Xu hướng này đang ngày càng lan tỏa rộng rãi, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Việt vì có thể giúp chinh phục khách hàng, tạo nguồn doanh thu mới.
Nguồn cảm hứng triển khai sản phẩm mới
Gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông quảng cáo, Goldsun Media là một trong những thương hiệu uy tín hàng đầu về quảng cáo ngoài trời tại Việt Nam.
”Trước đây, chúng tôi chỉ có biển bảng tấm lớn ngoài trời thôi. Nhưng đến hiện tại, nhờ áp dụng Design Thinking (tư duy thiết kế), chúng tôi đã có nhiều sản phẩm mới. Một trong những điểm cốt lõi của phương pháp tư duy thiết kế là đặt điểm nhìn vào người sử dụng sản phẩm để từ đó đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề. Chúng tôi đã đặt điểm nhìn vào người sử dụng trực tiếp các màn hình quảng cáo. Chẳng hạn, khi chờ thang máy, mọi người đều có tâm lý sốt ruột. Những quảng cáo trong thang máy của chúng tôi đã giúp họ cảm thấy bớt ngại ngùng trong không gian chật hẹp, thời gian chờ đợi cũng có vẻ ngắn hơn”, bà Trần Thị Thanh Vân, Phó Tổng Giám đốc phụ trách chuyển đổi số và marketing của Goldsun Media Group chia sẻ.
Nguyên tắc liên quan chặt chẽ tới tư duy thiết kế mà Goldsun Media đặt ra ngay từ những ngày đầu thành lập là “Suy nghĩ không cũ về những vấn đề không mới”. Chính nguyên tắc này đã giúp Goldsun Media phát triển từ một công ty quảng cáo ngoài trời với những hình thức truyền thống đơn giản như biển tấm lớn ở nội đô hay trên quốc lộ…, tới nay đã sở hữu một hệ thống platform (nền tảng) quảng cáo phủ rộng 80% tỉnh/thành, đa dạng hình thức từ biển bảng tấm lớn, biển LED nội đô, tới những quảng cáo tích hợp trong sân bay, wi-fi marketing hay hệ thống LCD/DP trong các tòa nhà…
Với VNPT Technology, tư duy thiết kế cũng đã đem lại nhiều đổi thay tích cực. Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản phẩm và giải pháp thuộc VNPT Technology nhớ lại: “Trong quá trình làm sản phẩm, chúng tôi nhận thấy đôi khi sản phẩm của mình làm ra rất tốt, có hàm lượng công nghệ và tính ứng dụng, tuy nhiên, khi ra thị trường lại vẫn rất khó tiếp cận khách hàng. Chúng tôi đã sử dụng phương pháp tư duy thiết kế, nhìn nhận ra vấn đề mà khách hàng đang cần, từ đó đề xuất những giải pháp, công nghệ tạo ra những sản phẩm dễ tiếp cận khách hàng hơn”.
Những năm gần đây, VNPT Technology đã nỗ lực thay đổi các mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm truyền thống, chuyển sang các mô hình kinh doanh nền tảng, tạo hệ sinh thái (eco-system), từ đó tạo ra những mô hình kinh doanh mới, doanh thu mới cho công ty.
”Các doanh nghiệp công nghệ khi làm sản phẩm chuyển đổi số thường đi vào làm ứng dụng. Nhưng chúng tôi đã tư duy lại, tìm điểm khó khăn của tất cả các đối tượng tham gia hệ sinh thái chuyển đổi số. Nhận thấy đang thiếu một nền tảng có thể kết nối các nhà cung cấp giải pháp công nghệ số với các khách hàng có nhu cầu chuyển đổi số, chúng tôi đã cho ra đời một nền tảng hợp nhất công nghệ chuyển đổi số hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sau 1 năm triển khai, đã có trên 54.000 doanh nghiệp có thể tiếp cận các giải pháp chuyển đổi số thông qua nền tảng này”, ông Hải chia sẻ tin vui.
Lấy cảm xúc của khách hàng làm trọng tâm trong quá trình xây dựng các triết lý liên quan đến việc phát triển sản phẩm cũng đang là hướng đi của Truyền hình FPT.
”Tương tự nhiều đơn vị dịch vụ giải trí truyền hình khác, chúng tôi gặp phải một số vấn đề như thiếu tính năng, thiếu nội dung… Chúng tôi đã sử dụng phương pháp luận Design Thinking để cùng làm việc tập thể, tìm ra bản chất, nguyên nhân sâu xa của vấn đề nhằm giải quyết triệt để hơn. Khi phát sóng chương trình Giao lộ thời gian, chúng tôi đã bổ sung thêm phần lời bài hát ở góc màn hình, giúp cho khán giả có thể dễ dàng hát theo ca sĩ những bài hát mà họ ưa thích. Chúng tôi đã nhận được những phản hồi khá tích cực từ khách hàng. Họ rất thích tính năng đấy”, bà Nguyễn Thu Hương, Giám đốc Nội dung FPT Play cho biết .
