“Thắng là do bản thân, thua lại đổ lỗi cho hoàn cảnh.” Đó là thói quen tư duy của không ít người, nhưng lại bị vị triệu phú này chỉ thẳng ra sai lầm.
Bất cứ ai trong chúng ta đều đôi lần đứng trước những sự lựa chọn. Có khi nó dễ dàng như tối nay mình nên ăn xôi hay lót dạ bằng một tô phở, nhưng cũng có những quyết định sẽ định đoạt cả tương lai của mình. Và khi gặp thất bại, họ lại đổ hết lỗi cho người khác, mà quên mất bản thân mới chính là người lựa chọn.
Giống như Stephen Covey từng nói, “Tôi không phải là sản phẩm của hoàn cảnh. Tôi là sản phẩm của những quyết định của mình.”
99% thất bại đến từ những người có thói quen bao biện
Một nghiên cứu gần đây từ Đại học Columbia chỉ ra rằng chúng ta bị sa lầy với hơn 70 quyết định mỗi ngày. Số lượng lớn này dẫn đến một hiện tượng là quyết định mệt mỏi. Ở trạng thái này, não bộ có thể ở trạng thái căng thẳng.
Theo một nghiên cứu khác của Đại học Texas, ngay cả khi bộ não của chúng ta không mệt mỏi thì chúng cũng khó đưa ra quyết định tốt. Khi đưa ra một quyết định, thay vì tham khảo các kiến thức chúng ta tích lũy được, não bộ lại tập trung vào những ký ức cụ thể từng trải qua.
Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là bạn cứ chấp nhận thói quen bao biện và biến nó lớn dần.
“99% thất bại đến từ những người có thói quen bao biện”, George Washington Carver từng khẳng định như vậy. Ông là nhà hóa học đã khám phá ra 325 công dụng từ hạt lạc.
Nếu bạn muốn tạo dựng cuộc sống mơ ước, bạn phải biết chịu trách nhiệm 100% cuộc sống của bản thân. Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải từ bỏ tất cả những lời nói biện minh, những câu bào chữa, những nguyên cớ tại sao bạn không thể hay chưa làm được việc gì và cả thói quen đổ lỗi cho ngoại cảnh. Bạn cần từ bỏ vĩnh viễn tất cả những hành vi trên.
Có một người đàn ông nọ tình cờ ngồi tâm sự với một triệu phú già. Anh ta kể cho ông nghe về quá trình khởi nghiệp hết lần này đến lần khác, đã dồn nhiều tâm huyết ra sao, đầu tư lớn thế nào, nhưng lúc nào cũng rơi vào cảnh thất bại.
Vị triệu phú mới hỏi: “Vậy anh nghĩ nguyên nhân là gì?”
Người đàn ông trả lời: “Chắc do số tôi đen. Lần đầu thì bị khách hàng ‘bom’, lần sau đó do đối tác bất đồng quan điểm dẫn tới đưa ra quyết định sai lầm, rồi thậm chí có lần còn bị lừa.”
Vị triệu phú tiếp tục hỏi: “Không có lấy một lần là lỗi của anh sao?”
Câu hỏi này khiến người đàn ông sững người.
Quả thật, anh lúc nào cũng nghĩ lỗi sai đến từ A, B, C… nhưng chưa bao giờ nghĩ tới điểm xuất phát, tức là bản thân mình.
Nếu một việc không xảy ra như dự tính, bạn hãy tự hỏi mình: “Tôi đã làm việc đó như thế nào? Tôi đã nghĩ gì? Niềm tin của tôi ở đâu? Tôi đã nói hay không nói điều gì? Tôi đã làm hay không làm việc gì để dẫn đến kết quả như vậy? Tôi đã làm gì khiến người ta hành động như vậy? Tiếp theo, tôi cần phải làm gì nữa để có được kết quả mong muốn?”
Bạn phải tự đặt mình vào thế luôn luôn có khả năng làm đúng, làm khác và đạt được kết quả mong muốn. Vì lý do nào đó – do không hiểu, do bỏ quên, do lo sợ, do cầu toàn hay cầu an – bạn đã lựa chọn con đường không sử dụng đến quyền năng đó. Ai có thể trả lời câu hỏi tại sao? Điều đó không phải là vấn đề. Quá khứ mãi là quá khứ. Điều quan trọng là tính từ giờ phút này trở đi, bạn lựa chọn – phải, đó chính là một sự lựa chọn – hành động như thể (đó là tất cả những việc bạn cần làm) bạn chịu trách nhiệm 100% đối với những việc xảy đến hay không xảy đến với mình.
Một công thức khiến mọi người giảm bao biện, tăng trách nhiệm cá nhân
Công thức ERO khiến ý tưởng về việc chịu trách nhiệm 100% đối với cuộc sống của chính mình trở nên rõ ràng hơn.
Giáo sư Robert Resnick, một nhà vật lý trị liệu sống tại Los Angeles, đưa ra một công thức đơn giản song lại vô cùng quan trọng. Công thức đó khiến ý tưởng về việc chịu trách nhiệm 100% đối với cuộc sống của chính mình trở nên rõ ràng hơn. Công thức đó là:
E + R = O
(Event + Response = Outcome) (Ngoại cảnh + Phản ứng = Kết quả)
Về cơ bản, ý tưởng này có nghĩa mọi kết quả bạn đạt được (dù đó có là thành công hay thất bại, giàu sang hay nghèo đói, mạnh khỏe hay ốm đau, vui vẻ hay giận dữ) đều bắt nguồn từ cách thức bạn phản ứng với ngoại cảnh.
Nếu bạn không vừa ý với những kết quả đang đạt được, đơn giản là bạn có thể thay đổi phản ứng (R – Response) của mình với ngoại cảnh (E – Event) cho tới khi đạt được kết quả (O – Outcome) mà bạn mong muốn.
Khi mà ngoại cảnh và kết quả đều là thứ bạn không thể kiểm soát, vậy hãy kiểm soát thứ duy nhất có thể: Phản ứng. Bạn có thể thay đổi cách tư duy, cách giao tiếp, thay đổi những hình ảnh trong đầu bạn và bạn còn có thể thay đổi cách ứng xử.
Bạn cần lấy lại quyền kiểm soát đối với suy nghĩ, hình ảnh, ước mơ và hành vi của mình. Ví như, tất cả những suy nghĩ, lời nói và hành động của bạn cần phải có định hướng và phù hợp với mục đích, giá trị và mục tiêu của bạn.
*Nguồn: Aboluowang, tổng hợp-Phương Thùy-Thể thao & Văn hóa