Hoa Nắng là startup khá “kỳ lạ” khi 2 nhà sáng lập xuất hiện trên Shark Tank chỉ sở hữu vỏn vẹn 6% cổ phần. Công ty lúc đó không có vốn, không doanh thu, không lợi nhuận, nhưng vẫn nhận được 10 tỷ đồng từ Shark Louis Nguyễn 4 tháng sau khi chương trình phát sóng.
Ngày 12/11/2018, sau 4 tháng thẩm định, Shark Louis Nguyễn chính thức ký thỏa thuận đầu tư 10 tỷ đồng vào startup gạo hữu cơ Hoa Nắng. Trên sóng chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2, vị “cá mập” này đã cam kết đầu tư vào Hoa Nắng 4 tỷ đồng cho 51% cổ phần và 6 tỷ đồng là trái phiếu chuyển đổi với lãi suất 15%/năm, tức là định giá công ty khoảng 8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Sài Gòn (SAM) là nhà đầu tư duy nhất ra “deal” với Hoa Nắng. 4 “cá mập” còn lại đã thẳng thừng từ chối vì một loạt vấn đề xung quanh startup này.
Công ty không có vốn, không doanh thu, không lợi nhuận
Theo hai nhà sáng lập Lâm Anh Tú và Đặng Thị Trường An, CTCP Hoa Nắng mới được thành lập từ tháng 4/2018 – tức là chỉ 3 tháng trước khi lên sóng Shark Tank, tách ra từ Công ty Phân bón hữu cơ Greenfield. Điều khiến các Shark ngỡ ngàng là hai sáng lập viên chỉ nắm tổng cộng 6% cổ phần, còn 94% thuộc về Phó Tổng giám đốc Greenfield, nhưng chưa hề có vốn thực góp.
Vì vậy, trước đề nghị rót vốn 10 tỷ đồng cho 30% cổ phần của Anh Tú và Trường An – tức là định giá công ty khoảng 30 tỷ đồng, Shark Nguyễn Xuân Phú rút lui đầu tiên bởi định giá công ty quá cao. Các “cá mập” còn lại cũng lần lượt từ chối với lý do tương tự, cộng thêm việc cơ cấu cổ đông “không bình thường”: người không trực tiếp làm chiếm tới 94%, hai người làm trực tiếp mỗi người chỉ 3%.
Bà Lê Hạnh – Tổng Giám đốc TvHub, Giám đốc sản xuất Shark Tank Việt Nam còn từng tiết lộ với truyền thông rằng ngay khi Hoa Nắng tới tham dự buổi chọn lọc startup để lên sóng truyền hình, bà đã biết công ty không có doanh thu, cũng không lợi nhuận. Do đó, bà cùng ekip khuyên Hoa Nắng nên dừng bước, về củng cố thêm nguồn lực và tới tham dự vào mùa sau.
Tuy nhiên, Anh Tú và Trường An thể hiện thái độ rất cầu thị và nói rằng muốn tham dự Shark Tank vì không còn con đường nào khác, nên bà Lê Hạnh đã đồng ý để Hoa Nắng lên sóng dù chỉ đặt “1% hy vọng”.
“Nếu được bình chọn, tôi chọn Shark Louis Nguyễn là nhà đầu tư mạo hiểm nhất vì đầu tư vào startup 0 đồng. Tôi nhớ hồi tháng 8, anh Louis có nói với tôi: Hạnh ơi, anh bắt đầu thẩm định với Hoa Nắng, nhưng khó khăn lắm. Công ty không những 0 đồng, mà không còn công ty nữa”, Tổng giám đốc TvHub kể lại hồi tháng 11/2018.
Shark Louis Nguyễn – người duy nhất trong 5 nhà đầu tư trên Shark Tank Việt Nam mùa 2 đặt niềm tin vào startup Hoa Nắng.
Sau khi Hoa Nắng được cam kết đầu tư trên truyền hình, người chiếm 94% cổ phần rút khỏi công ty, CTCP Hoa Nắng không còn kinh phí và ngừng hoạt động. Anh Tú cùng một số cá nhân khác đã thành lập Công ty TNHH nông sản Hoa Nắng. Bất chấp tình thế này, Shark Louis vẫn quyết định rót 10 tỷ đồng như cam kết.
Thời gian đã chứng minh “mắt xanh” của vị “cá mập” đã nhìn người chính xác.
Được các quỹ ngoại rót vốn, xuất khẩu chính ngạch gạo hữu cơ sang Mỹ
Tháng 9/2019, gần 1 năm sau khi nhận được vốn từ Shark Louis, Hoa Nắng gây bất ngờ khi tiết lộ đã có chút lợi nhuận đầu năm, đến cuối năm dự kiến nếu cân đối lại thì gần hòa vốn.
Gạo hữu cơ Hoa Nắng được bán tại những hệ thống siêu thị lớn như Co.op, Satra…, đồng thời phân phối qua cả hệ thống online và các trang thương mại điện tử như Shopee, Tiki. Hồi tháng 3/2023, fanpage Facebook của Hoa Nắng còn thông báo sản phẩm đã có mặt trên TikTok Shop – nền tảng đang “làm mưa làm gió” hiện nay.
Đáng chú ý, tháng 1/2022, Hoa Nắng kêu gọi thành công khoản tiền đầu tư đầu tiên từ Beacon Fund – một quỹ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc lãnh đạo tại thị trường Đông Nam Á.
Với sự hỗ trợ mới này, Hoa Nắng đặt ra mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu tại các tỉnh miền Tây, đồng thời phát triển dài hạn những sản phẩm 100% hữu cơ khác sau gạo, nhằm tăng giá trị hạt gạo và đa dạng hóa sản phẩm cho người tiêu dùng.
Theo thông tin trên website, bên cạnh gạo, sản phẩm của Hoa Nắng giờ đây còn bao gồm bún tươi sấy khô hữu cơ, bánh gạo hữu cơ và cá nục tươi kho keo.
Mặc dù đại dịch Covid-19 khiến hầu hết doanh nghiệp gặp khó khăn, Hoa Nắng đã nhanh chóng điều chỉnh chuỗi cung ứng, phát triển và thực hiện chiến lược bán hàng và phân phối sản phẩm trực tuyến. Năm 2021, công ty đạt doanh số bán hàng mới và tăng doanh thu lên 30%.
Tới cuối tháng 12/2022, Hoa Nắng tiếp tục nhận được khoản vốn vay ưu đãi từ một quỹ ngoại khác là SK2 sau 3 tuần đánh giá và thẩm định, khá nhanh so với tiến độ chung. SK2 là quỹ cung cấp tài chính từ Mỹ, chuyên hợp tác với các doanh nghiệp có mục tiêu phát triển hoạt động kinh doanh một cách bền vững.
Mới đây nhất vào ngày 8/8, nhà sáng lập Anh Tú thông báo trên trang Facebook cá nhân cho biết Hoa Nắng đã chính thức xuất khẩu chính ngạch container hàng gạo hữu cơ đầu tiên cho thị trường Mỹ, vượt qua hơn 1.000 chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mà khách hàng yêu cầu.
“Vài năm gần đây, nhu cầu về thực phẩm organic đang tăng theo cấp số nhân. Cách đây 2 – 3 năm, chẳng ai biết thực phẩm organic là gì, nhưng hiện tại nhiều người đã biết và dần tiếp cận chúng. Tôi tin rằng nhu cầu về thực phẩm sạch và organic sẽ tăng với cấp số nhân trong vài năm tiếp theo”, Anh Tú chia sẻ với truyền thông hồi năm 2019.
Minh Anh-Theo Nhịp sống thị trường