là sau những gì vị tỷ phú này làm với Twitter. Đồng thời, Elon Musk cũng đã từng có kinh nghiệm trong mảng tài chính trực tuyến khi chính ông là người sáng lập nên X.com, tiền thân của Paypal sau này.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia nhận định bước đi mang tính lịch sử của Elon Musk sẽ là một chặng đường chông gai tốn thời gian khi mảng tài chính cần sự tin tưởng rất nhiều từ nhà đầu tư, khách hàng cũng như các cơ quan chức năng do chúng có liên quan đến sự ổn định của nền kinh tế.
“Tôi không nói rằng ông ấy sẽ không làm được nhưng đây là mục tiêu cần tốn thời gian, công sức bởi bạn sẽ phải đảm bảo mình làm đúng mọi thứ để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế đầy khốc liệt hiện nay”, giám đốc Pranav Sood của Airwallex nhận định.
Siêu ứng dụng “X” của Elon Musk sẽ kết nối cơ sở hạ tầng của Twitter với X.com, một địa chỉ web được thiết kế trở thành lớp giao diện đa phương tiện cho giấc mơ của tỷ phú nhà Tesla.
Trong bức thư của CEO Linda Yaccarino thuộc Twitter, vị nữ giám đốc này đã nhấn mạnh “X” sẽ bao gồm những tính năng tài chính trực tuyến như thanh toán và các dịch vụ ngân hàng. Mạng xã hội này đã được cấp phép thực hiện dịch vụ chuyển tiền tại 4 bang của Mỹ là Arizona, Michigan, Missouri và New Hampshire.
Trên thực tế, việc biến Twitter thành một siêu ứng dụng đã được Elon Musk đề cập đến vào năm 2022 trong quá trình thương thảo mua lại mạng xã hội này.
Nhà sáng lập Tesla đã bày tỏ quan điểm muốn học tập thành công của WeChat-Tencent, một siêu ứng dụng ở Trung Quốc với hơn 1 tỷ người dùng mỗi ngày. Siêu ứng dụng Trung Quốc này cho phép người dùng gửi tiền cho nhau, thanh toán trực tuyến và thậm chí là vay nợ.
Với khoản tài sản lên đến 238,9 tỷ USD và danh hiệu người giàu nhất thế giới, Elon Musk tự tin có thể lặp lại thành công của WeChat, thế nhưng nhiều chuyên gia cho rằng để xây dựng được lòng tin với người tiêu dùng và doanh nghiệp thì cần sự tin tưởng khá lớn. Đây lại là điều Elon Musk gây hoang mang trước những gì ông đã và đang làm với Twitter.
Bài học Trung Quốc
Theo Bloomberg, các nền tảng công nghệ Phương Tây đang cố gắng kiếm thêm tiền từ tệp khách hàng của mình bằng cách tung ra những dịch vụ mới, bao gồm cả các dự án tài chính trực tuyến như Elon Musk đang theo đuổi. Sự thành công quá lớn của WeChat và Alipay tại Trung Quốc đã thôi thúc hàng loạt nền tảng, từ Facebook, Twitter cho đến Google sao chép những nước đi này.
Thế nhưng trái với Trung Quốc, các nền tảng Phương Tây lại chưa thể thành công như WeChat hay Alipay do sự cản trở từ những nhà hoạch định chính sách hay các cơ quan làm luật.
Ví dụ như Facebook tung ra Libra Association năm 2019 như một dự án tiền số để hãng cùng các đối tác và người dùng có thể thanh toán, trao đổi dễ dàng hơn. Thế nhưng ngay lập tức, các cơ quan chức năng và giới chính trị đã vào cuộc, yêu cầu Facebook ngừng dự án này lại. Áp lực quá lớn khiến các đối tác của dự án này như Mastercard hay Visa đều rời bỏ liên minh chỉ sau vài tháng.
Trường hợp của Google cũng chẳng khá hơn khi cố thử nghiệm, dù gặp rất nhiều khó khăn, để mời gọi các ngân hàng gia nhập ứng dụng thanh toán của mình sau khi tốn vài tháng thuyết phục thành công Citigroup năm 2022. Vậy nhưng dự án này hiện nay vẫn chưa có gì nổi trội như kỳ vọng khi vấp phải quá nhiều rào cản từ các quy định luật pháp ở Mỹ.
Thậm chí Amazon của Jeff Bezos cũng tham gia cuộc chơi vào năm 2018 khi đàm phán với JP Morgan Chase và Capital One Financial để mở dịch vụ tài chính trực tuyến nhưng kể từ đó đến nay, hãng chưa đưa ra được bất kỳ sản phẩm nào.
Ngay cả với công ty cũ của Elon Musk là Paypal cũng đã từng ham muốn đi theo thành công của WeChat. Cách đây 2 năm khi tổng giá trị vốn hóa thị trường của Paypal còn lớn hơn cả Citigroup và Goldman Sachs cộng lại, công ty này đã có ý định tham chiến mảng môi giới giao dịch chứng khoán và mở tài khoản tiết kiệm cho khách hàng.
Thế nhưng khi tốc độ tăng trưởng của mảng kinh doanh chính là thanh toán trực tuyến giảm tốc, Paypal đã buộc phải từ bỏ các dự án trên.
Giờ đây, CEO Dan Schulman của Paypal cho biết họ chỉ tập trung vào cải thiện dịch vụ thanh toán trực tuyến cốt lõi của mình thay vì tham vọng biến thành một siêu ứng dụng như trước.
“Ưu tiên hàng đầu và quan trọng nhất của chúng tôi là liên tục cải thiện trải nghiệm thanh toán trực tuyến. Đây là cốt lõi của những gì chúng tôi đang làm”, CEO Schulman nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Jeff Tijssen của hãng tư vấn Bain&Co, thị trường tài chính Mỹ rất “khó nhằn” do quá nhiều cạnh tranh cùng với sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Việc nền kinh tế số 1 thế giới phát triển được hệ thống tài chính-ngân hàng từ sớm khiến người tiêu dùng, doanh nghiệp được trải nghiệm rất nhiều dịch vụ tiên tiến, qua đó làm giảm sức hút từ những sản phẩm mới mang tính cách mạng khác.
“Bạn sẽ phải cần một sản phẩm thực sự khác biệt, nổi bật lên hoàn toàn so với thị trường thì mới giành được sự quan tâm của khách hàng”, ông Tijssen nhận định.
*Nguồn: Bloomberg-Băng Băng-Theo Nhịp sống thị trường