Lựa chọn nào cũng có điểm cộng và điểm trừ, quan trọng là bạn muốn làm một mắt xích trong cỗ máy lớn hay làm một phần cốt lõi trong cỗ máy nhỏ mà thôi.
Trước đây khi còn là sinh viên, tôi rất thích các hoạt động đội nhóm, thích đông người, thích mặc đồng phục. Những ý thích này khiến tôi nuôi ý định ra trường sẽ xin vào các công ty lớn, công ty có phòng này, ban nọ, có đồng phục, thẻ đeo, ra vào chấm công, cuối tuần được nghỉ.
Và rồi, tôi cũng đậu cuộc phỏng vấn 2 tiếng rưỡi để vào một công ty lớn như mình mong muốn. Thế nhưng, tôi chỉ làm việc ở công ty đó đúng 2 tháng thử việc rồi nghỉ vì chán. Tôi chuyển sang làm trợ lý giám đốc cho một công ty Dịch thuật với quy mô 5 nhân viên. Từ đây, tôi mới cảm thấy mình hợp với môi trường làm việc của công ty nhỏ hơn.
Tôi làm ở công ty đó từ 10/2018 đến 01/2020 thì nghỉ, ra làm start up riêng. Tuy thời gian làm việc không dài, nhưng đủ để bản thân có thể rút ra một vài so sánh cho các bạn trẻ có thể định hướng nơi xin việc sau khi ra trường:
- Quy trình phỏng vấn
– Công ty lớn: Quy trình phỏng vấn gắt gao, tỷ lệ chọi cao, đòi hỏi ứng viên phải có năng lực toàn diện từ chuyên môn đến ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm…
– Công ty nhỏ: Quy trình phỏng vấn đơn giản, phù hợp cho các bạn sinh viên mới ra trường, những người muốn thay đổi môi trường làm việc.
- Quy trình làm việc
– Công ty lớn: Quy trình làm việc chặt chẽ, mỗi phòng ban có chức năng nhiệm vụ riêng, trong mỗi phòng còn có team leader, phó phòng, trưởng phòng. Mọi đề xuất, báo cáo đều phải thông qua đúng trình tự rồi mới đến tay Phó Giám đốc, Giám đốc. Đôi khi ý tưởng hay của nhân viên đã bị ngăn chặn từ tay team leader rồi. Con đường thăng tiến cũng phải theo trình tự như vậy. Do đó, yếu tố cạnh tranh tại công ty lớn khá gay gắt, drama văn phòng cũng không ít.
– Công ty nhỏ: Mọi thứ khá linh hoạt. Nếu bạn thật sự có năng lực sẽ được lãnh đạo công ty chú ý ngay, từ đó tiếng nói của bạn trong công ty cũng nhanh chóng có trọng lượng, khi bạn mang lại giá trị cho công ty thì lương bổng cũng sẽ tăng lên, chức vụ cũng được thăng cấp mà chẳng cần theo quy củ nào cả. Công ty thì ít người nhiều việc nên hiếm có chuyện chia bè kéo phái, mọi người yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành công việc, cùng nhau cố gắng.
- Môi trường làm việc
– Công ty lớn: Trang phục chỉnh tề, mỗi người có một ô làm việc riêng, máy tính riêng, văn phòng phẩm dùng riêng, giờ giấc nghiêm túc. Chấm công mỗi ngày, đi trễ trừ lương, về trễ tính thêm tiền over time.
– Công ty nhỏ: Mặc gì thoải mái là được, văn phòng phẩm dùng chung, tự mang laptop đến công ty làm, đi trễ bị mắng, về trễ được khen.
- Lương bổng, phúc lợi
– Công ty lớn: Doanh thu cao, lợi nhuận cao, nên các công ty lớn sẽ trả lương cao hơn các công ty nhỏ. Bên cạnh lương còn có đầy đủ các chế độ bảo hiểm, trợ cấp ăn uống, thưởng lễ tết, sinh nhật, tiền đồng phục, các hoạt động team building, du lịch hàng năm…
– Công ty nhỏ: Lương thấp, các chế độ phúc lợi, đãi ngộ không được chú trọng.
- Lợi ích sau khi rời khỏi công ty
– Công ty lớn: Khi CV của bạn có thời gian từng làm cho một công ty lớn thì đó sẽ là điểm cộng rất lớn đối với nhà tuyển dụng, bởi bạn tồn tại được trong một công ty lớn thì bạn thật sự có năng lực hoặc kỹ năng giao tiếp rất tốt.
– Công ty nhỏ: Bạn sẽ có được nhiều kỹ năng khác nhau, có năng lực của hầu hết các phòng ban từ văn thư cho đến nhân sự, kế hoạch, marketing… vì mảng nào bạn cũng đã kinh qua ở công ty nhỏ rồi.
- Bạn là người hợp với công ty lớn hay công ty nhỏ?
– Nếu bạn là người thích quy tắc, luật lệ, ổn định, mong muốn mức lương cao, định hướng “làm công ăn lương lâu dài” thì nên đầu quân vào công ty lớn.
– Nếu bạn là người thích sự linh hoạt, sẵn sàng làm nhiều việc cùng một lúc, mong muốn có nơi thể hiện năng lực và học hỏi trực tiếp từ lãnh đạo, tạo tiền đề tốt để làm start up riêng sau vài năm đi làm thì công ty nhỏ là lựa chọn phù hợp dành cho bạn.
Đó là vài nhận xét mà tôi rút ra được sau thời gian đi làm ít ỏi. Thật ra, lựa chọn nào cũng có điểm cộng và điểm trừ, quan trọng là bạn muốn làm một mắt xích trong cỗ máy lớn hay làm một phần cốt lõi trong cỗ máy nhỏ mà thôi.
Lý Uyên – Theo Báo Dân Sinh