Cả ngày chỉ ăn không ngồi rồi, công việc thì không muốn làm, ngay cả vợ cũng là nhờ ông ấy “chém gió” mới gạt về được, lăn lộn cả một đời mà chẳng làm nên trò trống gì, lại còn thêm thói ham rượu. Thế nhưng tại sao đến cuối cùng Lưu Bang lại có thể phản kích một đòn thắng lợi như vậy?
Vào thời Tần Nhị Thế, nhà Tần bất ngờ bị diệt vong, sau đó, Lưu Bang đã lãnh đạo một đội quân khởi nghĩa lật đổ nhà Tần, thành lập nhà Hán. Trong khi nhiều người khen ngợi Tần Thủy Hoàng là tuổi trẻ tài cao, thì song song đó, họ cũng đánh giá Lưu Bang là một người có tài nhưng thành công muộn. Nhưng trên thực tế, Lưu Bang vốn không được tính là người có tài, vì trước 48 tuổi, ông vẫn không có bất kỳ một thành tựu nào đáng kể.
Một người như Lưu Bang, nếu thật sự tồn tại ở thời đại hiện nay, nhất định sẽ bị người đời chửi mắng, đánh giá là một tên vô tích sự. Nhưng tại sao trong thời chiến loạn cuối nhà Tần, Lưu Bang lại có thể tiêu trừ tất cả các anh hùng hào kiệt, giành lấy phần thắng cuối cùng? Có rất nhiều người không hiểu nổi, nhưng thực ra, khi bạn ở cùng độ tuổi của Lưu Bang thì sẽ dễ dàng hiểu được tâm tư của ông ấy, từ đó bạn sẽ học được những bài học quý giá bên trong.
1. Từ cách đối nhân xử thế của Lưu Bang, giúp bạn học được “thỏa hiệp”
Trong suy nghĩ của nhiều người trẻ, thỏa hiệp có nghĩa là yếu đuối, trong họ tràn trề sinh lực của tuổi trẻ, vì thế việc chấp nhận thỏa hiệp là một điều rất khó khăn. Đa số sẽ chọn phương án “người đánh ta đánh”, cuối cùng chỉ tự chuốc thêm tổn hại cho mình. Nhưng trong tầm nhìn của những bậc tiền bối thì khác, thỏa hiệp thực sự có nghĩa là chúng ta chọn đi trên một con đường khác, đi đường vòng để tiến về phía trước, chứ không phải là lùi bước, đây mới đúng là ý nghĩa của thỏa hiệp.
Ví dụ, sau khi Hạng Vũ nhập quan, Lưu Bang sợ hãi, liền đi lôi kéo Hạng Bá, ông tỏ ra yếu kém nhằm kéo gần mối quan hệ giữa ông và Hạng Bá. Về sau, điều này đã dẫn đến kết cục Hạng Bá cứu sống Lưu Bang một mạng.
2. Hiểu được cái gì mới thực sự quan trọng
Lưu Bang bắt giữ Hạng Vũ ở Huỳnh Dương, nhưng lại bị Hàn Tín và Bành Việt “cướp mất”, lúc ấy Lưu Bang cũng chọn cách thỏa hiệp, sau khi vạch rõ ranh giới ở con sông Sở Hà Hán Giới, ông liền mang binh rút lui. Tuy nhiên, ngay sau đó, Lưu Bang lại đột ngột phản công, quay ngược trở lại bao vây Hạng Vũ ở đất Cai Hạ, Hạng Vũ chỉ còn một mình nhưng ông không chịu vượt sông Ngô Giang để trốn thoát, nhất quyết không thỏa hiệp, thà chết vinh chứ không sống nhục.
Đây có thể là điểm khác biệt giữa người trẻ và người trung niên. Người trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm và thường chọn chết cũng không khuất phục, nhưng người trung niên thì hiểu rõ nên chọn lựa ra sao và bản thân thực sự đang hướng tới điều gì. Lưu Bang không màng đến cái được mất ở trước mắt, điều mà ông ấy để tâm chính là tương lai lâu dài.
3. Trải qua thất bại vẫn không thoái chí ban đầu
Khi còn nhỏ, ai trong chúng ta cũng đều có ước mơ, nhưng sau khi bị xã hội vùi dập, thì người nào cũng dễ dàng từ bỏ ước mơ của mình. Lưu Bang thì khác, mặc dù cả đời vô tri vô giác, nhưng đến lúc quyết định khởi nghĩa thì ông lại xác định rất rõ mục tiêu phấn đấu trong tương lai, trải qua nhiều thất bại nhưng lúc nào ông cũng có thể bình tĩnh đứng dậy và bước tiếp. Đây có thể gọi là sự trưởng thành của những người ở độ tuổi trung niên.
Ba điểm trên là tính cách nổi bật của Lưu Bang. Những ai từng trải qua thăng trầm đều biết rằng sự xoay chuyển của cuộc đời đòi hỏi chúng ta phải giữ được lòng kiên trì và nỗ lực không ngừng mới có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra. Đây mới chính là phẩm chất quan trọng nhất giúp Lưu Bang đoạt được thiên hạ trong giây phút cuối cùng của ván cờ.
Theo Trần Anh–Doanh nghiệp và tiếp thị