Trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 – 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an – A05).
Hôm 14/5, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Napas, Sở Công Thương TP. HCM tổ chức hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt”. Tại hội thảo, các chuyên gia nêu thực trạng bảo mật thông tin và an ninh giao dịch, đồng thời, chỉ ra các phương thức lừa đảo phổ biến.
Theo đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang nhận định, tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, có sự móc nối giữa các đối tượng trong và ngoài nước.
Do đó, năm qua, tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng ước tính khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Trong đó, có 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính và 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… liên tục nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.
Con số này rủi ro khách hàng phải đối diện trước những thách thức về an ninh, bảo mật, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao hiện nay.
Theo ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển mạnh mẽ với hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, chiếm hơn 87% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Điều này đồng nghĩa, số lượng thanh toán qua kênh di động và QR code cũng tăng trưởng nhanh chóng.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển này, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với những rủi ro và thách thức về an ninh, bảo mật, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản của người dân bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả mạo cơ quan, tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt thông tin đăng nhập và xác thực giao dịch, dẫn dụ khách hàng truy cập các đường link giả mạo, cài đặt phần mềm độc hại…
Năm 2023, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (trực thuộc Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông) ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng (tương đương 3,6% GDP).
Trong hội thảo, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an – A05) đã chỉ ra 5 phương thức lừa đảo phổ biến.
Thứ nhất, lừa đảo thông qua dịch vụ viễn thông: Tội phạm yêu cầu người dùng nâng cấp SIM điện thoại hoặc cung cấp thông tin cá nhân với lý do chuẩn hóa thông tin, kê khai thuế, định danh tài khoản. Từ đó, chúng gửi đường link chứa mã độc để chiếm đoạt số điện thoại và tài sản trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử của nạn nhân.
Thứ hai, lừa đảo trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng: Tội phạm giả mạo tin nhắn thương hiệu, email hoặc nhân viên ngân hàng để lừa người dùng cung cấp thông tin tài khoản, mã OTP với mục đích đăng ký vay online hoặc chuyển khoản. Sau đó, chúng chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Thứ ba, lừa đảo qua nền tảng OTT (Zalo, Facebook, Wechat): Tội phạm lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người bán hàng online, dẫn dụ họ nhập vào đường link giả mạo và cung cấp mã OTP để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Thứ tư, kêu gọi đầu tư tài chính: Tội phạm lôi kéo nhiều người tham gia vào các hội nhóm kín trên mạng, giả mạo “chuyên gia” để dụ đầu tư vào các sàn giao dịch giả mạo. Ban đầu, chúng tạo ra lợi nhuận ảo để thu hút người chơi nạp tiền, nhưng khi muốn rút thì không thể thực hiện được.
Thứ năm, lừa đảo qua việc tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki.
Trước tình hình lừa đảo phức tạp, người dùng cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch trực tuyến và không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản cho bất kỳ ai.
Thảo Vân-Theo An ninh Tiền tệ