Làn sóng hồi hương sau đại dịch Covid-19 cho thấy người lao động nhập cư mong manh như thế nào trước những biến cố. Tuy nhiên, với mức thu nhập ít ỏi suốt những năm tháng thanh xuân, họ có thể một lần nữa phải tìm đường về quê hương khi không còn đáp ứng nổi đòi hỏi tại thành thị và các khu công nghiệp.
Rời bỏ quê hương lên thành phố với hy vọng tìm được một cuộc sống no đủ, đại dịch khiến nhiều người lao động bỏ lại tất cả để về quê trong cảnh khánh kiệt. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Việc người lao động không thể tích cóp đủ để trở thành cư dân đô thị, khu công nghiệp tiềm ẩn những áp lực lớn cho các vùng nông thôn nghèo khi lực lượng này bị buộc phải trở lại quê nhà khi đã qua tuổi sung sức.
Những ngày Thành phố Hồ Chí Minh bỏ giãn cách xã hội, hàng nghìn người lao động vội vã sắp xếp hành lý về quê, bỏ lại thành phố hoa lệ mà họ từng tìm tới với hy vọng có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhiều tháng đằng đẵng sống trong cảnh giãn cách xã hội khiến các gia đình khánh kiệt. Lựa chọn duy nhất của họ là trở về nhà, nơi ít nhất họ cũng không phải chịu cảnh bữa no, bữa đói.
Nhiều ngày qua, các nhà phân tích, báo giới cũng nói nhiều về làn sóng di cư “ngược” mà Việt Nam đang phải đối mặt. Nếu tiếp tục kéo dài, việc người lao động rời bỏ thành phố, các trung tâm công nghiệp sẽ gây ra tình trạng thiếu lao động trên diện rộng, cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp và gây ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, có một khía cạnh mà chưa nhiều người nhắc tới đó là áp lực lớn mà những người hồi hương sẽ tạo ra cho các vùng quê, đặc biệt là những nơi chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Đại biểu Quốc hội Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, đã đề cập tới vấn đề này trước Quốc hội với mong muốn sớm tìm được giải pháp.
Theo ông Đoàn, làn sóng lao động hồi hương là điều cần phải xem xét, lưu tâm. Trong những năm qua, sự chuyển đổi lực lượng lao động từ nông nghiệp, nông thôn sang ngành nghề phi nông nghiệp tương đối lớn. Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mục tiêu trong 5 năm tới giảm tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội từ 31% xuống khoảng 25%.
Như vậy, lượng lao động được chuyển đổi từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang lao động phi nông nghiệp là rất lớn. Các lao động này thường sẽ chuyển đổi sang khu công nghiệp, các ngành nghề kinh doanh thuộc kinh tế nông thôn hay trở thành lao động tự do.
“Cần phải có chính sách để làm sao những lao động ở nông thôn khi chuyển đổi sang làm việc ở các khu công nghiệp được định cư, trở thành cư dân của các khu công nghiệp, cư dân thành thị. Thực tế hiện nay, công nhân của chúng ta thu nhập thấp không đủ để trở thành cư dân ở các khu công nghiệp, các khu đô thị. Họ sống chủ yếu ở các nhà trọ rẻ tiền”, ông Đoàn nhấn mạnh.
Một vấn đề khác cũng được Chủ tịch Hội Nông dân nhắc tới là thực trạng những doanh nghiệp nước ngoài sử dụng lao động chủ yếu từ 18-35 tuổi. Sau độ tuổi đó, họ đứng trước nguy cơ bị đào thải. Kết hợp với thu nhập thấp trong quãng thời gian “sung sức” nhất của cuộc đời, người lao động sẽ thực sự “bơ vơ” sau khi không còn đáp ứng được đòi hỏi công việc nhưng chưa trở thành cư dân cư dân ở khu công nghiệp, khu đô thị.
Giống với việc khoảng 350.000 lao động đổ dồn về 13 tỉnh miền Tây thời kỳ hậu dịch bệnh, những người lao động “hết thời” không thể bám trụ tại thành phố hay các khu công nghiệp cũng sẽ buộc phải trở về quê hương với khoản tích cóp ít ỏi mà họ đánh đổi bằng những năm tháng thanh xuân.
“Nếu lao động di cư về nông thôn ở mức độ vừa phải còn chấp nhận được, nhưng với hàng triệu lao động từ thành phố tràn về nông thôn thì vấn đề an sinh, sinh kế… rất khó khăn. Khi đó nông thôn, nông nghiệp không thể là trụ đỡ được. Qua làn sóng lao động di cư về quê vừa qua thấy chính người nghèo đang phải nuôi người nghèo. Bản thân những lao động ở nông thôn vốn đã nghèo nay phải gánh cho cả người lao động ở thành phố không còn gì phải trở về”, ông Đoàn nhấn mạnh.
Chính vì thế, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng cần có những chính sách rõ ràng hơn để phát triển kinh tế nông thôn, phải định vị vấn đề trọng tâm của phát triển kinh tế nông thôn là gì.
“Gần đây, trong phát triển kinh tế nông thôn chúng ta nêu kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã là mấu chốt. Vậy phải xác định rõ điểm mấu chốt này để định vị phát triển. Có đúng kinh tế tập thể, hợp tác xã là mấu chốt hay không, nếu đúng thì phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho phát triển mô hình này”, ông Đoàn nói.
Linh Anh–Theo Tổ Quốc