Nguyễn Xuân Trường là một nhân vật thú vị. Qua bức “tâm thư” mà bạn phát hành, công chúng biết nhiều hơn đến những góc tối của cái gọi là khởi nghiệp (gọi cho sang là start up).
Chính điều này làm tôi suy nghĩ không ít. Một vài kỉ niệm còn sót lại. Đâu đó khoảng 5 hay 6 năm trước gì đấy, tôi cùng vài người bạn làm một bản kiến nghị khung pháp lý cho hoạt động của UBER tại Việt Nam. Việc làm này không mang lại bất kì một lợi ích thương mại nào. Nó chỉ đơn giản xuất phát từ cái “tự ái” của một trí thức, không cam nhìn những điều ngang trái, đôi khi có thể cản bước tiến lên của xã hội. Tất nhiên là chuyện chả đi đến đâu. Lý do cho cái chuyện không đi đến đâu thì nhiều. Tuy vậy, kết lại thì đó vẫn là một thất bại của riêng tôi, dù tôi được sự hỗ trợ rất lớn từ các bạn trong lĩnh vực Luật và đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Cũng chính từ ngày ấy, tôi có dịp tiếp cận rất gần với Big Data, ecommerce, fintech. Chính những trải nghiệm ấy đã mang lại cho tôi cơ hội được thấy những người trẻ “đốt tiền” cho cuộc chơi KHỞI NGHIỆP, phá huỷ tất cả những gì mà đôi khi gia đình chắt chiu dành dụm, trong khi nếu bình tâm hơn một chút, có thể họ đã không rơi vào cảnh như vậy.
Những nhầm lẫn về start-up
Trước khi “xuống tiền”, các bạn phải phân biệt start up (khởi nghiệp) và SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ). Nhìn vẻ ngoài thì cả hai rất giống nhau, đều là những doanh nghiệp rất khiêm tốn về mặt tiền bạc. Nhưng bản chất bên trong, chúng khác nhau hoàn toàn.
SMEs kinh doanh quan tâm đến doanh số và chi phí. Họ bán thứ có thể tạo ra lợi nhuận trong ngắn hạn (hoặc trung và dài hạn, nhưng vẫn có thể hình dung một cách tương đối rõ ràng). Trong khi đó, cái mà các start up bán là “triển vọng”. Airbnb những ngày đầu bán triển vọng thay đổi toàn bộ ngành kinh doanh lưu trú trên toàn cầu, UBER bán triển vọng thay đổi cách thức vận hành của ngành taxi.
Về nguyên tắc, một người có tiền, có ý tưởng có thể cân nhắc việc họ muốn trở thành SMEs hay muốn là start up. Trong trường hợp này luật chơi cũng rất đơn giản, muốn làm SMEs, bạn không thể đòi biên lợi nhuận quá nhiều so với đặc thù mà ngành nghề mang lại. Trong khi đó start up sẽ mang lại cho bạn danh vọng, tiền bạc đủ cả. Nhưng cái giá phải trả thì báo chí lại ít nói đến: rủi ro lớn.
Nói cho dễ hình dung. Bạn có khoảng 5 tỷ đồng. Bạn muốn làm như AHAMOVE hay mở một công ty chuyên giao hàng. Nhiệm vụ của mỗi lựa chọn là khác nhau. Chi tiết sẽ được trình bày thêm ở dưới đây.
Gà hay trứng?
Đây là câu hỏi mà CEO của AHAMOVE Nguyễn Xuân Trường đã hỏi trong “tâm thư” của mình.
Start up luôn gắn liền với qui mô thị trường rất lớn. Tại sao những ngày đầu, UBER có thể tung ra những gói cước giá rất rẻ cho khách đi xe và chiết khấu, thưởng nhiều cho tài xế? Bởi họ cần phải “làm thị trường” hoặc gọi theo ngôn ngữ chính thống là xây dựng thị trường. Việc này cần hai công đoạn:
Một là: cho khách hàng làm quen với thị trường (educating customers). Giải thích AirBnb là gì lôi thôi lắm, cho xài thử với giá rất bèo là biết liền. Sau đó, khách hàng sẽ tự khắc rủ rê bạn bè “Ê, xài thử đi, tao xài rồi. Ngon!”.
