(Dân trí) – Festival quốc tế lúa gạo Việt Nam dự kiến xác lập 3 kỷ lục Việt Nam về Sự kiện công diễn và chế biến 200 món bánh làm từ gạo nếp; Con đường lúa gạo Việt Nam; Bản đồ lúa gạo đặc sản Việt Nam.
Sáng 01/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kết hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức họp báo giới thiệu Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang năm 2023.
Ông Hoàng Trung – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, với lượng gạo xuất khẩu hàng năm từ 6-7 triệu tấn trở lên. Trong bối cảnh khủng hoảng lương thực, thực phẩm toàn cầu như hiện nay, vị thế và vai trò của lúa gạo càng quan trọng và ý nghĩa với an ninh lương thực toàn cầu.
Theo ông Trung, Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 mở ra cơ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng hạt gạo và tạo đà thúc đẩy cho thương mại lúa gạo quốc gia.
Đồng thời, đây là cơ hội để Việt Nam đưa ra thông điệp với thế giới về một quốc gia có trách nhiệm với nền lương thực, thực phẩm toàn cầu.
Ông Đồng Văn Thanh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang – nói đây là lần đầu tiên, Festival lúa gạo Việt Nam được tổ chức ở tầm quốc tế và chọn Hậu Giang làm địa điểm diễn ra. Trước đó năm 2019, Hậu Giang cũng là địa phương được chọn để lần đầu tiên tổ chức festival lúa gạo Việt Nam quy mô cấp vùng.
Sự kiện dự kiến thu hút khoảng 1.000 đại biểu trong và ngoài nước tham dự, trong đó có gần 200 khách quốc tế đăng ký.
Giải thích về việc Hậu Giang được chọn là nơi lần đầu tổ chức festival lúa gạo, ông Thanh cho biết tỉnh là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuận tiện về giao thông.
Với địa thế là trung tâm của vùng, Hậu Giang đa dạng về hệ sinh thái nước mặn, nước lợ, nước phèn, đầy đủ các loại cây trồng khác nhau. Hậu Giang có diện tích trồng lúa lớn, chiếm hơn 50% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh; hộ nông dân làm nông nghiệp chiếm hơn 70%, đa số sống bằng nghề nông.
Ngoài ra, Hậu Giang có kênh Xáng Xà No dài 45km có từ thời Pháp thuộc, là vùng phát triển mạnh mẽ, kết nối giao thông đường thủy từ Campuchia, Thái Lan qua vùng Cà Mau, Rạch Giá nối lên TPHCM… tạo thành “con đường lúa gạo” của vùng Tây Nam Bộ.
Trong khuôn khổ festival, tại bờ kè kênh Xáng Xà No sẽ diễn ra triển lãm “Con đường lúa gạo Việt Nam” từ ngày 11/12/2023 đến ngày 3/1/2024 với những mô hình bố trí trải dài từ đường Trần Hưng Đạo đến kênh Xáng Xà No.
Các mô hình tại triển lãm thể hiện quá trình phát triển nghề trồng lúa Việt Nam từ khi làm nông nghiệp, tái hiện quá trình “trên bến dưới thuyền” của người dân Nam bộ. Cuối con đường là bản đồ lúa gạo được làm từ gạo đặc sản của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, với kích thước chiều ngang 3m, cao 9m.
Ngoài ra, nhiều hoạt động triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 11/12 đến 15/12 với các gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm lúa gạo, sản phẩm OCOP, ẩm thực các món ngon từ gạo, giới thiệu các máy móc, thiết bị, bay phục vụ sản xuất lúa…
Dự kiến tại Festival, Hậu Giang sẽ mời Tổ chức Guiness Việt Nam xác lập 3 kỷ lục Việt Nam: Sự kiện công diễn và chế biến 200 món bánh làm từ gạo nếp; Con đường lúa gạo Việt Nam; Bản đồ lúa gạo đặc sản Việt Nam.
Lễ khai mạc Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ được tổ chức vào 20h ngày 12/12 tại Quảng trường Hòa Bình, phường V, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao
Tại Festival lần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức công bố phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Phạm vi đề án được triển khai tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long. Vùng này chiếm khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu hàng năm của nước ta.
Đề án dự kiến được thực hiện với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024-2025) tập trung vào củng cố các diện tích đã có của dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000ha.
Giai đoạn 2 (2026-2030) là xác định rõ vùng trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải, tập trung vào các hoạt động chủ yếu là đầu tư cho những vùng diện tích mới trên cơ sở hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống hệ thống Đo đạc – Báo cáo – Thẩm định (MRV).
PV