Sau khi “Luật Chuỗi cung ứng mới” ở Đức được thực thi, các công ty lớn của nước này bao gồm Volkswagen, Adidas, BASF buộc phải rời khỏi Tân Cương, Trung Quốc, Sound of Hope thông tin.
Ngày 3/3 vừa qua, chính phủ Đức đã thông qua dự thảo “Luật Chuỗi cung ứng”. Ý nghĩa cốt lõi của dự thảo là các công ty Đức phải có trách nhiệm bảo đảm rằng họ không gây ô nhiễm môi trường hoặc xâm hại đến quyền con người trong quá trình sản xuất hoặc lắp ráp các bộ phận sản phẩm ở nước ngoài, và các công ty cần phải chịu trách nhiệm về mọi mắt xích trong chuỗi cung ứng của họ.
Dự thảo cũng quy định nếu các công ty không tuân thủ pháp luật, họ có thể phải đối mặt với các hình phạt, bao gồm: Áp dụng khoản tiền phạt 2% doanh thu hàng năm, bồi thường và các biện pháp trừng phạt khác…
Tờ Süddeutsche Zeitung, phương tiện truyền thông lớn nhất của Đức đưa tin, theo báo cáo từ Ban Nghiên cứu của Quốc hội Đức, rất nhiều thương nhân ở nước ngoài đã trực tiếp mua các sản phẩm do người bị bóc lột sản xuất hoặc hợp tác với các nhà cung cấp sử dụng lao động nô lệ từ việc bóc lột người Duy Ngô Nhĩ để thu lợi.
Báo cáo tiết lộ rằng, địa điểm của một số nhà máy của các công ty Đức rất gần với “trại cải tạo” giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc.
Báo cáo cho biết, sau khi thực hiện dự thảo “Luật Chuỗi cung ứng”, các công ty Đức phải tạm dừng các hoạt động kinh doanh tại Tân Cương và cắt đứt liên hệ với các nhà cung cấp ở khu vực này.
Vì Hoa Kỳ, Canada, Hà Lan, Anh, Pháp và Liên minh châu Âu đều đã thông qua các nghị quyết lên án tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của chính quyền Trung Quốc, nên Quốc hội Đức hiện đang bắt đầu theo dõi.
Các chuyên gia trong quốc hội Đức cho rằng, cách đối xử của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là phạm tội diệt chủng, phù hợp với định nghĩa trong Điều 2 của Công ước Liên hợp quốc về ngăn chặn và trừng phạt tội ác diệt chủng.
Theo báo cáo, Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Đức đã tổ chức một buổi điều trần hôm 17/5, với sự tham gia của nhà nhân chủng học người Đức Adrian Zenz, người đã bị ĐCSTQ truy tố vào tháng 3 năm nay. Adrian Zenz là một học giả người Đức có sức ảnh hưởng lớn, ông đã nghiên cứu các vấn đề Tân Cương trong những năm gần đây.
Trong những năm gần đây, ông Zenz là một trong những học giả đầu tiên vạch trần việc ĐCSTQ xây dựng “trại cải tạo” ở Tân Cương thông qua nghiên cứu hình ảnh vệ tinh, tài liệu chính thức của ĐCSTQ và nhân chứng, cũng như việc giam giữ quy mô lớn hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và Kazakhstan.
DKN