Hai là: mở rộng thị trường.
Tất cả những công việc này giao hết cho bộ phận marketing làm. Trong ngân sách 10 triệu USD để gây dựng thị trường, bộ phận marketing phải tiêu cho sạch số tiền này. Đo đếm sự thành công của bộ phận marketing được xác định thông qua việc họ đã làm cho BAO NHIÊU người Việt Nam biết đến UBER. Chuyện lời hay lỗ không thuộc phạm vi quan tâm của họ. Chiến dịch marketing kết thúc, họ mang lại một thị trường, ví dụ 10 triệu khách hàng ở các đô thị lớn của Việt Nam, bộ phận kinh doanh phải tìm cách kiếm tiền từ thị trường đó. Cái THỊ TRƯỜNG LỚN chính là giá trị của các start up để tiến hành IPO. Nhưng như trên tôi đã nói, bản chất start up chỉ bán cái TRIỂN VỌNG là bởi trước các vòng gọi vốn thứ ba hoặc thậm chí là IPO, thì các start up vẫn đang lỗ sặc máu.
Start up nghe rất “sang”. nhưng đừng Vì cái Danh “sang” mà lựa chọn những Việc lãng phí”.
Điều Kiện cần
Các start-up muốn thành công, họ cần đến hai yếu tố: (i) Vốn đầu tư và (ii) khung pháp lý vận hành.
Trong đó vốn là điều kiện đầu tiên phải tính đến. Bất kì một dự án kinh doanh nào cũng phải cần có vốn. Đối với các start-up điều ấy càng đúng. Từ ý tưởng thú vị đến chỗ thương mại hoá (hoặc hiện thực hoá) nó cần phải có sự hỗ trợ về tài chính. Một sản phẩm thú vị sẽ là vô nghĩa nếu sản phẩm ấy không được người dùng biết đến và sử dụng. Tại sao những người trẻ phải dùng Grab Food hoặc thanh toán bằng Momo? Bởi ngay từ những ngày đầu họ được hưởng lợi từ chính việc các sản phẩm này giảm giá hoặc “tặng” cho họ những lợi ích. Có một điểm chung của các start up trong những ngày đầu đưa ra sản phẩm đó là được sử dụng sản phẩm miễn phí hoặc giá rất thấp. Chi phí R&D, chi phí làm thị trường đều cần đến những khoản ngân sách khổng lồ.
Tuy vậy khi start up đã trụ vững, bắt đầu định hình một “thị trường ngách”, đó cũng là khi nảy ranh những va chạm giữa các sản phẩm mới với các lực lượng sản xuất cũ. Một cách logic, khi mà vị trí độc tôn bị đe doạ, các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống sẽ vùng vẫy. Cho nên, việc các doanh nghiệp trong ngành taxi phản ứng với sự bành trướng của Grab cần thấy rằng nó là điều bình thường.
Những doanh nhân sở hữu “start up kì lân”, họ luôn có tầm nhìn nhất quán, họ thuyết phục được các nhà đầu tư tin vào tầm nhìn của họ và trong một môi trường kinh doanh thân thiện.
