Với những người không có đủ tỉnh táo và bản lĩnh, thẻ tín dụng là một “cái bẫy”.
Trong tài khoản chỉ có 5 triệu nhưng vẫn có thể mua sắm, chi tiêu như thể mình đang có 50, thậm chí 100 triệu? Điều tưởng chừng phi thực tế này sẽ trở nên khả thi nếu bạn đang sở hữu một chiếc thẻ tín dụng.
Loại thẻ này đã quen thuộc với giới trẻ quá rồi, nhưng phòng khi bạn chưa biết: Thẻ tín dụng là loại thẻ mà ngân hàng “cấp” cho bạn với một hạn mức (số tiền được phép tiêu) cụ thể, thường là một con số gấp 5-10 lần lương/thu nhập tháng. Thông thường, sau 45-55 ngày, bạn sẽ phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chi tiêu; hoặc trả số dư tối thiểu của tổng số tiền đã “quẹt” từ thẻ tín dụng. Trong trường hợp số 2, bạn sẽ phải trả lãi cho phần dư nợ chưa được thanh toán.
Chính bởi những đặc điểm này mà thẻ tín dụng có thể mang lại cho người sở hữu cảm giác “mình có đầy tiền”. Bao nhiêu nước mắt cũng từ đó mà ra cả.
Thật không may, Ngọc Minh – Chàng trai 28 tuổi trong câu chuyện này lại là một trong số không ít người trẻ mắc “bẫy dư dả” khi sở hữu thẻ tín dụng.
Thanh toán dư nợ rồi lại dựa vào… dư nợ để trang trải cuộc sống – Vòng lặp quẩn quanh không hồi kết
Ngọc Minh làm việc trong lĩnh vực IT, hiện đang sinh sống ở Hà Nội.
2-3 năm trước, ở thời điểm “đỉnh cao” trong sự nghiệp, Minh có thể kiếm tới 55 triệu/tháng nếu chịu khó “cày thêm job ngoài” ngoài công việc fulltime. Tự tin với khả năng kiếm tiền của mình, lại giàu lòng trắc ẩn, cứ lần nào có nhân viên ngân hàng gọi điện “mời gọi” mở thẻ tín dụng, Minh đều “ok”.
Minh có 3 chiếc thẻ tín dụng của 3 ngân hàng khác nhau với hạn mức lần lượt là 20 – 50 – 150 triệu. Bản thân Minh chưa bao giờ nghĩ rằng 3 chiếc thẻ tín dụng này lại khiến mình rơi vào cảnh nợ đầm đìa.
Gần 2 năm trở lại đây, Minh không còn công việc fulltime, có thể coi là “thất nghiệp part time” vì thi thoảng cũng có job ngoài, nhưng không đều. Trong suốt khoảng thời gian ấy, 3 chiếc thẻ tín dụng đã “nuôi sống” Minh.
Rơi vào cơn bĩ cực, có những tháng, Minh phải rút tiền mặt từ thẻ tín dụng để đóng tiền thuê nhà. Chỉ trong khoảng 1 năm, Minh đã dùng hết hạn mức của cả 3 chiếc thẻ tín dụng này.
Mỗi tháng, Minh chỉ có thể thanh toán số dư tối thiểu của khoản tiền đã tiêu. Tháng nào kiếm được job và có tiền, Minh sẽ dồn hết lương vào thẻ tín dụng, rồi lại dùng chính số tiền ấy để trang trải cuộc sống. Vòng lặp này cứ tái đi tái lại suốt gần 2 năm qua. Tổng số dư nợ tối thiểu mà Minh phải thanh toán cho cả 3 thẻ tín dụng này lên tới 13,5 triệu/tháng.
Không dám nghĩ tới chuyện yêu đương dù đã 28 tuổi vì không có tiền
Cuộc sống của Minh chỉ bắt đầu khá khẩm hơn từ cách đây 3 tháng, sau khi tìm tìm được một công việc fulltime với mức lương net (lương thực nhận) khoảng 17,5 – 18 triệu/tháng. Nếu không có khoản nợ 220 triệu đè lên vai, đây là mức thu nhập đủ để một chàng trai độc thân trang trải cuộc sống, thậm chí còn có thể có dư.
Nhưng với Minh thì khác. Sau 3 tháng tìm được nguồn thu nhập ổn định, Minh mới thoát cảnh thanh toán dư nợ rồi lại tiêu hết khoản dư nợ đã thanh toán. Hành trình trả nợ cục nợ 220 triệu, đến đây, mới bắt đầu.
Vì để tiết kiệm chi phí thuê nhà, sinh hoạt, Minh đang ở chung với 2 người nữa. Tiền nhà và phí dịch vụ rơi vào khoảng 1,8 triệu/tháng. Vậy là sau khi trả nợ tín dụng và thanh toán tiền nhà, mỗi tháng, Minh chỉ còn khoảng 2,2 – 2,7 triệu đồng để trang trải chi phí đi lại, ăn uống.
Với số tiền còn chưa đến 3 triệu ấy, Minh cho biết bản thân không dám nghĩ đến chuyện hẹn hò, yêu đương. Thậm chí, còn không dám cho phép bản thân được ốm, được nghỉ làm vì chỉ cần lương tháng giảm 200-500k thôi là tháng đó với Minh lại thêm phần khó khăn, vật vã.
Nghĩ lại quãng thời gian từng kiếm được 50-55 triệu/tháng, Minh tự thú: “Mình thấy hối hận vô cùng vì đã quá tự tin rằng bản thân đủ giỏi để không bao giờ thất nghiệp và đủ thông minh để không bao giờ rơi vào cảnh nợ nần. Thà là nợ vì đầu tư hay nghiện lô đề, cờ bạc đi, nghe còn dễ hiểu, đằng này, mình lại nợ vì quá tự tin.
Sau này có trả được hết nợ, chắc mình vẫn không thể cho phép bản thân quên bài học này. Gần 3 năm quanh quẩn với 3 cái thẻ tín dụng khiến điểm tín dụng CIC của mình xấu lắm rồi. Không biết sau này có vay được tiền để mà cưới vợ, mua nhà không” .
Tạm kết
Sở hữu thẻ tín dụng ở thời đại này không phải là chuyện gì quá khó khăn. Chỉ cần bạn đã đi làm và nhận lương qua tài khoản ngân hàng với mức lương 5 triệu/tháng, bạn đã có thể sở hữu thẻ tín dụng với hạn mức thấp nhất là 20 triệu. Tuy nhiên, nếu không có kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm rõ ràng, việc gánh nợ vì sở hữu thẻ tín dụng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo Ngọc Linh–Theo Phụ nữ mới