CafeLand – Kosta Peric là một chuyên gia kiệt xuất về công nghệ và là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng và sáng tạo. Ông được xem là một trong những bậc thầy lĩnh vực công nghệ trong tài chính hàng đầu trên toàn thế giới.
Hiện nay, Kosta Peric là Phó Giám đốc, tại bộ phận Dịch vụ tài chính dành cho người nghèo thuộc Quỹ Bill & Melinda Gates. Đây là nơi ông dẫn dắt các đồng nghiệp của mình tập trung vào hai lĩnh vực chính là tài chính và thanh toán kỹ thuật số. Từ quản trị thông qua các mô hình kinh doanh đến công nghệ, từ ý tưởng thông qua kế hoạch đến phát triển, ông giám sát chiến lược và tài trợ để cung cấp các giải pháp thanh toán kỹ thuật số và tài chính toàn diện an toàn, đáng tin cậy với giá cả phải chăng.
Ông Kosta Peric tiên phong trong nỗ lực để xây dựng hệ thống tài chính kỹ thuật số. Nếu thành công thì dịch vụ tài chính này sẽ có thể áp dụng cho toàn thế giới bằng cách tạo dựng các kênh hỗ trợ tài chính theo nhu cầu của người sử dụng. Trong cuộc phỏng vấn hấp dẫn sau đây, ông Kosta Peric cho chúng ta biết về nền tảng của bản thân, những thách thức hiện tại khi làm việc tại Quỹ Bill & Melinda Gates và tầm nhìn tích cực của ông về một tương lai tài chính toàn diện và thịnh vượng cho tất cả mọi người.
Ông có thể chia sẽ với chúng tôi về trình độ học vấn và nghề nghiệp của bản thân không?
Tôi sinh ra ở Belgrade, nơi sau đó là Nam Tư và bây giờ là Serbia. Cha tôi, một nhà địa vật lý. Khi tôi 11 tuổi,, ông đã đưa gia đình chúng tôi đến Cộng hòa Burundi nơi ông làm việc cho Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc. Tôi học nói tiếng Pháp ở Burundi và khi tôi 17 tuổi, tôi đến Bỉ để lấy bằng thạc sĩ về khoa học máy tính tại Đại học Tự do Brussels.
Tôi đã ở lại Bỉ trong 30 năm, làm việc cho một số công ty, bao gồm cả SWIFT (Nhà cung cấp toàn cầu dịch vụ tài chính an toàn). Vợ tôi và tôi chuyển đến Seattle, Hoa Kỳ hai năm trước khi tôi bắt đầu tập trung vào lĩnh vực tài chính toàn diện cho bộ phận Dịch vụ Tài chính cho Người nghèo tại Quỹ Bill và Melinda Gates.
Ông cảm thấy sẽ như thế nào khi chúng ta xây dựng một thế giới dữ liệu song song tuyệt vời?
Tôi thấy việc số hóa danh tính và tài sản có tác động rất lớn đến những người nghèo không có tài sản trong ngân hàng. Thay vì hoạt động trong nền kinh tế vật chất dựa trên tiền mặt khiến họ gặp bất lợi, những người nghèo có thể thiết lập danh tính số hóa cho phép họ tận dụng các dịch vụ tài chính kỹ thuật số và cuối cùng là một phần của nền kinh tế toàn cầu.
Ông nhìn nhận thế nào về bối cảnh tài chính và đổi mới hiện nay, cụ thể là cầu nối giữa những ông trùm và những tay mơ?
Tôi rất vui khi thấy sự phát triển thịnh vượng của các trung tâm hỗ trợ và vườn ươm tạo dành cho các công ty khởi nghiệp. So với năm 2008, đó là một sự thay đổi to lớn mà có lẽ tôi không dám hình dung vào thời điểm đó. Tôi cũng đánh giá cao khi thấy các ngân hàng truyền thống trở thành một phần của phong trào này. Họ không còn nằm ngoài cuộc chơi nữa; thay vào đó, công nghệ tài chính trở thành một phần quan trọng khiến họ thay đổi cơ cấu tổ chức bên trong. Và thay đổi lớn nhất là kết nối các công ty khởi nghiệp với lĩnh vực tài chính truyền thống.
