Chia sẻ với những người đang trên con đường trở thành CEO, Rich McBee, giám đốc điều hành của Mitel cho hay, có 6 điều bạn phải ghi nhớ để thành công trong vai trò này.
Lúc nhỏ, khi được hỏi muốn làm gì khi lớn lên, tôi từng trả lời rằng mình muốn trở thành CEO của một công ty đại chúng.
Nghe có vẻ thật khôi hài, nhưng đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ ước mơ được làm việc trong một góc văn phòng như thế. Khi đó tôi không biết công việc đó sẽ đòi hỏi những gì, nhưng ngay từ những năm đầu đại học, tôi thường nghiền ngẫm các bài báo của tờ Wall Street Journal nhằm tiếp thu kiến thức kinh doanh càng nhiều càng tốt.
Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực, tôi đã đạt được ước mơ từ nhỏ vào năm 2011 – khi trở thành CEO của Mitel.
“Mình đã sẵn sàng chưa nhỉ?” Tôi nghĩ là chưa… bởi có nhiều điều trường lớp không thể dạy, mà bạn phải tự mình trải nghiệm.
7 năm trôi qua nhanh chóng, và tôi đã học được vô vàn bài học đắt giá mà tôi rất vui khi được chia sẻ cùng với các bạn – những CEO mới, những người khao khát vai trò này.
Ở đây, tôi sẽ không chia sẻ về các chiến lược hay cách thức vận hành một công ty hiệu quả. Bạn có thể đã giỏi về điều đó rồi, nếu không thì sao có thể ở vào vị trí như bây giờ phải không?
Thay vào đó, tôi sẽ chỉ đưa ra một số kinh nghiệm khác của mình tại vị trí này.
- Hãy mặt dày và tập trung vào công việc của mình
Trong vai trò giám đốc điều hành, ngoài áp lực công việc, áp lực nội bộ, bạn còn phải sẵn sàng nhận những lời chỉ trích, phán xét… đôi khi rất hợp lý, nhưng nhiều lúc cũng rất vô căn cứ. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, bạn nhất định phải luôn giữ mình trong trường hợp thứ 2.
Trong những ngày đầu làm việc của tôi tại Mitel, một blogger đã nhận xét về tôi rằng: “McBee không thể thoát ra khỏi cái túi giấy ướt”. Không giấu gì các bạn, điều đó khiến tôi nhói lên trong 1 phút – hoặc có thể lâu hơn một chút. Nhưng cuối cùng, bạn vẫn phải vượt qua nó.
Tất nhiên, cùng với lời nhận xét này, ngay sau đó chúng tôi cũng nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ các nhà phân tích tài chính và công nghiệp về chiếc lược chúng tôi đang thực hiện cũng như những kết quả mà nó mang lại.
Bạn biết phải làm gì rồi chứ? Hãy mặt dày và tập trung vào công việc của mình!
- Bạn sẽ phải làm việc với nhiều sếp cùng lúc
Chuyển từ giám đốc điều hành cấp cao sang tổng giám đốc điều hành (CEO) là một bước tiến quan trọng hơn nhiều người vẫn nghĩ.
Trong vai trò giám đốc điều hành, bạn là thành viên của nhóm và điều khiển một phần chiến lược công ty. Nhưng với tư cách là tổng giám đốc điều hành, thì chiến lược đó, dù hay hay dở thì cuối cùng nó vẫn là của bạn. Bạn sở hữu nó. Bạn dẫn dắt nhóm của mình. Bạn lèo lái công ty và nhân viên trông chờ vào quyết định cũng như định hướng của bạn để tiến hành công việc.
Đừng dại dột nghĩ rằng, CEO có nghĩa là tự mình làm chủ và có thể tùy ý điều hành. Trên thực tế, đó chính là lúc bạn có nhiều ông chủ hơn bao giờ hết. Là một thành viên trong đội ngũ điều hành, bạn sẽ có một người sếp. Còn khi là một CEO, cả hội đồng quản trị đều sẽ là sếp của bạn. Vì vậy bạn có thể sẽ phải báo cáo tình hình công việc với tận 5, 7 hoặc nhiều người hơn nữa trong hội đồng, đó là chưa kể đến sự góp mặt của các cổ đông.
Các thành viên hội đồng quản trị làm việc cùng nhau, nhưng họ cũng phát huy tính độc lập riêng. Mỗi thành viên hội đồng có thể muốn xem xét những thứ khác nhau, hoặc có thể họ muốn xem cùng một thứ, nhưng lại theo những cách khác nhau. Bạn có thể phải học 6 hoặc 7 cách để xem xét cùng một tài liệu để phục vụ cho nhiều người với nhiều quan điểm hoặc sở thích khác nhau, v.v…
Vì vậy, việc phát triển mối quan hệ với mỗi thành viên hội đồng là điều rất quan trọng; và việc nói chuyện với từng người trước khi họp hội đồng cũng vậy. Bạn sẽ muốn biết được mối quan tâm của họ hiện tại là gì để có thể tập trung giải quyết; hoặc ít nhất có đủ thời gian, kiến thức chuẩn bị cho chủ đề đó.
- Đặt đúng người vào đúng vị trí, đúng thời điểm
Có một sự khác biệt nhỏ giữa việc thể hiện lòng tốt của mình với các thành viên trong nhóm và làm những gì tốt cho công ty.
Bạn có thể dễ dàng cho người khác rất nhiều thời gian để khắc phục sự cố, thậm chí nhảy vào làm thay việc của họ. Nhưng bạn cần tin vào trực giác của bản thân để biết khi nào công việc đang không đi đúng hướng. Đừng lãng phí thời gian. Hãy nhanh chóng làm gì đó để thay đổi tình thế. Khi tôi trò chuyện cùng các CEO khác, điều mà đa số họ đều tỏ ra nuối tiếc nhất chính là không giải quyết đủ nhanh các vấn đề phát sinh của các thành viên.
