Từ loại cây ít ai biết đến, những năm gần đây cây hồng nhung được nhiều người “săn” tìm. Nắm bắt cơ hội này, chị Lý Thị Thanh Xuân (35 tuổi, ngụ xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) đã mạnh dạn bắt tay vào thử nghiệm ươm giống loại cây này và đã thành công mang về nguồn thu nhập khá mỗi năm.
Hồng nhung là cây thân gỗ, tán lá to, ít bị sâu và rụng lá. Trái màu nhạt, khi chín có màu đỏ thẫm, hình dạng quả đào.
Trái chín rất thơm, khi ăn có mùi vị đặc trưng (giống trái chay ở xứ Nghệ). Tuy nhiên, trước kia cây chủ yếu được trồng làm cảnh trong chùa ở Sóc Trăng, ít được nhiều người chú ý.
Những năm gần đây, với những ưu điểm trên mà hồng nhung mang nhiều giá trị trong cảnh quan nên nhiều người tìm mua làm kiểng. Từ đó cây giống cũng trở nên hút hàng. Dần dần trái của loại cây này với hương vị thơm ngon cũng được ưa thích.
Nắm bắt nhu cầu của khách, chị Lý Thị Thanh Xuân, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã mạnh dạn ươm thử và bán rất chạy. Từ đó, chị cùng nhiều chị em địa phương quyết định thành lập tổ hợp tác ươm giống cây hồng nhung. Ðến nay tổ có 10 thành viên, chuyên thu mua trái, lấy hạt để ươm cây giống.
“Trước đây khu vực này chỉ có trong khuôn viên chùa Bốn Mặt (Sóc Trăng). Lúc đó chưa ai biết giá trị gì của cây, chỉ thấy cây đẹp, trái thơm, ngon nên trẻ con thì thường ngồi dưới gốc cây vào những ngày hè để tránh nóng, khi trái chín rụng xuống thì trẻ con nhặt ăn. Cách đây 5-6 năm, khách thập phương khi đến viếng chùa, biết đến cây hồng nhung nên tìm mua cây giống, nhưng không có”, chị Xuân kể.
Nắm bắt nhu cầu của khách thập phương về cây giống, chị thu gom trái hồng nhung ở địa phương, vừa bán trái cho người có nhu cầu thưởng thức, vừa lấy hạt để ươm cây bán giống. Mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng trên 10.000 cây giống.
“Cây hồng nhung thuộc họ thị hay còn được gọi là thị Philippines. Ngày trước ít trồng, nhưng về sau khi nhu cầu cao thì nhiều gia đình cũng trồng để bán trái, ươm hạt bán giống. Nhà thì trồng vài cây hồng nhung làm bóng mát, người thì trồng nhiều cũng vài trăm cây cũng có. Thương lái mua bán cây công trình và mua về bán giống”, chị Xuân nói.
Ðể trồng loại cây này, cần tránh nắng chiếu vào trực tiếp vì dễ gây cháy lá. Nên trồng vào mùa mưa và trồng trên đất cao để tránh ngập dẫn đến chết cây.
Cây hồng nhung trồng khoảng 3-4 năm sẽ cho trái, tùy điều kiện thổ nhưỡng. Tuy nhiên, một số cây thì không cho trái hoặc ra hoa nhưng không đậu trái do là cây đực. Mùa trái đặc sản hồng nhung rơi vào tháng 5 đến tháng 11 hằng năm.
Trái hồng nhung vừa chín tới nên ăn ngay, mùi của nó khá đặc trưng. Có 2 loại trái, trái có hạt và trái không có hạt.
Trái hồng nhung ăn rất ngon và sạch vì cây trồng hoàn toàn tự nhiên không xử lý phân thuốc. Lớp lông nhung trên trái hồng nhung gây ngứa khi chạm vào da nên trước khi ăn phải chà sạch lớp lông này, gọt bỏ lớp vỏ mỏng bên ngoài.
Hiện trái hồng nhung được chị Xuân bán trái giá từ 50.000-70.000 đồng/kg; riêng cây hồng nhung giống có giá từ 30.000-400.000 đồng/cây (tùy cây lớn nhỏ).
Nhờ cây hồng nhung đã đem lại cho chị Xuân thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm. Hiện cơ sở của chị là điểm cung cấp giống cây hồng nhung cho khách hàng trong tỉnh Sóc Trăng và ngoài tỉnh như Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh… Nhiều người cũng tìm mua về trồng trong các chùa, khu công cộng.
Ông Phạm Văn Tiễn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân, huyện Châu Thành, (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, địa phương cũng đang xây dựng hồng nhung là sản phẩm tiềm năng OCOP trong chương trình “mỗi xã một sản phẩm” để góp phần quảng bá thêm sự đa dạng sản phẩm cây trồng. Từ đó đưa cây hồng nhung trở thành cây sinh kế mang tính bền vững của người dân địa phương.
Nguyễn Trinh (Báo Cần Thơ)