Giám đốc Nội dung FPT Play khẳng định: “Phương pháp tư duy thiết kế như một ‘kim chỉ nam’ trong quá trình nghiên cứu sản phẩm, giúp những người làm sản phẩm tìm hiểu sâu vào những mong muốn của khách hàng. Từ đấy sẽ gợi mở ra được những nhu cầu của khách hàng, thậm chí những nhu cầu rất tiềm ẩn mà chính khách hàng cũng không gọi tên ra được”.
”Luồng gió” văn hóa mới trong doanh nghiệp
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Các Giám đốc Sales & Marketing Việt Nam (CSMO Vietnam), xu hướng ứng dụng tư duy thiết kế đã “bùng nổ” trên thế giới từ những năm 2014 – 2015, nhưng đến Việt Nam hơi muộn, một phần do các tài liệu về tư duy thiết kế bằng tiếng Việt khá ít ỏi.
Cho đến gần đây, khi phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp trẻ học hỏi cách làm việc từ các công ty khởi nghiệp thành công trên thế giới, trong đó, tư duy thiết kế nổi lên như là một phương pháp phát triển sản phẩm, dịch vụ và xây dựng hệ sinh thái ưu việt, được ứng dụng rộng rãi, thì khái niệm “Tư duy thiết kế” mới bắt đầu được mọi người quan tâm tìm hiểu hơn.
”Tham khảo ví dụ ở những tập đoàn hàng đầu thế giới đã ứng dụng thành công tư duy thiết kế như Apple, Amazon, Pepsi, GE…, chúng ta có thể thấy họ đã biến tư duy thiết kế thành một văn hóa trong doanh nghiệp, văn hóa luôn tìm cách cải tiến hơn những trải nghiệm của người dùng xung quanh mình, cho dù người dùng ấy là khách hàng hay là chính nhân viên trong công ty”, bà Trang nhấn mạnh.
Về lý thuyết, tư duy thiết kế có thể coi là một phương pháp làm việc và sáng tạo tập thể với sự tập trung sâu vào tìm hiểu người dùng, tận dụng mọi góc nhìn của những người tham gia dự án cũng như kinh nghiệm và kỹ năng sáng tạo của họ.
”Quy trình của Design Thinking gồm 5 bước: Thấu cảm, Xác định vấn đề, Tìm giải pháp sáng tạo, Tạo mẫu thử và Thử nghiệm trước khi triển khai. Tất nhiên, trong mỗi bước đó là các bước nhỏ khác, ví dụ như ở Thấu cảm sẽ bao gồm Tổng hợp thông tin thị trường, Quan sát khách hàng, Tìm hiểu nhu cầu của họ thông qua các công cụ như Chân dung khách hàng, Bản đồ hành trình hoặc Bản đồ thấu cảm”, bà Trang phân tích.
Trong 5 bước của phương pháp tư duy thiết kế như vừa nêu trên, có 2 bước điển hình mà Goldsun Media đã ứng dụng mạnh mẽ. Một là xác định vấn đề. Cụ thể, xác định vấn đề của các nhãn hàng là muốn tiếp cận khách hàng mục tiêu và đo lường được hiệu quả của quảng cáo. Nhờ vậy, doanh nghiệp quảng cáo này đã phát triển hệ thống app nghiệm thu, sau khi vận hành đã tiết kiệm được 46.000 giờ làm việc mỗi năm, quy ra chi phí nhân sự khoảng 2 tỷ đồng/năm.
Hai là mẫu thử. Khi đưa vào ứng dụng những phần mềm mới, Goldsun Media luôn yêu cầu phải lập nhóm thử nghiệm, trải nghiệm góc nhìn thực tế của chính những người đang sử dụng sản phẩm, sau đó mở rộng dần quy mô mẫu thử để có thể xác định được vấn đề và chỉnh sửa ngay trong quá trình thử nghiệm.
Trải lòng về thực tiễn ứng dụng tư duy thiết kế tại doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm Sản phẩm và giải pháp thuộc VNPT Technology cho hay, doanh nghiệp công nghệ này không chỉ áp dụng sự thấu cảm vào quá trình thiết kế sản phẩm mà còn áp dụng vào cả hoạt động quản trị doanh nghiệp.
”Công ty chúng tôi hiện nay có nhiều thế hệ, tối thiểu phải có 3 thế hệ cùng phối hợp với nhau để có thể vận hành một tổ chức.. Làm thế nào để có thể hòa hợp được các đặc tính của các thế hệ? Làm thế nào các thế hệ đi trước có thể song hành, hỗ trợ và phát triển cùng thế hệ sau, đặc biệt là khi thế hệ trẻ hiện nay có rất nhiều thay đổi về cách thức, hành vi…? Thông qua việc thấu hiểu nhân viên, chúng tôi hiểu hơn những mặt tốt, ưu điểm, sự năng nổ, nhiệt tình của thế hệ trẻ, và kết hợp với những kinh nghiệm, sự chỉ dẫn của các thế hệ đi trước để giúp vận hành doanh nghiệp tốt hơn”, ông Hải nói.
