Nhờ dòng nước mát lạnh nơi hạ lưu sông Gâm, anh Trịnh Văn Hà, thị trấn Na Hang (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) đã mang cá tầm lên núi phát triển chăn nuôi hiệu quả. Nhờ đó, loài cá đặc sản vốn chỉ sống ở nước lạnh giờ đã có thể phát triển an toàn ngay cả khi mùa hè oi bức.
Khởi nghiệp từ dòng sông Gâm
Sinh năm 1989, Trịnh Văn Hà trở thành người sở hữu nhiều lồng cá nhất ở khu Bến Thủy. Sau quãng thời gian xuất khẩu lao động xứ người, Hà trở về địa phương, tìm hướng làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Năm 2017, anh khởi nghiệp với 4 lồng cá. Để có 4 lồng cá ấy, Hà đã phải thế chấp bìa đỏ để vay ngân hàng cùng niềm tin của người mẹ.
Bố Hà mất sớm, một mình mẹ nuôi 2 anh em khôn lớn. Sự thiếu thốn tình cảm của người cha cộng với tình yêu thương của mẹ đã khiến Hà tự lập từ nhỏ và luôn có ý chí khát vọng vươn lên thoát nghèo.
Thời ấy, người dân khu vực Bến Thủy không ai xa lạ với Hà bởi hàng ngày, khi mặt trời còn chưa ló rạng, Hà đã chèo thuyền đi mua tôm, cá về để có đủ thức ăn cho các lồng cá của mình.
Hà chia sẻ, những ngày đầu, lồng cá được anh làm bằng gỗ, do làm thêm đại lý cung cấp thức ăn cho cá nên anh rất thuận lợi trong việc hỏi tư vấn kinh nghiệm chăm sóc cá từ các mối quen. Vì vậy mà những lồng cá trắm, cá lăng của anh phát triển đều, cho thu nhập ổn định.
Sau dịch Covid-19, giá cá tăng cao, tiền bán cá thu về được anh quay vòng đầu tư mở rộng quy mô lồng nuôi. Từ 4 lồng cá ban đầu, giờ anh đã sở hữu hàng trăm lồng cá với tổng trị giá vài tỷ đồng.
Đưa “cá ngoại” lên núi
Tháng 6, trời Na Hang nắng như đổ lửa, hôm đó, dẫn đường cho chúng tôi là anh Dương Tiến Đạt, cán bộ trẻ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Đi đường anh Đạt giới thiệu: “Mô hình nuôi cá tầm của anh Hà đang được đánh giá rất cao, vượt trội hơn hẳn các mô hình sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng của huyện. Ở đây, kỹ thuật nuôi được làm chủ nên hạn chế được nhiều rủi ro”.
Năm 2023, sau thời gian nghiên cứu về nhiệt độ nước, thổ nhưỡng, các điều kiện tự nhiên, anh Hà triển khai mô hình nuôi cá lồng.
Anh Hà nói, đầu tư vào nuôi cá lồng với anh như một canh bạc lớn của cuộc đời. Vợ chồng anh dồn hết vốn liếng, vay thêm ngân hàng hơn 1 tỷ đồng để thực hiện.
Anh lựa chọn nơi hạ lưu sông để xây dựng lồng nuôi. Bởi ở đây, nhiệt độ nước quanh năm ổn định từ 20-26 độ, thích hợp cho cá tầm sinh sống và phát triển.
Trên địa bàn huyện cũng đã có một số mô hình nuôi cá tầm, nhưng lồng được đặt ở trên đầu nguồn chỉ nuôi được mùa đông, nhiệt độ nước khi mùa hè lên đến hơn 30 độ, cá bỏ ăn và chết. Mô hình của anh Hà là mô hình đầu tiên thành công nuôi cá tầm quanh năm trên địa bàn huyện Na Hang.
Lồng nuôi cá tầm được anh Hà xây dựng với kích thước 6 x 12 x 2,5 m, tổng thể tích nuôi 7.200 m3 (180 m3/lồng), diện tích gấp đôi lồng nuôi các loại cá khác, bảo đảm cho cá phát triển tốt.
Ngoài ra, theo anh Hà thì nuôi cá tầm sẽ khó hơn nhiều các loại cá khác bởi cá tầm là loại ăn chìm, khó quan sát được bằng mắt thường. Vì vậy, mỗi khi cho cá ăn anh phải sử dụng camera để theo dõi.
Nhân lên những điển hình kinh tế
Tận mắt chứng kiến mô hình nuôi cá tầm của anh Hà, chúng tôi thấy được sự khát khao làm giàu của người trẻ. Lứa cá đầu tiên, anh Hà lựa chọn giống cá giò tầm 4 lạng/con.
Sau 8 tháng nuôi, cá hợp thổ nhưỡng và được chăm sóc đúng quy trình đã phát triển tốt, tháng 5 vừa qua, anh đã xuất bán hơn 3 tấn cá tầm. Với giá bán hiện tại 250 – 300 nghìn đồng/kg, anh thu về gần 900 triệu đồng.
Nhờ nắm vững kỹ thuật xây dựng lồng nuôi, kỹ thuật chăm sóc mà lứa cá đầu tiên của anh Hà không gặp nhiều khó khăn, cá giống sinh trưởng tốt, tỷ lệ chết ở mức cho phép.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi cá tầm, nhiều gia đình cũng đến học tập kinh nghiệm và bắt đầu xây dựng lồng nuôi.
Anh Phạm Văn Phương, thị trấn Na Hang chia sẻ, anh mới xây dựng xong 2 lồng nuôi cá tầm. Hiện tại, anh đang đợi thời tiết thuận lợi để thả cá giống. Hy vọng, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ anh Hà, cá tầm của gia đình anh sẽ phát triển thuận lợi.
Theo anh Hà, cá tầm là loài ăn chìm nên khi ăn phải theo dõi bằng camera.
Anh Hà hiện là thành viên của Hợp tác xã thủy sản Na Hang, với mô hình nuôi cá lồng anh đang tạo việc làm ổn định cho 5 lao động tại địa phương với mức lương 6 triệu đồng/tháng và nuôi ăn ở.
Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang cho biết, mô hình nuôi cá tầm của anh Trịnh Văn Hà đang cho hiệu quả kinh tế cao. Đây sẽ là điểm nhấn mới trong việc phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của huyện.
Hiện tại, anh Hà đang liên kết với Công ty Bảo Minh (TP Hải Phòng) để triển khai mô hình ươm cá giống tại lòng hồ. Anh cũng hy vọng, mô hình ươm cá giống sẽ thành công để giảm bớt chi phí chăn nuôi, tạo cơ hội để nhân rộng mô hình nuôi cá tầm đến với người dân trên địa bàn.
Giữa mênh mông đất trời những dòng nước mát lành, trong xanh đã và đang chảy miệt mài. Và tin chắc rằng, những lồng cá tầm trên khu vực hạ lưu sông Gâm của anh Hà hôm nay sẽ ngày càng nhiều hơn, góp phần nhân lên những niềm vui và trở thành một địa chỉ tin cậy, “thương hiệu” lớn về cung cấp cá tầm trong tương lai không xa…
Thu Trang (Báo Tuyên Quang)