EU đã nhất trí liệt 4 cá nhân và 1 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen với cáo buộc “vi phạm nhân quyền” đối với cộng đồng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Liên minh Châu Âu (EU) mới đây đã nhất trí về gói trừng phạt mới đối với Trung Quốc về vấn đề Tân Cương, hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời hai nhà ngoại giao EU đưa tin ngày 17/3.
Theo đó, 27 đại sứ của các nước thành viên EU đã thống nhất về quyết định liệt 4 cá nhân và 1 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen với cáo buộc “vi phạm nhân quyền” đối với cộng đồng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Politico cho biết đây chỉ là một phần của gói trừng phạt tổng thế nhằm vào các quốc gia bị cáo buộc vi phạm nhân quyền; danh sách đầy đủ bao gồm 11 cá nhân và 4 thực thể ở 6 quốc gia (ngoài Trung Quốc còn có Nga, Eritrea, Libya, Triều Tiên và Nam Sudan).
Các biện pháp trừng phạt – bao gồm đóng băng tài sản và cấm đi lại – đang được thực hiện theo một khuôn khổ mới được giới thiệu vào tháng 12/2020, được gọi là “Đạo luật Magnitsky của EU”. Bản “danh sách đen” này dự kiến sẽ được công bố sau cuộc họp về các biện pháp trừng phạt của 27 ngoại trưởng EU ngày 22/3 tới.
Hãng tin Sputnik cho biết, đây sẽ là lần đầu tiên EU trừng phạt Bắc Kinh kể từ tháng 6/1989. Các nhà ngoại giao EU nói với Reuters rằng quyết định này đã được họ đưa ra do lo ngại của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở châu Âu, Canada và Mỹ.
Các nhà hoạt động và chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc cáo buộc rằng ít nhất 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại ở Tân Cương; đồng thời họ cũng nói rằng Trung Quốc tra tấn, cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ.
Mỹ, Hà Lan cùng 180 nhà hoạt động, tổ chức và nhà lập pháp gần đây đã đồng loạt cáo buộc Trung Quốc “diệt chủng” ở Tân Cương. Nhiều nhà lập pháp Canada và Anh đã kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh vì vấn đề này.
Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc trên và khẳng định nước này đang nỗ lực chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Đại sứ Trung Quốc tại EU Trương Minh đã lên án các lệnh trừng phạt của EU là hành động “đối đầu” trong bài đăng trên Twitter hôm 17/3.
“Các biện pháp trừng phạt mang tính chất đối đầu. Chúng tôi muốn đối thoại, không phải đối đầu. Chúng tôi yêu cầu phía EU suy nghĩ kỹ. Nếu một số người khăng khăng muốn đối đầu, chúng tôi sẽ không lùi bước, vì chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm tròn trách nhiệm của mình với người dân”, Đại sứ Trương khẳng định.
Các biện pháp trừng phạt nói trên được EU công bố chỉ vài tháng sau khi liên minh này ký thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc – một thỏa thuận đã mất hơn 7 năm để đàm phán và vẫn chưa được phê chuẩn. Một số nhà lập pháp Brussels đã chỉ trích EU vì đồng ý ký thỏa thuận trong khi Bắc Kinh đang bị cáo buộc về nhiều hành vi vi phạm nhân quyền.
Politico cho biết, một số nhà ngoại giao EU cho rằng liên minh trước tiên phải “điều chỉnh” mối quan hệ của mình với Trung Quốc nhằm tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa các biện pháp trừng phạt và đầu tư./.
(Theo Sputnik, Politico)-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị