Lựa chọn dịch vụ vệ sinh giày, lĩnh vực còn khá mới tại Việt Nam nhưng thị trường cũng đã sẵn có nhiều đối thủ mạnh, Hồ Trung Định tiếp cận thị trường theo cách riêng, thuận theo tự nhiên và “chẳng giống ai”.
Hướng đến tệp khách hàng riêng
Bầu không khí yên lặng trong quán cà phê Pasio ở quận 1 (TP.HCM) đột nhiên được khuấy động bởi tiếng giày cao gót của nhóm nữ nhân viên văn phòng. Khi các cô gái đi ngang qua bàn, Định nháy mắt với tôi đầy ẩn ý.
“Đó là tệp khách hàng đã giúp chúng tôi tăng trưởng trong thời gian qua”, nhà sáng lập Ishine nở nụ cười viên mãn.
Cách đây một năm, Hồ Trung Định thành lập Ishine, chuyên cung cấp dịch vụ vệ sinh giày (giày cao gót, giày thể thao, giày da lộn…). Truy cập website Ishine.asia, khách hàng có thể đặt dịch vụ, chọn lịch để nhân viên của Công ty đến nhận giày và trả lại sau 24 – 30 tiếng.
Tệp khách hàng Ishine hướng đến là đội ngũ nữ nhân viên văn phòng ở TP.HCM. Theo ước tính của Định, tệp khách hàng này hiện có khoảng 20.000 người, mỗi khách hàng thường sở hữu ít nhất 3 đôi giày. Số lượng giày họ “quản lý” thậm chí còn nhiều hơn, nếu là người đã lập gia đình hoặc có con.
Như vậy, thị trường có ít nhất 40.000 đôi giày cần chăm sóc mỗi tháng – một con số rất tiềm năng. Đặc biệt, những nữ nhân viên văn phòng rất thích chia sẻ với bạn bè xung quanh về các dịch vụ mà họ cảm thấy hài lòng, nên nếu chinh phục được họ, tệp khách hàng sẽ nhanh chóng được mở rộng.
Chiến lược “lấy quý cô làm trọng tâm” mà Định lựa chọn đã giúp Ishine đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu 30%/tháng chỉ sau 4 tháng thành lập.
So với các đối thủ như Mr Phủi, Extrim – mỗi đơn vị đang nắm trong tay hơn 20% thị phần thị trường dịch vụ chăm sóc giày tại TP.HCM, Ishine là “kẻ đến sau”, quy mô còn nhỏ và mới chỉ sở hữu khoảng 5% thị phần. Nhưng, điểm mạnh của Ishine không phải là tốc độ tăng trưởng, mà là chiến lược thâm nhập thị trường.
Tại TP.HCM hiện có hơn 20 công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc giày và phần lớn đều áp dụng phương thức giao nhận hàng truyền thống tại các cửa hàng. Trong khi đó, ngay từ khi xây dựng Ishine, Hồ Trung Định đã tập trung ứng dụng công nghệ, giao dịch online. Đội ngũ nhân viên của Ishine trực tiếp đến nhận giày và trả hàng cho khách theo lịch hẹn.
Tại xưởng vệ sinh giày của Ishine trong một con hẻm tại quận 5 (TP.HCM), 70% công đoạn vận hành được giám sát, lưu trữ và giao dịch bằng phần mềm, từ việc chụp hình xác nhận nguyên mẫu giày lúc nhận, theo dõi hành trình nhân viên lấy hàng, đặt lịch trả hàng, sử dụng hóa đơn điện tử… Nhờ đó, Ishine tiết kiệm được 50% chi phí vận hành so với các mô hình truyền thống và có thể đưa ra mức giá thấp hơn 20 – 30% so với các đối thủ mà vẫn đảm bảo lợi nhuận.
“Ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, ngành dịch vụ chăm sóc giày vẫn còn khá mới mẻ. Chúng tôi xác định phải sống được trước khi dịch vụ này trở nên hấp dẫn và có thêm nhiều đối thủ nhảy vào. Vì thế, chịu lỗ để thu hút khách hàng là kế hoạch không khả thi”, Định tự tin chia sẻ.
Không chỉ cạnh tranh bằng giá cả và chất lượng dịch vụ, Trung Định còn đang tập trung hoàn thiện nền tảng công nghệ vận hành, thực hiện kế hoạch mở rộng các chi nhánh để rút ngắn thời gian nhận hàng và trả hàng. Ông chủ Ishine đã chuẩn bị khá kỹ cho chiến lược dài hơi này với việc xây dựng hệ thống theo hướng mở để hợp tác với các bên thứ ba như doanh nghiệp có nhu cầu mua dịch vụ với số lượng lớn, các nền tảng tiếp thị liên kết…
Kinh doanh thuận theo tự nhiên
Hồ Trung Định có những suy nghĩ chín chắn và “già” hơn nhiều so với tuổi 27 của anh. Những người bạn học cùng đại học, nếu lâu ngày không liên lạc, giờ gặp lại Định sẽ rất bất ngờ, bởi không còn thấy hình ảnh cậu sinh viên Trường đại học Quốc tế miền Đông (Bình Dương) ngỗ nghịch, quậy phá năm nào.
Định chia sẻ, anh sống chậm hơn, trầm tĩnh hơn là nhờ đã có 6 năm tìm hiểu và thực hành Phật pháp.