Cùng với sức ép cạnh tranh, các mô hình start up sẽ làm nảy sinh những vấn dề khác như trách nhiệm đối với người dùng, thuế thu nhập, các vấn đề về lao động. Tổng hợp tất cả những điều này đòi hỏi phải có sự điều tiết của Nhà nước. Điểm mạnh và đồng thời cũng là “gót chân Achilles” đó là họ đã tạo nên những sản phẩm hoặc ngành nghề chưa từng có trước đây, vượt khỏi mọi dự đoán của nhà nước. Đó cũng là phép thử đối với các nhà nước trong việc kiểm soát đối với những ngành mới ra đời trong cách mạng công nghiệp 4.0. Những hô hào cổ xuý cách mạng 4.0 hay không chính là ở đây. Sẽ có nhiều yếu tố tác động đến việc xây dựng khung pháp lý để kiểm soát, nhưng một môi trường kinh doanh khắc nghiệt và kém cởi mở với cái mới, sẽ khiến cho những cố gắng của start up trong giai đoạn trước sẽ bị bóp nghẹt trước các quyết định hành chính. Hoặc đôi khi, các doanh nghiệp này phải chọn con đường “thoả hiệp” để cùng tồn tại song song với các ngành kinh doanh truyền thống.
Một vài nhận định về Việt Nam và gợi ý
Một quốc gia xấp xỉ 90 triệu dân với tỷ lệ người trẻ cao là mảnh đất màu mỡ của start up. Nhưng hiện trạng hiện nay của việc quản lý nhà nước đã khiến cho thị trường (start up) không phát triển như kì vọng. Sự thiếu nhất quán và khó dự đoán của pháp luật làm cho các nhà đầu tư phải chùn tay. Có lẽ chính điều đó làm cho thị trường vốn cho start up của Việt Nam kém nhộn nhịp, mặc cho các tuyên bố chính thức của Việt Nam luôn cổ xuý cho cách mạng 4.0. Một khái cạnh không thể không tính đến đó là đôi khi khung pháp lý mập mờ còn trở thành công cụ để các doanh nghiệp truyền thống sử dụng làm công cụ tranh đoạt thị trường với các start up. Các vụ kiện kéo dài làm cho chí phí kiện tụng và tuân thủ pháp lý (legal & compliance) gia tăng. Chính điều này làm cho chi phí vận hành của start up gia tăng.
Dân số đông, chính trị và an ninh ổn định là những lợi điểm lớn của Việt Nam. Cho nên muốn Việt Nam trở thành điểm đến của các “kì lân công nghệ”, Việt Nam cần phải làm nhiều hơn, trước hết là sự cởi mở về môi trường kinh doanh. Sự cởi mở không chỉ dừng lại ở việc các cấp lãnh đạo cao nhất tuyên bố ủng hộ 4.0 mà quan trọng hơn nó phải được thể hiện ở tính rõ ràng và dễ dự đoán của pháp luật, là sự hỗ trợ trong giai đoạn đầu gia nhập thị trường và cam kết tuân thủ nghiêm chỉnh qui luật cạnh tranh thị trường.
Thay lời Kết
Start up là kinh doanh, không phải là nơi để những “đứa trẻ to xác” thể hiện. Ý tưởng kinh doanh có thể là của những người trẻ, nhưng tiền cho dự án là của những nhà đầu tư lão luyện. Họ không khi nào mang tiền để một vài người nào đó “đốt” cho cái tôi của tuổi trẻ. Start up nghe rất “sang”. Nhưng đừng vì cái danh “sang” mà lựa chọn những việc lãng phí. Một start up mà không dự liệu được lộ trình và kế hoạch huy động vốn, không biết “vốn có trước hay thị trường có trước” thì dự án chết là chuyện bình thường.
Thế nên, những người trẻ hãy luôn khao khát, hãy luôn mơ những giấc mơ lớn. Nhưng những doanh nhân sở hữu “start up kì lân”, họ luôn có tầm nhìn nhất quán, họ thuyết phục được các nhà đầu tư tin vào tầm nhìn của họ và trong một môi trường kinh doanh thân thiện. Quan sát thị trường start up trong thời gian qua, có thể tạm kết luận thiếu một trong những yếu tố này thì con đường đến thành công chỉ nằm trong những giấc mơ của tuổi trẻ.
Phạm Hoài Huấn