Sự đổi mới trong lĩnh vực công nghệ và tài chính đã phá vỡ thế giới tài chính như chúng ta biết. Ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng công nghệ phải phổ cập với nhiều người hơn nữa để nó thực sự mang lại lợi ích. Đặc biệt, tài chính toàn diện – một phần tài chính đóng góp trực tiếp vào sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi bằng cách bao quát lên nhiều người hơn.
Khi Apple và Google tham gia vào lĩnh vực thanh toán và tài chính, ông nhận thấy vai trò của Thung lũng Silicon trong đổi mới tài chính như thế nào?
Tôi nghĩ Apple, Google, Facebook, Alibaba và các công ty công nghệ lớn khác đang ở một vị thế tuyệt vời. Họ sở hữu lượng khách hàng khổng lồ, vì vậy họ “thu hoạch” sự đổi mới thông qua các thương vụ mua lại của mình (chẳng hạn như việc mua lại WhatsApp của Facebook). Tuy nhiên, bản thân họ cũng có bất lợi – họ thường cho rằng công nghệ có sức lan tỏa ở mọi nơi trên toàn cầu.
Bạn cần phải có một khoản tiền công nghệ bên mình (bên cạnh tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng) để thực hiện thanh toán liền mạch và an toàn. Điều này đang loại trừ ngày càng nhiều người khỏi hệ thống tài chính. Tôi nghĩ cần phải có sự đổi mới nhanh chóng và tiết kiệm để đảm bảo chúng ta phải lưu ý đến nhu cầu và yêu cầu của tất cả mọi người, kể cả những người nghèo nhất.
Các biểu đồ báo cáo cho ông thấy một thế giới thực tế đang thay đổi nhanh chóng, nhưng các doanh nghiệp và tập đoàn trên toàn thế giới vẫn đang vật lộn với sự đổi mới và thay đổi. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Sự đổi mới dựa trên công nghệ trong các dịch vụ tài chính đã và đang được tiến hành. Chúng tôi nhận thấy những người dùng mới đang ngày càng tham gia nhiều hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng đang theo dõi sự chuyển động của những công ty kinh doanh tiên phong. Bây giờ, chúng tôi cần xem xét làm thế nào để cung cấp những đổi mới này cho tất cả những người dùng đương nhiệm.
Tiền điện tử – blockchain và Bitcoin – đang thúc đẩy lưu lượng đổi mới trên thế giới đối với đồng tiền. Liệu ông có thể nhìn thấy viễn cảnh sắp tới của thế giới tài chính trong nền kinh tế phức tạp hiện nay hay không?
Bitcoin và blockchain là những đổi mới hấp dẫn, đúng là như vậy, nhưng tôi thấy chúng giống như một phần của cuộc cách mạng công nghệ thanh toán. Sổ cái phân tán và blockchain đại diện cho một tiến bộ cơ bản trong công nghệ, nhưng sẽ chủ yếu tác động đến các mô hình kinh doanh. Nếu bạn có thể giảm thời gian thanh toán liên ngân hàng từ một ngày làm việc xuống chỉ vài giây bằng cách sử dụng blockchain, thì bạn sẽ thấy sự cải cách mô hình kinh doanh thực sự.
Cuối cùng, nếu công nghệ tương đối đơn giản, câu hỏi thực sự là làm thế nào để triển khai nó trong sự kiểm soát và quản lý. Đối với tiền điện tử, điều quan trọng nhất là các cơ quan quản lý phải vào cuộc. Nếu không, mọi sự đổi mới cuối cùng đều sẽ thất bại.
Ông từng viết: “Xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số mang lại lợi ích cho mọi người không chỉ đơn thuần là có được công nghệ và cơ sở hạ tầng phù hợp. Nền kinh tế hướng đến, trước hết và quan trọng nhất – là con người.” Ông có thể nói rõ hơn về điều đó và cách vận dụng nó vào thực tế không?
Những cải cách trong ngành tài chính cuối cùng phải phục vụ những người sử dụng nó. Chúng ta không thể để một phần ba nhân loại không được bảo vệ và không được kết nối. Vì vậy, chúng ta không chỉ cần suy nghĩ về cách công nghệ trong tài chính mang lại lợi ích cho người dùng ở các quốc gia phát triển đã có tài khoản ngân hàng và điện thoại thông minh, mà chúng ta còn phải nghĩ về 2 tỷ người thiếu quyền tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu và cách chúng ta có thể giúp cải thiện cuộc sống của họ.
Dương Thảo An (Richtopia)