Trước khi gây dựng Ishine, Định từng đảm nhiệm vị trí giám đốc phát triển kinh doanh tại phía Nam của một chuỗi không gian làm việc chung và quản lý truyền thông một chuỗi trà – cà phê lớn ở TP.HCM. Công việc mang lại thu nhập cao, nhưng áp lực không ngừng gia tăng, bất kể ngày nghỉ, giờ giấc khiến Định cảm thấy căng thẳng. Từ đó, ý tưởng thành lập một doanh nghiệp riêng để có thể làm chủ công việc và áp dụng những ý tưởng, triết lý kinh doanh của riêng mình hình thành trong Định và phát triển mạnh mẽ theo thời gian.
Ishine ban đầu được Định xây dựng với định hướng trở thành công ty cung cấp dịch vụ vệ sinh cho trang phục, giày may đo, nhưng do thị trường quá nhỏ, anh nhanh chóng chuyển hướng sang phục vụ các sản phẩm giày sản xuất đại trà. “Thuận tự nhiên” là triết lý đã được Định áp dụng vào quá trình xây dựng, vận hành Ishine.
Anh bảo, khách hàng nhớ đến công ty khi công ty cung cấp cho họ dịch vụ tốt; muốn có dịch vụ tốt, thì nhân viên phải làm việc tốt. Lý thuyết là vậy, còn thực hành cần một quy trình quản lý không bị tác động bởi con người. Đó là lý do, Định dành hơn 80% chi phí của Ishine để đầu tư vào hệ thống công nghệ giám sát công việc và đảm bảo lương, thưởng cho nhân viên.
Luôn ý thức, sự trưởng thành của doanh nghiệp phải dựa trên nền tảng dịch vụ, thời gian đầu, Định chỉ chi một phần kinh phí nhỏ cho quảng cáo trên mạng xã hội để tạo kết nối với một nhóm khách hàng rất nhỏ và dồn lực đầu tư kiểm soát chất lượng dịch vụ để tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng.
Chiến lược này có vẻ “không giống ai”, thậm chí là đi ngược với cách làm của nhiều doanh nghiệp hiện nay, thường không ngần ngại “đốt tiền” cho những chiến dịch quảng cáo rầm rộ trong giai đoạn đầu để tăng độ nhận diện thương hiệu.
Với một “tân binh”, việc chiếm được lòng tin của khách hàng ở giai đoạn khởi đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng và không hề đơn giản. Những bước đi chậm mà chắc của Định đã khiến Ishine thất thu trong suốt 3 tháng đầu. Nhưng khi đã “làm quen” và chiếm trọn cảm tình của các “quý cô” bằng dịch vụ chất lượng, lượng khách hàng của Ishine không ngừng tăng và giá trị đơn hàng cũng tăng theo. Đến thời điểm hiện tại, Ishine đã có khá nhiều khách hàng thân thiết.
Trong mô hình kinh doanh mà Ishine theo đuổi, công nghệ đóng vai trò chủ chốt và cũng là bộ phận có chi phí đầu tư tốn kém nhất. Kết quả kinh doanh của Ishine một năm qua phần nào giúp Định tự tin về triển vọng phát triển ở thị trường trong nước. Anh đang chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng sang Hàn Quốc. Nhu cầu thị trường đã có, nguồn nhân công đã sẵn sàng, chi phí thử nghiệm cũng không quá cao, nhưng kế hoạch của Định đang chững lại vì dịch Covid-19 bùng phát.
Cũng do tác động từ dịch bệnh, doanh thu của Ishine đã giảm hơn một nửa từ sau Tết Nguyên đán, khách hàng có xu hướng tiết kiệm cho các dịch vụ thuê ngoài. Dẫu vậy, Định không quá lo lắng, bởi hệ thống đã được xây dựng để vận hành ở mức tiết kiệm chi phí nhất.
Định luôn tâm niệm, mỗi doanh nghiệp giống như một cây xanh. Khi gặp giông bão, cây nào cắm rễ sâu xuống đất sẽ tồn tại. Rễ ở đây là các giá trị mang lại cho khách hàng, cho nhân viên. Đất chính là thị trường.
“Rễ khỏe thì cây sẽ khoẻ. Đó là lẽ tự nhiên và doanh nghiệp cũng vậy, cần có thời gian để phát triển. Thuận tự nhiên thì thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tài sản của chúng tôi là hệ thống công nghệ vận hành cùng những kinh nghiệm đã tích lũy được và sẽ không mất đi sau cơn bão”, Định tự tin nói.
Trò chuyện với Hồ Trung Định
Từ khi khởi nghiệp, anh thấy mình còn thiếu ở mảng nào?
Có lẽ đó là lĩnh vực tài chính. Tôi đang bổ sung kiến thức để quản trị tốt hơn.
Mỗi khi tinh thần đi xuống, anh “làm mới” mình như thế nào?
Thường xuyên thiền và tìm hiểu Phật pháp, nên đôi khi, tôi chỉ thấy công việc quá tải, chứ không bị xuống tinh thần.
Anh và Ishine có hướng tới các hoạt động cộng đồng không?
Tôi luôn hướng đến việc tạo ra cộng đồng thiện nguyện, nơi khách hàng là người hướng ứng và doanh nghiệp đóng vai trò khởi xướng. Tạo được niềm tin trong mối liên kết chặt chẽ này rất quan trọng.
Công Sang (Báo Đầu tư)