Nếu bạn được đưa vào nhóm để tăng tốc, hoặc dẫn dắt nhóm qua thời gian chuyển đổi quan trọng, hãy xem xét kỹ lưỡng đội ngũ quản lý của bạn. Điều quan trọng là phải nhanh chóng xác định xem ai làm việc hiệu quả và ai có thể không đủ kỹ năng và kinh nghiệm để đưa công ty phất lên cùng với bạn. Không có gì quan trọng hơn việc đặt đúng người vào đúng chỗ, đúng thời điểm – vì lợi ích của chính họ và cả công ty.
- Hãy cẩn thận với những gì bạn định nói
Là một trong những nhà lãnh đạo trong một công ty đại chúng, hẳn nhiên bạn sẽ phải tham gia vào các buổi giới thiệu với nhiều nhà đầu tư khác nhau. Nhưng khi làm việc với tư cách một CEO, thì bạn sẽ là nhân vật chính trong buổi giới thiệu đó.
Họ muốn nghe bạn nói để hiểu chiến lược của bạn. Sau đó, họ sẽ đánh giá chiến lược của bạn có hợp lý hay không để xem họ thấy bạn đủ năng lực thực hiện điều đó hay không.
Tôi luôn nói, “giá cổ phiếu của một công ty” = “Giá thị trường hợp lý” + “Tham lam” – “Sợ hãi”. Tôi sẽ cho bạn một ví dụ về những gì tôi muốn nói. Thời gian trước, tôi đang đợi đến lượt trình bày tại một sự kiện phân tích trong lúc một CEO trước mặt tôi đang nêu lên ý kiến của mình. Trong bài phát biểu, có một đoạn ông ấy đã nói ra một điều khiến mọi người lạnh gáy. Ông nói rằng công ty của ông có chiến lược đúng đắn, nhưng cũng cảnh báo rằng nó sẽ rất khó thực hiện. Từ “khó” đó ngay lập tức khiến mọi người sợ hãi.
Khi tôi nhìn quanh phòng, mọi người đều cầm điện thoại di động lên, trong khi vị CEO kia vẫn thao thao bất tuyệt trình bày về phương thức bán hàng mà công ty đang thực hiện.
Đừng bao giờ quên: Tất cả những gì bạn nói, mọi âm điệu trong giọng nói và ngôn ngữ cơ thể của bạn, đều được mọi người quan sát. Hãy chắc chắn rằng bạn luôn thể hiện đúng những gì mình muốn nói.
- Xây dựng chiến lược truyền thông về chính bạn
Trong thế giới với sự lên ngôi của các phương tiện truyền thông xã hội và tức thời như ngày nay, thật dễ dàng để phát sóng mọi quan điểm mà không cần biết đối tượng tiếp cận được là ai. Điều đó cũng có thể làm mờ đi ranh giới giữa ý kiến của bạn và những gì công ty bạn đại diện. Nếu các bên liên quan như khách hàng, nhân viên, nhà đầu tư,… không đồng ý với quan điểm của bạn, họ có thể đưa những quan điểm này vào các quyết định của họ về bạn và về công ty của bạn.
Chiến lược truyền thông cá nhân của bạn nên được xem là một khía cạnh quan trọng trong quản lý danh tiếng của cả công ty. Như vậy không có nghĩa là bạn không được lên tiếng hay đưa ra ý kiến về các vấn đề ảnh hưởng đến ngành nghề và công ty mình. Bạn chỉ cần cân nhắc cẩn thận những gì mình đang nói và cách thức để các bên liên quan khác nhau đều có thể hiểu được quan điểm của mình, đặc biệt là vào thời điểm mọi người đang không ngừng cố gắng để thấu hiểu lẫn nhau.
- Sẵn sàng đối mặt với sai lầm
Lần đầu trở thành một CEO rất thú vị; vì bạn đã làm việc chăm chỉ để có được vị trí này nên hãy tận hưởng điều đó. Bạn đang mở ra những khả năng mới và mang đến một khía cạnh mới mẻ có thể tác động đến tương lai công ty bạn.
Tuy nhiên, bạn phải sẵn sàng đối mặt với những áp lực ở cả bên trong lẫn bên ngoài để thành công trong vai trò này. Đừng bao giờ ngại thừa nhận khi bản thân mắc sai lầm. Hãy thừa nhận cái sai của mình và bước tiếp. Hãy đối mặt với cường độ làm việc của một CEO mới và ngẩng cao đầu tiếp cận với bối cảnh kinh doanh đang phát triển. Bạn không thể biết hết tất cả, nhưng bạn có thể tập hợp một nhóm có khả năng đó. Tìm cách giữ lại hoặc thuê mới một người có thể làm ở vị trí nào đó tốt hơn bạn làm (và tất nhiên luôn có một người ngoài kia có thể đảm nhận việc đó tốt hơn bạn).
Hãy tận hưởng công việc, đặt kỳ vọng cao và luôn thận trọng. Trên hết, hãy nhớ rằng mọi người trong công ty mới là điều quan trọng. Vì HỌ chính là công ty.
Rich McBee đã bước lên vị trí Chủ tịch và Tổng Giám đốc điều hành của Mitel với hơn 25 năm kinh nghiệm về viễn thông. Ông đã và đang lãnh đạo chiến lược, hiệu quả kinh doanh và bành trướng toàn cầu của Mitel. Được bổ nhiệm vào tháng 1/2011, Rich chịu trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển và đi đầu của Mitel trong thị trường truyền thông kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, cũng như đưa ra các chiến lược kinh doanh cho công ty.
Bảo San (Theo Business Insider)