Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) bị hủy có thể không phải là một trở ngại nghiêm trọng đối với việc ký kết thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc
Tìm kiếm địa điểm mới
Sáng 31/10, trang Wall Street Journal trích đăng nội dung Twitter của Tổng thống Trump cho biết, Trung Quốc và Mỹ đang tìm kiếm địa danh mới để ký thỏa thuận thương mại ”giai đoạn một” sau khi Chile đột ngột hủy tổ chức APEC do tình trạng biểu tình kéo dài.
Theo Tổng thống Mỹ, thỏa thuận ”giai đoạn một” này đạt 60% gói thỏa thuận và địa điểm ký kết sẽ được công bố, Alaska và Hawaii có thể là những lựa chọn tiềm năng mà Trung Quốc chấp nhận được. Còn trang Reuters dẫn nguồn tin khác từ Trung Quốc cho hay, Bắc Kinh đã đề nghị Macau là địa điểm tổ chức.
Trong một thông báo ngắn, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, các cuộc đàm phán vẫn đang được tiến hành. Các trưởng đoàn tiếp tục có cuộc điện đàm vào ngày 1/11. Người phát ngôn Nhà Trắng cũng khẳng định về cuộc điện đàm và nhấn mạnh rằng, cuộc điện đàm bao gồm Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.
Về phía báo chí, trang Bloomberg cho rằng, việc Chile hủy Hội nghị cấp cao APEC có vẻ là một cản trở mới cho triển vọng gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Báo này cũng trích dẫn nhận định của một số chuyên gia cho rằng, các quan chức Trung Quốc vẫn nghi ngờ về một thỏa thuận dài hạn, tổng thể với Mỹ mặc dù hai bên dường như đã tiến gần đến việc ký kết thỏa thuận ”giai đoạn một”.
Tiếp theo, hãng tin Reuters dẫn thông tin từ những người nắm rõ diễn biến các cuộc đàm phán cho biết, việc Tổng thống Trump yêu cầu Trung Quốc phải cam kết mua nông sản Mỹ với số lượng lớn đã trở thành rào cản đối với hai bên trong quá trình thương thảo nhằm tìm lối thoát cho cuộc chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
Cụ thể, ông Trump yêu cầu Trung Quốc mua tới 50 tỷ USD nông sản Mỹ, nhiều hơn gấp đôi lượng mua trung bình hàng năm. Giới chức Mỹ tiếp tục nêu vấn đề này ra trong các cuộc đàm phán, trong khi Bắc Kinh từ chối. Các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản của Trung Quốc muốn được tự quyết định việc mua hàng căn cứ theo tình hình cụ thể của thị trường. Chính vì vậy, với việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải mua số lượng hàng lớn như vậy sẽ buộc nhà nước phải can thiệp thì mới có thể thực hiện được.
Một quan chức Trung Quốc yêu cầu giấu tên nói: “Nếu hàng nông sản Mỹ ồ ạt vào thị trường Trung Quốc thì sẽ rất khó tiêu thụ. Trung Quốc không muốn mua nhiều sản phẩm mà người dân không cần hoặc nhu cầu không cao”.
Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi lan rộng thời gian qua cũng làm giảm đáng kể số lượng đàn lợn tại Trung Quốc, kéo theo đó là sự sụt giảm nhu cầu mua đậu nành – thành phần thức ăn chính cho lớn và cũng là mặt hàng nông sản lớn nhất mà Trung Quốc vẫn nhập từ Mỹ.
Có cần một cuộc gặp thượng đỉnh?
Đánh giá về 5 thỏa thuận thương mại mà Mỹ đã đạt được với các đối tác thương mại lớn gồm Hàn Quốc, Canada, Mexico, EU và Nhật Bản, trang Financial Times ngày 31/10 cho rằng, không có thỏa thuận nào là hoàn hảo và một số trong đó còn vi phạm các quy tắc của WTO. Các thỏa thuận đạt được đều giống như dàn xếp tạm thời chứ không phải là cam kết bền vững.
Các thỏa thuận này có 3 điểm chung. Thứ nhất, các nước phải nhượng bộ Mỹ, thậm chí là rất nhiều. Thứ hai, không thỏa thuận nào bảo đảm lâu bền, thay vì đáp ứng toàn bộ đòi hỏi của Trump, các thỏa thuận này giống như một loại phí để được yên thân trong khi chờ đợi đợt tấn công mới. Thứ ba, các thỏa thuận dù không hoàn hảo hoặc tốt cho hệ thống thương mại toàn cầu nhưng đều đáp ứng được mục đích chính trị của các bên. Bất cứ thỏa thuận nào trong số này cũng có thể bị phá vỡ.
Đơn cử như với thời hạn đánh thuế ô tô đối với châu Âu là giữa tháng 11, Brussels đang ngấm ngầm hy vọng rằng, Trump sẽ không đánh thuế nhưng điều này không có gì là chắc chắn.
Chỉ còn hơn 1 năm nữa là đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ, vì thế, cả 6 đối tác lớn (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Mexico và EU) chắc chắn đang cảm nhận được rằng, với một chính quyền thiếu xây dựng nhất trong thời hiện đại thì ”câu giờ” tốt hơn là đối đầu.
Với lý do trên, chuyên gia Alexander Lomanov Viện IMEMO (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga) nhận định, phía Bắc Kinh hoàn toàn có cơ sở để hoài nghi Tổng thống Trump. Bên cạnh đó, trong quá khứ, phía Mỹ từng 3 lần phá vỡ thỏa thuận và ông Trump đã tìm cách tổ chức cuộc gặp này vì mục tiêu chính trị trong cuộc vận động tranh cử. Đối với ông chủ Nhà Trắng, điều quan trọng nhất chỉ là muốn để các nhóm cử tri và các lực lượng chính trị thấy rằng, ông có thể kết bạn với nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Theo ông Alexander Lomanov để ký thỏa thuận này, không nhất thiết phải tổ chức cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung. Thỏa thuận ”giai đoạn một” chỉ là một văn kiện kỹ thuật tương đối nhỏ và không thể giải quyết những mâu thuẫn lâu dài trong quan hệ Trung – Mỹ. Đó là lý do tại sao sẽ không đúng nếu nói rằng cần phải tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo để ký thỏa thuận này.
”Cuộc gặp thượng đỉnh không phải để ký kết một thỏa thuận sơ bộ, mà để giải quyết các vấn đề chính trị và những mâu thuẫn đã tích lũy giữa hai bên trong các lĩnh vực khác. Nếu cả hai bên đều muốn chấm dứt cuộc chiến thương mại, thỏa thuận có thể đạt được, không cần tổ chức những cuộc gặp thượng đỉnh”, chuyên gia Alexander Lomanov bày tỏ quan điểm.
theo Thế giới & Việt Nam