Gần 30 năm làm nghề buôn đá, ông Nguyễn Quốc Dân – Chủ tịch Hiệp hội Đá quý Lục Yên từng trải qua và chứng kiến nhiều vui buồn, được mất xung quanh những viên đá.
Quê gốc ở Hưng Yên, sau khi đi bộ đội về, ông đến đất Lục Yên (Yên Bái) lấy vợ, sinh con.
Ông kể, trước năm 1989, dân ở đây không hiểu gì về đá mà chỉ đi đãi vàng. Họ nhặt được đá quý cũng chỉ vứt đi. Đến cuối năm 1989, khi người Thái Lan về ký hợp đồng với chính quyền để khai thác đá, người dân mới biết đá có thể kiếm ra tiền. Nghề đào đá và buôn đá bắt đầu nổi lên từ đó.
‘Giai đoạn đầu, đá nhiều mà rẻ như rau muống. Mỗi ngày, tôi mua được 2-3 đĩa đá to loại đẹp’ – ông kể.
‘Ngày ấy, dân còn chưa hiểu thế nào là ‘li’, là ‘kara’. Đo ‘li’ thì cứ lấy thước học sinh ra đo thôi’.
Đến khoảng năm 1995, dân Lục Yên mới bắt đầu hiểu đúng giá trị của đá quý và bán với giá tương xứng hơn.
Bây giờ, đất Lục Yên có tới vài chục bãi đá, người người nhà nhà đi làm đá. Cứ khi nào có người tìm được viên đá có giá trị ở đâu đó là dân lại kéo nhau lên đào. Như gia đình ông, cả 7 anh chị em và các cháu đều theo nghề đá.
‘Những đợt cao điểm như vụ viên đá 3,8 tỷ vừa rồi, trên các bãi đá phải có tới hàng nghìn người. Ngày thường thì khoảng 200-300 người rải rác ở các bãi. Ban đầu, công an lên nhắc nhở, khuyên bà con đi về. Nhưng sau đông quá, sợ gây mất trật tự, nguy hiểm, chính quyền đã rào chắn lại, lập chốt ngăn chặn, tránh tình trạng nhộm nhoạm, là cơ hội cho các đối tượng tội phạm trà trộn’.
Gần 30 năm ‘nhìn’ đá, ông Dân tổng kết: ‘Được cũng nhiều, mà thua cũng không ít’. Lần thua lớn nhất của ông mới cách đây khoảng 1 tháng. ‘Hai anh em tôi chung nhau mua viên đá thô 650 triệu, nhưng bán chỉ được 95 triệu’.
Giơ chiếc nhẫn mặt đá đang đeo trên tay, ông bảo chiếc nhẫn này cắt từ 1 viên đá thô được mua với giá 1,2 tỷ đồng, nặng khoảng 1 lạng. Ông đinh ninh cắt ra phải được 5-6 viên, nhưng thực tế chỉ được 2 viên. 2 viên này bán đi cao nhất được 500 triệu, lỗ 700 triệu đồng nên ông để lại đeo cho đến giờ.
Cùng với những thương vụ lỗ nặng như thế, cũng không ít lần ông lãi to. ‘Cách đây 7-8 năm, một thợ đá gọi cho tôi mời mua viên đá thô. Họ đòi 8 triệu, tôi trả giá 6 triệu. Họ xin thêm 500 nghìn là 6,5 triệu. Tôi đoán chừng viên này đập ra được khoảng 10-20 triệu là cùng. Nhưng may mắn, viên đá bên trong to bằng ngón chân cái, độ lành cao. Tôi bán được hơn 1 tỷ đồng. Viên ấy giá bây giờ phải độ chục tỷ đồng’.
Ông Dân cũng chia sẻ, sau khi vớ quả đậm, ông có ‘ra lộc’ cho người bán một chiếc xe máy.
‘Đấy là lệ ở đây. Nếu dân buôn lãi lớn thì tặng lại cho người bán chiếc xe máy, ti vi hoặc mời cơm cả gia đình. Khi nào gia đình họ khó khăn, tìm đến mình thì mình cũng sẽ giúp đôi chút’.
Nhưng thương vụ hời nhất mà ông Dân từng chứng kiến có lẽ là của một người cháu mới giao dịch gần đây. ‘Nó mua viên đá thô giá 200 nghìn, bán đi được 70 triệu và bây giờ người đó đập ra đang đòi giá 5 tỷ, chưa ai mua nhưng nếu 2 tỷ rưỡi, 3 tỷ là có người lấy ngay’.
Ông bảo, đó là trường hợp cả người bán và người mua ban đầu không ai hiểu gì về đá. ‘Người mua thấy rẻ thì mua, người bán thì nghĩ lấy 200 nghìn bằng một ngày công là được rồi’.
Chính vì thế mà ông bảo, những trường hợp đổi đời nhờ đá ở Lục Yên này là có thật. Tất cả chỉ trong một vài ngày, thậm chí vài tiếng đồng hồ.
Nhưng ngược lại, cũng có nhiều người mất, không đến mức sạt nghiệp nhưng cũng điêu đứng một thời gian nếu mải mê chặt nhiều quá. ‘Với hàng đá thô lên tới vài chục, vài trăm triệu đồng, thường phải có dấu hiệu tốt thì người ta mới mua để chặt. Còn chặt thường xuyên, chặt ào ào thì chỉ với hàng vài trăm, hay 1-2 triệu mấy người chung nhau, không ảnh hưởng nhiều tới kinh tế’.
Ông Dân cũng chia sẻ rằng, bản thân ông giờ đã lớn tuổi, không nhanh nhạy bằng lớp trẻ nên hiện tại ông chủ yếu mua đá đã gọt đẽo sẵn, về chế tác thành thành phẩm dây chuyền, nhẫn… để bán, tuy lãi ít nhưng chắc ăn hơn. ‘Bây giờ lớp trẻ chỉ cần ngồi một chỗ, bán hàng online, chứ không như chúng tôi ngày xưa đi khắp nơi để bán đá’.
Chứng kiến những được mất ở đất Lục Yên gần 30 năm qua, ông kết luận: ‘Chuyện thắng thua là nghề rồi. Nói gì đi nữa thì người dân Lục Yên cũng được thiên nhiên ban tặng cho nguồn tài nguyên hiếm có. Chính đá quý đã giúp Lục Yên có được nền tảng kinh tế như ngày hôm nay. Ngoài nghề đào đá và buôn đá, dân địa phương còn làm các nghề khác ăn theo như làm tranh đá quý, chế tác các sản phẩm trang sức từ đá…’.
‘Số gia đình làm đá mua được ô tô, xây nhà lầu chiếm khoảng 50% ở Lục Yên. Người dân cũng có điều kiện đầu tư học hành cho con cái. Có gia đình con vừa đi thi đại học về đã lên Hà Nội mua nhà cho con có chỗ ăn ở sau này’.
Ông bảo, khi có điều kiện kinh tế, người dân lại có xu hướng đầu tư cho con học hành nhiều hơn là theo nghề đá. ‘Vì buôn bán thì lúc này lúc kia. Chỉ trừ cháu nào có năng khiếu, hiểu biết nhiều về đá thì mới theo, còn hầu như là người ta muốn đầu tư cho con cái học hành. Như bản thân tôi, 2 đứa con cũng không đứa nào theo nghề của bố’.
Theo VNE