Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư – Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chính thức mở gian hàng trực tuyến trên GrabMart, bán các đặc sản vùng miền như bưởi Diễn, cam sành Tiền Giang, măng nứa khô Cao Bằng, miến dong Điện Biên, thịt trâu gác bếp, lợn gác bếp, xoài sấy dẻo Mộc Châu và các mâm ngũ quả, mâm cỗ truyền thống… trước thềm Tết Nguyên đán.
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư – Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (ITPC-VCA) và Grab Việt Nam chính thức ký kết hợp tác triển khai gian hàng trực tuyến trên GrabMart.
Thông qua hợp tác này, hai bên hướng đến mục tiêu ứng dụng công nghệ trong kết nối tiêu thụ nông sản, thúc đẩy chuyển đổi số cho các hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Quan hệ hợp tác này cũng sẽ khuyến khích các nhà sản xuất nông nghiệp thử nghiệm phát triển kênh bán hàng trên GrabMart, tăng cường tiêu thụ sản phẩm nông sản trong dịp Tết Nguyên Đán 2023.
Ngay sau khi ký kết hợp tác, ITPC-VCA và Grab Việt Nam sẽ tập trung thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá tiêu thụ nông sản trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới đến người dùng tại Hà Nội. Cụ thể, cửa hàng trực tuyến của ITPC-VCA trên GrabMart dự kiến sẽ bán các đặc sản vùng miền như bưởi Diễn, cam sành Tiền Giang, măng nứa khô Cao Bằng, miến dong Điện Biên, thịt trâu gác bếp, lợn gác bếp, xoài sấy dẻo Mộc Châu… và các mâm ngũ quả, mâm cỗ truyền thống.
Về quy trình, các đặc sản vùng miền sẽ được nhập vào hệ thống siêu thị của ITPC-VCA (hiện đang có 7 cửa hàng vật lý và chuẩn bị mở rộng lên 22 cửa hàng tại Hà Nội), sau đó sẽ được giao đến tay người tiêu dùng cuối qua các shipper của GrabMart.
Bà Hà Thúy Phương, Giám đốc Phòng thương mại và xuất nhập khẩu ITPC-VCA, cho biết sắp tới, hệ thống siêu thị của ITPC-VCA sẽ mở rộng tới TPHCM và các tỉnh thành khác.
Các đặc sản vùng miền thường nằm ở các tỉnh thành khác nhau, việc chuyển đổi số, lên các gian hàng trực tuyến của hợp tác xã, nông hộ trước nay gặp giới hạn về địa lý. Với sự hợp tác này, hai bên kỳ vọng giới hạn về địa lý sẽ giảm dần, dù sẽ cần thời gian để vận hành tốt hơn.
Về dài hạn, ITPC-VCA và Grab Việt Nam sẽ cùng hỗ trợ các nhà sản xuất nông nghiệp đăng ký tham gia bán hàng, vận hành và tiêu thụ nông sản trên nền tảng Grab, góp phần phát triển kênh bán an toàn, tin cậy, hỗ trợ công tác truyền thông quảng bá tiêu thụ nông sản.
Ông Vũ Quang Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cho biết: “Tết Nguyên Đán luôn là dịp các sản phẩm nông sản được tiêu thụ cao trên cả nước. Nhưng với tình hình kinh tế thị trường có nhiều biến động như hiện nay, việc mở thêm kênh bán hàng hiệu quả, ổn định cho các HTX thành viên là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.
“Việc ký kết hợp tác mở gian hàng trên GrabMart là giải pháp khắc phục các khó khăn thực tiễn của các HTX trong việc chủ động chuyển mình kinh doanh cùng nền tảng số, quản trị hệ thống, nhân sự, giúp các HTX có thêm kênh an toàn, tin cậy và hiệu quả để thúc đẩy doanh số bán hàng, tinh gọn bộ máy.”
Hoạt động hợp tác lần này nằm trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác 4 Bên giữa Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Agrotrade), Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED), ITPC và Grab Việt Nam đã ký kết vào tháng 6/2021,và Biên bản ghi nhớ hợp tác với ITPC-VCA được ký kết vào tháng 6/2022.
GrabMart ra mắt giữa giai đoạn cao điểm của đại dịch Covid-19, vào tháng 3/2020. Với mục tiêu hỗ trợ chuyển đổi số và kết nối tiêu thụ trong lĩnh vực nông nghiệp, trong năm 2022, Grab và các đối tác đã triển khai nhiều chương trình đào tạo kỹ năng số và hỗ trợ chuyển đổi số cho hơn 800 HTX nông nghiệp tại một số tỉnh, thành phố.
Trước đó, GrabMart đã tổ chức chiến dịch “Lễ hội trái cây mùa hè 2022”, kết hợp với các KOLs như Khoai Lang Thang, hỗ trợ tiêu thụ hơn 100 tấn trái cây đặc sản của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long như măng cụt, bơ, sầu riêng…
Bình An-Theo Nhịp sống thị trường