Từ năm 2012, khi mà những khái niệm biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, tín chỉ carbon,… chưa được nhắc đến nhiều và “nóng” như hiện nay, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã đánh giá những vấn đề này trong một bài phát biểu công khai.
Trong ngày hội các nhà đầu tư 2012, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã có một bài phát biểu về khởi nghiệp với nhiều quan điểm đáng chú ý.
Chẳng hạn, ông nói khi lựa chọn chiến lược, từ quy mô quốc gia, doanh nghiệp hay cá nhân, điều đầu tiên là phải tìm ra thế mạnh lớn, sở trường của mình? Sở trường của mình có nhưng phải là cái mà thế giới cần, đó là lựa chọn tối ưu nhất. Còn lựa chọn thứ không phải năng lực của mình, và thế giới lại không cần, mình cạnh tranh không lại thì tôi gọi là chiến lược “tự sát”. Càng làm sẽ càng tự sát!
Với lợi thế của Việt Nam là đất nước nông nghiệp, 80% là nông dân, ông Vũ cho rằng phải xem nông nghiệp không đơn thuần là ngành kinh tế, nó giúp bảo vệ môi trường sống, xanh bền vững.
“Chính cái này nếu biết làm thì tạo ra được tiền. Vì hiện tại trên thế giới có cơ chế, có những quỹ trao đổi Carbon, chúng ta có thể tranh thủ để làm ra rất nhiều tiền“, Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên đã đánh giá khả năng kiếm tiền từ “tín chỉ carbon” vào năm 2012.
Ông Vũ diễn giải tới tầm quan trọng của nông nghiệp khi dân số ngày càng đông, học thuyết Malthus đã bắt đầu phát huy tác dụng. Một ví dụ đưa ra là đất nước Trung Quốc, đất đai rộng lớn, nhưng các nhà khoa học đã tính toán, dù rằng ứng dụng những công nghệ mới nhất, những thành tựu tiến bộ nhất trong khoa học thì đất canh tác chỉ nuôi đủ 900 triệu người, còn 400 triệu người ở đâu, trong khi dân số vẫn tiếp tục tăng lên?
Vua Cà phê cho rằng, biến đổi khí hậu nóng lên của trái đất, chắc chắn đất nông nghiệp canh tác bị thu hẹp rất nhiều, ảnh hưởng và đe dọa an ninh lương thực. Cuộc khủng hoảng an ninh lương thực sẽ ngày càng trầm trọng, dẫn đến những khủng hoảng khác.
Ông chủ Trung Nguyên kết luận: “Lương thực ngày càng đắt giá, luôn tăng và không bao giờ xuống nữa. Quan điểm mới về nông nghiệp của chúng ta là phải toàn chuỗi, liên thông, liên hoàn, khi đó thịnh vượng kinh tế sẽ khác. Khi đó mới có thể làm giàu từ nông nghiệp, chứ không phải nghĩ đến nông nghiệp là nghèo đói, nghĩ đến nông nghiệp là lạc hậu”.
Thomas Malthus (1766 – 1834) là mục sư, nhà kinh tế học người Anh. Ông là một trong những người đầu tiên phân tích ý nghĩa của việc tăng dân số đối với việc phát triển xã hội. Quan điểm cơ bản của thuyết Malthus là thuyết “nhân mãn”, có nghĩa là: Tình trạng dân số quá đông tại một vùng nào đó so với điều kiện thiên nhiên.
Học thuyết Malthus (Thomas Robert Malthus) có nội dung cơ bản như sau: Dân số thế giới cứ 25 năm lại tăng gấp đôi và tăng lên như vậy từ thời kì này sang thời kì khác, theo cấp số nhân: 1, 2, 4, 8, 16, 32, 64, 128, 256. Trong khi đó, dựa vào qui luật “độ màu mỡ của đất đai giảm dần” ông cho rằng của cải vật chất chỉ tăng theo cấp số cộng: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9… Trong điều kiện thuận lợi, dân số, nếu tăng theo cấp số nhân sẽ đạt số lượng gấp đôi sau 20-25 năm, còn sản xuất thực phẩm và đồ tiêu dùng cần thiết chỉ tăng theo cấp số cộng, thì (dân số) sẽ không thể tăng thêm với tốc độ đó. Khi đó, do bùng nổ dân số, nghèo đói sẽ đe dọa vận mệnh toàn nhân loại.
Hơn 10 năm sau bài phát biểu của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, tình hình thị trường tín chỉ carbon đang trở thành một vấn đề thời sự nóng hổi khi phát triển rất nhanh do nhiều nước trên thế giới thực hiện lộ trình Net Zero – phát thải ròng bằng 0.
Điều này đẩy tín chỉ carbon có thể tăng từ 50 USD/tấn CO2e lên tới 150 USD vào năm 2035, thậm chí 250 USD vào năm 2050.
Tại Việt Nam, từ năm 2012, Việt Nam đã tham gia và tích cực chuẩn bị cho quá trình hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước, tiến tới hội nhập với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, phải đến ngày 07/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Theo đó, lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước mới được vạch rõ.
Đó cũng là yêu cầu cấp bách khi từ năm 2021, Việt Nam bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải theo cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Nhìn ra thế giới, hiện có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon, với tổng lượng khí nhà kính được kiểm soát 12 tỷ tấn CO2 tương đương, chiếm 22,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Đây là hướng đi tiềm năng bởi chỉ tính riêng năm 2019, nguồn thu từ định giá carbon toàn cầu lên đến 45 tỷ USD.
Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt khi ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu bước sang giai đoạn mới. Việt Nam ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, có thể thu về hàng trăm triệu USD.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 – Net Zero vào năm 2050 sẽ khiến thị trường tín chỉ carbon sẽ trở nên rất sôi động. Trước đây, giá của sản phẩm này chỉ khoảng 50 USD/tấn CO2e thì tới năm 2035 có thể tăng lên mức trung bình 120 – 150 USD/tấn CO2e. Đến năm 2050, giá có thể đạt tới 250 USD/tấn CO2e. Đây là mức giá mà các tổ chức, doanh nghiệp sẽ phải tự quyết định nên giảm lượng khí thải hay sẽ tiếp tục gây ô nhiễm và trả tiền cho phát thải đó.
Tín chỉ các-bon là giấy phép hoặc giấy chứng nhận cho phép chủ sở hữu nó, ví dụ như công ty, phát thải khí CO2 hoặc các loại khí nhà kính khác. Mỗi tín chỉ giới hạn lượng phát thải đến một tấn CO2. Mục tiêu cuối cùng của tín chỉ các-bon là giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.
Theo chương trình mua bán phát thải, một công ty có lượng phát thải thực thấp hơn mức giới hạn của nó có thể bán phần tín chỉ chưa dùng cho một công ty khác phát thải vượt quá mức giới hạn.
Bằng cách tăng tiền phạt, các cơ quan quản lí có thể làm cho việc mua bán tín chỉ trở nên hấp dẫn hơn. Họ cũng có thể giảm số tín chỉ phát hành mỗi năm, làm cho tín chỉ có giá trị hơn trong thị trường mua bán phát thải và tạo ra động lực cho các công ty đầu tư vào công nghệ sạch khi nó trở nên rẻ hơn so với việc mua tín chỉ các-bon hoặc nộp tiền phạt.
An Vũ-Theo Nhịp sống thị trường