Những “gót chân Asin” cần tránh
Có thể thấy, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn khó định lượng mức độ thành công của tư duy thiết kế. Chưa doanh nghiệp, tổ chức nào tại Việt Nam công bố cụ thể, chính xác rằng mình đã tăng bao nhiêu lần doanh thu hoặc giảm bao nhiêu lần chi phí nhờ ứng dụng tư duy thiết kế.
Tuy nhiên, xu hướng ứng dụng tư duy thiết kế được dự đoán sẽ phát triển mạnh mẽ trong doanh nghiệp Việt thời gian tới.
Chia sẻ kinh nghiệm cho những doanh nghiệp chuẩn bị ứng dụng tư duy thiết kế, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh: “Chúng tôi đã vận dụng tư duy thiết kế một cách linh hoạt, phù hợp với đặc tính văn hóa của doanh nghiệp, đặc tính văn hóa của người Việt Nam. Thực tế thì chúng tôi cũng sai nhiều chứ. Tuy nhiên, mỗi lần thất bại lại cho chúng tôi những bài học tốt hơn để hoàn thiện mình. Theo kinh nghiệm của tôi, tìm kiếm thông tin để biết về khái niệm tư duy thiết kế thì rất dễ, tuy nhiên, để thực sự hiểu bản chất và có thể áp dụng được công cụ, kỹ thuật một cách thực sự thì đòi hỏi sự nỗ lực lớn. Trải nghiệm thực tiễn mới là bước khó nhất. Chúng ta phải thực hành rất nhiều thì mới có thể tốt được”.
Phó Tổng Giám đốc Goldsun Media Trần Thị Thanh Vân lưu ý, thực tế tại Việt Nam, mô hình Design Thinking còn khá mới mẻ, những tài liệu, mô hình doanh nghiệp ứng dụng có thể tham khảo còn rất hạn chế.
Lãnh đạo Goldsun Media đánh giá cao một số tài liệu về tư duy thiết kế được xuất bản bằng tiếng Việt mới đây, chẳng hạn như cuốn “Tư duy thiết kế ứng dụng trong phát triển doanh nghiệp” của Michael Lewrick do Alpha Books phát hành, vì đã đưa ra một mô hình toàn diện cho việc thiết kế, phát triển và triển khai các hệ sinh thái kinh doanh, nêu rõ các phương pháp và công cụ thiết kế quan trọng nhất để người đọc dễ triển khai ứng dụng.
Ở góc nhìn của một chuyên gia Design Thinking, bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang bày tỏ sự vui mừng khi gần đây đã có những bộ sách về tư duy thiết kế rất có giá trị được Việt hóa. Điển hình như bộ sách do Alpha Books phát hành, gồm: “Thực hành tư duy thiết kế” của 3 tác giả gồm Michael Lewrick, Patrik Link, Larry Leifer; được coi là bộ từ điển bách khoa, giải thích tất cả các khái niệm cũng như cách ứng dụng tư duy thiết kế; “Tư duy thiết kế ứng dụng trong cuộc sống” của nhiều tác giả, giúp độc giả có thể thấu cảm bản thân; “Bộ công cụ tư duy thiết kế” của tác giả Micheal Lewrick, là cuốn sách đầy đủ nhất hiện nay về các công cụ tư duy thiết kế, hướng dẫn cách sử dụng các công cụ, kèm theo một số trích dẫn từ những doanh nghiệp có tên tuổi đã sử dụng thành công những công cụ này…
Trước câu hỏi “đâu là những điều nên tránh khi áp dụng tư duy thiết kế trong doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch CSMO Vietnam khuyến nghị: Một trong những cái “bẫy” thường gặp nhất khi sử dụng các công cụ này là xu hướng “điền từ vào chỗ trống”, tức là điền nhiều thông tin, nhưng không định hướng tìm ra những yếu tố then chốt giúp thay đổi trải nghiệm theo hướng đột phá hoặc cải tiến hơn.
Mặt khác, việc thiếu vắng những thông tin từ chính khách hàng sẽ khiến hoạt động ứng dụng tư duy thiết kế không đạt được giá trị. Cần có sự tham gia của khách hàng thực trong một số bước quan trọng của quy trình, như Thấu cảm (quan sát, phỏng vấn, tổng hợp nhu cầu của khách hàng) hay làm mẫu thử và thử nghiệm giải pháp. Nếu không triệt để làm theo đúng hướng dẫn mà thay bằng những thông tin tự đề xuất thì công cụ cũng không thể làm mọi thứ trở nên tốt hơn được.
”Cái “bẫy” lớn nhất khi áp dụng tư duy thiết kế là tìm hiểu và áp dụng hời hợt các bước. Kiến thức của tư duy thiết kế thực ra không hoàn toàn mới, chúng ta có thể đã nghe đâu đó, nhưng khi áp nó vào các bước trong quy trình, để phát huy đúng tác dụng thì vẫn cần tìm hiểu kỹ tác dụng và cách triển khai và phối hợp giữa các bên”, Phó Chủ tịch CSMO Vietnam đưa thêm lời khuyên.
Phương Thúy–Nhịp sống thị trường